Trong tỉnh

Nghệ An: “Vỏ bọc” nạo vét lòng hồ để tận thu khoáng sản

Với việc chỉ phải bỏ số tiền hơn 1 tỷ đồng, doanh nghiệp đã nghiễm nhiên được phép tận thu hàng trăm nghìn m3 khoáng sản các loại để sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Đây là thực trạng của việc tận thu khoáng sản dưới “vỏ bọc” dự án nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang diễn ra trong thời gian qua.

Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an huyện Nghi Lộc (Công an tỉnh Nghệ An) bất ngờ kiểm tra, lập biên bản về sự việc mà đơn vị thi công tự ý huy động máy móc, phương tiền vào nạo vét, tận thu khoáng sản tại đập Bầu Cơm trái phép.

“Bật đèn xanh” cho doanh nghiệp tận thu

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đập Bầu Cơm có quy mô diện tích lưu vực 28,26km2 với dung tích trữ nước đạt 0,6847m3, cao trình đỉnh đập +20m, chiều dài thân đập 360m.

Vị trí đập Bầu Cơm nằm ở địa bàn xóm 9, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc là hồ chứa nước thuỷ lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho địa phương từ hàng chục năm nay.

Đầu năm 2020, chính quyền địa phương cũng đã khởi động, xúc tiến việc nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm để mục đích tăng diện tích dữ trữ nước cho công trình thuỷ lợi này.

Đến ngày 06/3/2020, dựa trên nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm do cơ quan chức năng trình và công văn số 27/UBND ngày 10/2/2020 của UBND xã Nghi Kiều cùng với đề nghị của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 648/QĐ-UBND về việc phê duyệt ĐTM cho công trình này.

Cùng với quyết định 648, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho UBND xã Nghi Kiều làm chủ dự án để thực hiện chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát… đối với quá trình nạo vét đập Bầu Cơm trong thời hạn đến năm 2025.

Khối lượng nạo vét theo ĐTM đã được phê duyệt là 183.110,50m3 với công suất 36.622m3/năm. Đơn vị thi công sẽ thực hiện biện pháp nạo vét bùn đất bồi lắng vào mùa kiệt, khi mực nước hồ xuống thấp rồi vận chuyển đến nơi cần tập kết.

Và, cũng theo đề nghị của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 07/8/2020, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 2654/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị cấp quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đập Bầu Cơm cho Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam có địa chỉ tại xóm 4, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc.

Theo đó, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam được phê duyệt giá trị cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất sét gạch ngói; đất làm vật liệu san lấp và đá ong (laterit) tận thu được trong quá trình nạo vét tại khu vực nói trên với số tiền nộp 01 lần là 1.015.380.000 đồng.

Khi có “lệnh bài” này, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam cũng đã triển khai máy móc, phương tiện vào thi công, đào bới qua nhiều tháng tạo thành một “đại công trường” nham nhở. Hàng loạt phương tiện cơ giới tải trọng lớn cũng được huy động vào đây để tận thu khoáng sản chở đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngang nhiên “xé rào”

Theo quy định, việc nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm kết hợp tận thu khoáng sản chỉ được thực hiện vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm (mùa kiệt) nhưng vừa qua, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam vẫn ngang nhiên cho máy móc, phương tiện vào đào bới thi công. Việc vận chuyển khoáng sản làm nguyên liệu đất san lấp, đá làm phụ gia xi măng…được thực hiện song song với quá trình này.

Vào sáng 19/9 (chủ nhật), phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã chứng kiến Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an huyện Nghi Lộc (Công an tỉnh Nghệ An) bất ngờ kiểm tra, phát hiện hàng chục máy móc, phương tiện đua nhau đào bới, cày xới để múc đất cho hàng loạt xe siêu trường, siêu tải trọng lớn ra, vào chở nguyên liệu khoáng sản đi ra ngoài.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản sự việc và tạm giữ, phương tiện liên quan gồm 04 máy xúc và 11 xe ô tô tải để xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo quan sát của phóng viên, mặc dù mới được UBND tỉnh Nghệ An cho phép tận thu khoáng sản trong quá trình triển khai thi công dự án nạo vét lòng đập Bầu Cơm, nhưng khai trường đã hình thành các hố sâu nham nhở, loang lổ cả một vùng rộng lớn.

Đem sự việc này trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều, địa phương được giao làm chủ dự án nói trên thì hành vi đưa máy móc, phương tiện vào nạo vét, tận thu khoáng sản của Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam là trái với quy định.

Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều nói rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiến độ thi công bị gián đoạn. Địa phương cũng đã yêu cầu đơn vị thi công phải làm tờ trình, văn bản để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tiếp tục triển khai nhưng chưa được sự đồng ý thì doanh nghiệp đã tự ý thực hiện.

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do tác động của dịch bệnh làm gián đoạn thời gian nạo vét, tận thu theo lịch trình nên doanh nghiệp đã tự ý “xé rào” quy định mà cấp có thẩm quyền ban hành và quy luật của tự nhiên về mùa mưa – mùa kiệt?

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP