Xã hội

Nghệ An - Truông Bồn một thời để nhớ

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, nhưng ký ức về năm tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên với những phóng viên chiến trường mà một thời họ vào sinh ra tử.

Họ lưu giữ thời gian bằng những kỷ vật thời chiến, những câu chuyện, những bức ảnh như gìn giữ cuộc sống của mình…
1493603813 anh 1
Tiểu đội thép Truông Bồn khẩn trương san lấp hồ bom để thông đường, thông xe tại trọng điểm Truông Bồn.

Là thế hệ nối bước, tôi đã có duyên để cùng tham gia hoạt động báo chí với anh hơn 20 năm, nhiều lần anh kể với tôi về những câu chuyện tác nghiệp trong chiến. Câu chuyện đáng nhớ nhất mà anh kể lại cho tôi là vào năm 2012, khi thấy Truyền hình Việt Nam phát tin về Tiểu đội thép Truông Bồn, anh mới sực nhớ là anh còn giữ một tấm phim chụp về Tiểu đổi Thanh niên xung phong (TNXP) anh hùng ở Trương Bồn năm xưa nhưng anh cũng không nhớ là cất giữ tấm phim đó ở đâu. Tôi như thôi thúc anh tìm lại tấm phim đó và sau đó tôi đã đăng trên trang anhbaochi.org về kỷ vật duy nhất của anh về tiểu đội thép anh hùng. Anh cũng hy vọng là sau khi các báo đăng tải về bức ảnh này thì coi như anh đã thực hiện trả nợ được món nợ anh đã hứa trả ảnh cho nhưng cô gái TNXP - Những anh hùng trong huyền thoại Truông Bồn.
2 anh 2
Xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên san lấp hố bom để tranh thủ sản xuất lương thực, đảm bảo cho chiến đấu lâu dài và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đã hơn 70 tuổi, sức khỏe của nhà báo Phùng Triệu cũng không còn được nhanh nhẹn nữa, tuy nhiên khi gặp tôi, anh rất vui và gần gũi. Đặc biệt là khi tôi đề cập muốn xin đăng một số bức ảnh về Truông Bồn, Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4, anh bồi hồi kể: Tháng 2/1968, sau khi tốt nghiệp khoá 7 - Lớp đào tạo phóng viên do Việt Nam Thông Tấn xã (nay là Thông Tấn xã Việt Nam) phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng Cục Thông tin đào tạo, tôi được Bộ Biên tập Việt Nam Thông Tấn xã (VNTTX) cử vào thường trú tại tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ là một phóng viên chiến sự.

Hồi đó với chiếc xe đạp Thống Nhất được cơ quan phân phối cùng với chiếc ba lô trong đó vật dụng quan trọng nhất là chiếc máy ảnh mới nhãn hiệu Ech-Giéc-Ta chụp phim 24x36 mới toanh và một chiếc máy Rolleiflex cũ chụp phim cỡ 6x6 cùng với 20 cuộn phim đen trắng, một bọc đựng thuốc tráng phim và quần áo, tư trang lặt vặt. Sau hơn 4 ngày đạp xe từ Hà Nội, vượt qua nhiều trọng điểm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, vừa đi vừa tránh bom vừa hỏi đường... Cuối cùng 3 anh em tôi cũng đến được Phân xã ở nơi sơ tán.

Phân xã VNTTX được tỉnh uỷ Nghệ An xếp cùng ở và sinh hoạt với Ban Tuyên giáo tỉnh, lúc đầu đóng tại xã Thượng Sơn sau lại chuyển đến xã Hiến Sơn thuộc huyện Đô Lương chỉ cách trọng điểm Truông Bồn chừng 3 km đường chim bay. Vào thời điểm này Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân. Phải nói rằng không có một ngày nào, giờ nào ngớt tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, đặc biệt là nút giao thông Truông Bồn - nơi được gọi là trọng điểm, là “túi bom”, là “cửa tử”. Đây là một đoạn đường độc đạo dài chừng 5km trên tuyến đường 15A, tuyến đường nối từ Bắc vào Nam, là con đường huyết mạch quan trọng bậc nhất của hậu phương miền Bắc tiếp tế mọi mặt cho chiến trường Miền Nam.

