Trong đó, phải kể đến lứa tuổi Thiếu niên (U13) với 5 danh hiệu vô địch vào các năm 1997; 1998; 2003; 2013 và 2014. Lứa tuổi U17 đăng quang 7 lần vào các năm 2004; 2005; 2006; 2007; 2008; 2009 và mới nhất là 2012. Lứa tuổi U21 sở hữu kỷ lục về số lần nâng cúp vào các năm 1999; 2001; 2004; 2005 và 2006.
Ở độ tuổi U19, giai đoạn mà các cầu thủ tiệm cận với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, SLNA vẫn "ngự trị" ngôi đầu bảng với 5 lần vô địch vào các năm 1999; 2001; 2004; 2005 và 2006. Tuy nhiên, đó đã hoàn toàn là những câu chuyện của quá khứ khi SLNA phát huy được thế mạnh của một địa phương dồi dào tài năng và quan tâm đến bóng đá. Trong bối cảnh các lò đào tạo khác chưa đầu tư mạnh tay.
Những năm gần đây, “lò” SLNA ở các giải đấu trẻ trong nước không còn giữ được vị trí độc tôn, đá đâu thắng đó như trước. Mỗi một tấm vé vào chơi VCK đã được người hâm mộ xứ Nghệ xem là một thành công. Cho đến khi lọt vào VCK, việc bị các đội bóng kị dơ như Viettel, PVF hay Hà Nội loại sớm là điều không còn quá bất ngờ...
Khi mà ĐT U19 Việt Nam đang thi đấu tại VCK U19 châu Á, SLNA cũng chỉ có một gương mặt (không được đá chính). Lứa cầu thủ U19, U20 của SLNA hiện tại là lứa mà SLNA bị "lủng", gặp vấn đề trong khâu tuyển chọn, đào tạo. Nổi bật nhất ở lứa tuổi này cũng chỉ có thể nhắc đến tiền vệ Đặng Văn Lắm vừa thất bại tại vòng loại U21 QG năm 2016.
Ở thời điểm khó khăn đó, gia nhập lò SLNA không còn quá khó khăn, là niềm tự hào của cả một gia đình, một thôn xã nữa. Về phần giáo án, công tác huấn luyện cũng chưa được SLNA chú trọng. Và dĩ nhiên, khi ĐT U20 Việt Nam đang quảng bá hình ảnh bóng đá Việt đến khắp năm châu tại VCK U20 World Cup đang diễn ra tại Hàn Quốc thì việc vắng bóng SLNA thực sự là một nỗi đau. Và đương nhiên, SLNA cũng không thể đôn bất kỳ một gương mặt nào từ lứa trẻ lên giống như cách “gặt lúa non” trong quá khứ từng làm.
Vị trí độc tôn của một nền bóng đá tồn tại nhiều năm ở một địa phương nghèo bị đánh gục rõ ràng là minh chứng cho một sự phát triển trông thấy của BĐ Việt Nam.
Bốn năm sau đó, lò SLNA mới bắt đầu bắt tay xây lại với lứa cầu thủ U15, U17 hiện nay. Các lò Viettel, Hà Nội, PVF hay HAGL cũng khó “cướp” đi những viên ngọc thô mà SLNA đã nhắm.
Ở thời điểm hiện tại, U15 SLNA là đội bóng đầu tiên giành vé dự VCK với sự dẫn dắt của HLV Ngô Quang Trường – người có bằng cấp tốt nhất hiện nay của CLB SLNA và sắp sửa hoàn thành khoá học HLV Pro do AFC cấp vào cuối năm.
Trong tay mình, nhà cầm quân từng 2 mùa dẫn dắt SLNA tại V.League sở hữu những gương mặt tốt nhất tại lò SLNA lúc này. Với một nửa là lứa cầu thủ U13 SLNA mùa giải năm ngoái chỉ chịu thua Viettel trong trận chung kết trên chấm Pentaly có thể kể đến những tiền vệ như Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Bách.
Sau khi giành vé dự VCK bằng thành tích toàn thắng tại vòng loại, ghi được 21 bàn thắng sau 6 trận và chỉ thủng lưới 1 bàn, nhưng U15 SLNA đã có sự chuẩn bị nghiêm túc bằng những trận giao hữu. Một là trận thua 2-4 trước U17 Viettel và trận thắng 3-0 trước U17 SHB Đà Nẵng.
Về phần U17 SLNA, với nòng cốt là lứa cầu thủ U13 vô địch quốc gia năm 2014, mục tiêu của thầy trò HLV Phạm Bùi Minh là vượt qua SHB Đà Nẵng, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh và Bình Định để giành 1 trong 2 tấm vé trực tiếp. Đó không phải là nhiệm vụ quá khó khăn nếu nhìn vào thực lực của U17 SLNA lúc này.
SLNA đang từng bước chấn chỉnh lại công tác đào tạo trẻ và bắt đầu cho thấy những dấu hiệu lạc quan dù vẫn còn đó rất nhiều khó khăn trong điều kiện vật chất, sân bãi... Tuy nhiên, đó hoàn toàn là một sự thức tỉnh đáng ghi nhận. Điều này còn được củng cố thêm khi ở Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An sắp tới, SLNA sẽ tuyển chọn nhiều cầu thủ tốt để ký hợp đồng đào tạo dài hạn.
Quay trở lại với ĐT U20 Việt Nam, khi không có một cầu thủ Nghệ nào, CĐV SLNA sẽ phải làm quen với việc xem Đội tuyển thi đấu mà thiếu đi chất Nghệ. Sinh viên, người lao động Nghệ Tĩnh ở Hàn Quốc thuộc diện đông đảo nhất, chẳng trách Việt Nam đá giải thế giới mà khán đài vẫn thiếu đi một chút cuồng nhiệt, đông đúc đến từ những CĐV xứ Nghệ yêu bóng đá.
Bóng đá phải gắn liền với công tác chăm bẵm những tài năng. Thành công của một lò đào tạo bóng đá là có bao nhiêu cầu thủ chuyên nghiệp, bao nhiêu cầu thủ có cơ hội cống hiến cho các ĐTQG. Nó không chỉ đến từ những danh hiệu đã có được trong quá khứ, điều đó chỉ là một sự ghi nhận.
Nhưng dù sao, sau 3-4 năm sống trong cơn khát danh hiệu sẽ giúp SLNA vực dậy thế mạnh, thương hiệu của mình. Bên cạnh niềm tự hào chung mà ĐT U20 Việt Nam đang mang đến cho người hâm mộ nước nhà, thì sự có mặt của các cầu thủ SLNA trong đội tuyển quốc gia đang là niềm mong mỏi của Ban huấn luyện SLNA và người hâm mộ .
Nguồn tin:Báo Nghệ An