Truông Bồn có đoạn lọt giữa hai sườn đồi, có đoạn một bên là đồi một bên là ruộng nước giống như một cửa ải rất dễ bị vùi lấp, tắc nghẽn không thể vượt qua khi bom Mỹ ném trúng. Tại đây cùng với gần 1.300 chiến sỹ TNXP và một số lực lượng đảm bảo giao thông khác, tiểu đội 2 mà sau này được đặt tên là “Tiểu đội thép” thuộc C317 của Đội TNXP 300 tỉnh Nghệ An đã đêm ngày bám trụ để đảm bảo giao thông với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

“Tiểu đội thép” được biên chế 15 chiến sỹ, trong đó có 13 là nữ và 2 nam do Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng. Vào thời điểm nhập ngũ (15/7/1965) các chị, các anh đang ở tuổi 20, có 2 chị trẻ nhất chỉ mới qua tuổi 17. Họ cùng nhau vượt lên bom đạn và những vất vả, thiếu thốn, ngày phải phơi mặt dưới nắng chói chang và cái nóng hầm hập của gió Lào để san lấp hố bom, san đường mở lối, đêm phải điều hành, cảnh giới thậm chí phải trở thành “Cọc tiêu sống” hướng dẫn cho những đoàn xe vượt trọng điểm trở hàng ra tuyền tuyến. Thậm chí nhiều khi các chiến sỹ còn phải xả thân cứu người, cứu xe, cứu hàng mỗi khi có người, có xe bị trúng bom đạn của Mỹ... Họ thực sự là những “Con người gang thép” quyết bám trụ để đảm bảo giao thông trên trọng điểm Truông bồn, “Thà hy sinh chứ quyết không để đường bị tắc, xe bị ùn”...

Cho đến ngày 31/10/1968 cả tiểu đội đều lập công suất sắc, đã được Bác Hồ tặng lãng hoa và Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi. Nhiều chiến sỹ đã được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam... Cũng vào thời điểm này - thời điểm cả tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ. Một số chị em đã có giấy gọi vào học tại các trường Đại học hoặc Trung học chuyên nghiệp, có người đã tìm thấy một nửa của mình ngay tại đơn vị, chỉ còn chờ ngày về quê tổ chức đám cưới như trường hợp chị Nguyễn Thị Tâm quê ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành và anh Cao Ngọc Hoà ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu...

Tôi đã có 2 lần sang viết tin, chụp ảnh tiểu đội 2, được mệnh danh là “Tiểu đội thép”. Lần đầu vào tháng 5/1968 do Trưởng Phân xã Nguyễn Hùng Đào dẫn đi, lần thứ 2 vào đầu tháng 8/1968 sang để lấy tài liệu tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm lần thứ 23 Cách Mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Vì có quen biết từ trước nên đợt sau tôi đi một mình.

Hôm đó khi tôi tới Truông Bồn thì đã thấy các chiến sỹ tiểu đội 2 đang hối hả san lấp hố bom về phía cuối Truông, nơi có sườn đồi thấp và một bên là ruộng nước hoang hoá. Chưa khai thác tài liệu và sẵn hiện trường đang tấp nập tôi tiến hành tác nghiệp ngay. Vừa chụp ảnh tôi vừa nghe ngóng động tĩnh. Chụp đến kiểu phim thứ 10 bằng chiếc máy RolleiFlex, thấy tài liệu đã ổn, tôi nói với tiểu đội trưởng Trần Thị Thông là tập hợp cả tiểu đội lại tôi chụp ảnh kỷ niệm cho. Chị em trong tiểu đội ai cũng thích, cũng muốn chụp nhưng tiểu đội trưởng Thông lại lưỡng lự.

3 anh 3
Đoàn viên TNLĐ và dân quân xã Liên Sơn huyện Đô Lương nhân bèo dâu trên hố bom Mỹ để sản xuất lương thực.

Thông cảm ơn tôi và đưa ra 2 lý do không nên chụp ảnh kỷ niệm lúc này: một là phải nhanh chóng lấp hố bom để thông xe, hai là muốn đảm bảo an toàn cho tôi. Cô nói: Nhà báo xong nhiệm vụ rồi thì nên tránh xa trọng điểm càng nhanh càng tốt kẻo bom Mỹ nó chẳng chừa ai đâu. Anh có làm sao thì chị em không gánh nổi trách nhiệm và lại có tội lớn với cha mẹ ở ngoài Bắc. Nói xong cô liếc xéo tôi một cái và cười hóm hỉnh... Biết không thể thuyết phục được người tiểu đội trưởng thép, tôi tiến hành ghi chép nhanh một số tư liệu rồi đành chào các bạn ra về. Tôi còn hứa là sẽ in ảnh tiểu đội đang lấp hố bom lần sau sẽ đưa sang...

Về Phân xã, buổi tối tôi xuống hầm chữ A tráng phim ngay và hôm sau trước khi gửi phim về Tổng xã tôi không quên cắt bớt một kiểu phim giữ lại để rồi còn in ảnh tặng cho các chiến sỹ tiểu đội 2 như lời đã hứa. Thời kỳ đó phóng viên tự ý cắt bớt phim tài liệu là vi phạm lớn có thể bị kỷ luật hoặc mất “Lao động tiên tiến” như chơi nhưng tôi vẫn liều.

Chiến tranh, bom đạn và công việc của người phóng viên chiến sự cứ kéo tôi vào những chuyến đi liên miên, lúc lên rừng chụp xác máy bay Mỹ rơi, khi xuống biển tường thuật trận đánh chìm tàu chiến Mỹ của đơn vị pháo mặt đất... Thế là tôi vẫn chưa thực hiện được lời hứa và than ôi, tôi đã mắc nợ các chị, các anh “Tiểu đội thép anh hùng” cho đến tận bây giờ. Bởi lẽ cái ngày định mệnh 31/10 năm đó (1968) đã cướp đi vĩnh viễn cuộc đời cũng như sự nghiệp của 13 chiến sỹ TNXP anh hùng ở trọng điểm Truông Bồn, sự mất mát đó thật quá lớn lao.

Hôm đó vào lúc 4 giờ sáng, 14 chiến sỹ của “Tiểu đội thép” nhận được lệnh của cấp trên, sẵn sàng lao ra hiện trường để san lấp những hố bom Mỹ vừa đánh phá trong đêm ở phía bắc Truông, chỉ còn 1 chiến sỹ ở lại trông lán. Họ bước vào cuộc chiến đấu với một quyết tâm cao và vui vẻ như thường, quyết thông xe trước khi trời sáng. Sau 2 tiếng đồng hồ lao động cật lực, các hố bom đã cơ bản được lấp xong. Họ chỉ còn rải thêm đá hộc vào những chỗ đất ướt có thể làm cho xe bị trượt bánh nữa là về lán nghỉ ngơi.

4 anh 4
Công binh Quân khu 4 rà phá bom mìn của Mỹ tại khu vực nhà máy điện Vinh để phục hồi sản xuất, quyết đảm bảo: “Dòng điện không bao giờ tắt”.

Nhưng cũng đúng vào khoảnh khắc ấy, vào lúc hơn 6 giờ đột nhiên một tốp máy bay Mỹ lao tới dội bom tới tấp vào vị trí đơn vị vừa thi công. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông (vai đeo súng) chỉ kịp hô “cả tiểu đội vào hầm trú ẩn” thì một loạt bom của giặc đã rơi trúng đội hình tiểu đội. Khi khói bom vừa tan, lực lượng cứu hộ của đơn vị bạn đến hiện trường thì chỉ nhìn thấy những hố bom chằng chịt và sự im lặng đến rợn người. Lực lượng cứu hộ chia nhau đi tìm và đào bới khắp nơi nhưng cũng không tìn thấy một ai. May thay có người phát hiện có một nòng súng trồi lên bên cạnh một hố bom, mọi người nhanh tay đào bới và kéo lên được một nữ chiến sỹ đã gần tắt thở vì ngạt. Họ sơ cứu rồi đưa ngay đến Bệnh viện dã chiến ở gần đấy, người chiến sỹ đã được cứu sống chính là tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người anh hùng của “Tiểu đội thép anh hùng”...

Nói đoạn anh nghẹn ngào nhìn tấm phim hôm đó anh tự ý cắt lại và đây có lẽ là một trong số những kiểu phim quý giá nhất trong cuộc đời làm báo của anh. Tôi đã xin thêm anh một số bức ảnh về thời ấy ở Hững Long, Liên Sơn và hình ảnh các chiến sỹ Công Binh Quân khu 4 để giới thiệu tới bạn đọc về một Nghệ An - Truông Bồn, Một thời để nhớ.

Tác giả: Nhật Thăng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP