Nhùng nhằng trong công tác đền bù
Thủy điện Khe Bố được xây dựng trên địa bàn xã Tam Quan, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, có công suất thiết kế 100MW. Sau 7 năm thi công, năm 2013 công trình chính thức được hoàn thành và phát điện. Theo UBND huyện Tương Dương, Dù đã có những kết quả đạt được nhưng ở thời điểm hiện tại, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Thủy điện Khe Bố vẫn còn không ít các tồn tại, vướng mắc.
Cụ thể, thuỷ điện Khe Bố đang còn vướng mắc các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thị trấn Thạch Giám, xã Tam Thái, xã Yên Thắng, xã Tam Quang, xã Tam Đình và xã Xá Lượng. Cùng một số tồn tại khác như, tuyến đường đường quốc lộ 7 tránh ngập lòng hồ cần phải sữa chữa; Lề, cống thoát nước và mặt đường nối các bản Đình Hương - Đình Thắng - Đình Tiến bị hư hỏng ; Đường nội bộ trong khu TĐC bản Đình Phong; Đường nội bộ trong khu tái định cư bản Đình Thắng; Đập thuỷ lợi điểm Noong Canh ở bản Đình Phong; Xây dựng nâng cấp cầu khe Dài ở bản Cửa Rào 1 thuộc xã Xá Lượng; Nâng và sửa chữa đường dân sinh bị ngập sau khi tích nước tại khe Mọi của bản Tam Hương xã Tam Quang.
Không được đảm bảo về quyền lợi, người dân liên tục có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc dư luận đã nhiều năm nay |
Tại thị trấn Thạch Giám, có 13 hộ dân hai bên cầu treo bản Mác, bản Khe Chi vẫn chưa được bồi thường đất ở và đất nông nghiệp. Mặc dù trước đó, trong cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Tương Dương vào tháng 11/2020, chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố đã đưa ra hạn mốc hoàn thành vào tháng 6 vừa qua. Thế nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành lập hồ sơ bồi thường về đất là do hồ sơ đo đạc địa chính chưa được phía thủy điện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với 124 hộ tại thị trấn Thạch Giám, có một phần diện tích bị ngập nước nên cũng chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì phải đo đạc bản đồ địa chính. Tuy nhiên, đơn vị chịu trách nhiệm là Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam - chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố vẫn chưa có động thái gì. Hiện các hộ muốn mua bán, chuyển nhượng hay thế chấp để vay vốn thì phải tự bỏ tiền thuê trích đo, làm các thủ tục để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ dân ở các xã Tam Thái, Yên Thắng, Xá Lượng, Tam Quang. Hay tại xã Tam Đình, vẫn còn có 77 hộ ở bản Đình Thắng, 42 hộ ở bản Đình Hương, 17 hộ ở bản Đình Tiến và 22 hộ ở bản Đình Phong chưa thống nhất được với chủ đầu tư với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tại các thửa đất, khu đất chưa được đo đạc và có sai lệch do thay đổi đường viền lòng hồ sau khi tích nước, gồm có 36 hộ (bản Cánh Tráp: 22 hộ, bản Tân Hợp 03 hộ, bản Lũng thuộc khu vực chợ Tam Thái: 11 hộ). Mấy năm nay, xã đã có tờ trình về việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại khu tái định cư bản Cánh Tráp, xã Tam Thái với 26 thửa trên tổng diện tích 13.201m2 thế nhưng đến nay mọi thứ vẫn nằm nguyên trên giấy, ông Lô Thanh Tuân chủ tịch UBND xã Tam Thái cho hay.
Ông Lương Thái Bình người dân ở bản Cánh Tráp xã Tam Thái cho biết, gia đình ông cùng 36 hộ dân khác khi nhường đất cho thuỷ điện về khu tái định cư, thì các thửa đất, khu đất chưa được đo đạc và có sai lệch do thay đổi đường viền lòng hồ sau khi tích nước. Trích đo địa chính điều chỉnh phạm vị thu đất khu tái định cư của gia đình ông kéo dài từ đó đến nay khiến đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thống nhất mốc thời gian để xử lý dứt điểm
Chia sẻ với PV Báo Công Thương - ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, cho hay: mới đây nhất ngày 28/9, UBND huyện tiếp tục có buổi làm việc với Thủy điện Khe Bố và chính quyền các xã, thị trấn để đánh giá lại công tác xử lý tồn tại, vướng mắc.
Có một số nguyên nhân khách quan được chỉ ra, như có những thửa đất đã được đo đạc bản đồ địa chính, nhưng chưa được lập hồ sơ bồi thường về đất do đất đang có tranh chấp; chủ sử dụng đất đi vắng; hiện trạng sử dụng đất chồng lẫn trên đất đã được cấp giấy chứng nhận cho người khác; chủ sử dụng đất không ký hồ sơ do giá đất thấp. Một số vị trí phát sinh sau khi tích nước lòng hồ phải đo đạc chỉnh lý hồ sơ. Do dự án thực hiện kéo dài nên một số chính sách trong bồi thường GPMB có sự thay đổi, giá đất có thay đổi. Công tác bàn giao giữa hội đồng BT-GPMB cũ và Hội đồng BT-GPMB mới không dứt điểm, kéo dài…
Con trai ông Lô Vĩnh Tình - anh Lô Văn Phúc ở bản Lũng cho biết: gia đình nhường đất cho thuỷ điện Khe Bố đến nơi ở mới, đến nay sau hơn 8 năm vẫn chưa xong thủ tục đền bù. Trong ảnh là khu ngập lụt vùng lòng hồ thuỷ điện Khe Bố , huyện Tương Dương (Nghệ An) |
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những nguyên nhân chủ quan của các bên liên quan. Như việc chủ đầu tư vẫn chưa thực sự trách nhiệm trong việc giải quyết tồn tại, vướng mắc; chưa cung cấp kịp thời những hồ sơ, tài liệu phát sinh phải điều chỉnh bổ sung đối với những khu vực phát sinh sau khi tích lòng hồ; quá trình rà soát lập hồ sơ bồi thường có thiếu sót ở một số thửa đất. Về công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân trong công tác lập hồ sơ bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa được đầy đủ, dẫn đến nhân dân không ký hồ sơ. Chưa bồi thường chênh lệch về đất nơi đi, nơi đến tại các khu tái định cư…
Cũng theo lãnh đạo huyện Tương Dương, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì trách nhiệm thuộc về cán bộ thực hiện công tác bồi thường GPMB của huyện chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngoài ra, một số xã còn xem đây là nhiệm vụ huyện và chủ đầu tư, nên có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ông Nguyễn Phùng Hùng cũng cho biết thêm, ở buổi làm việc này các bên đã thống nhất đưa ra các mốc thời gian để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Theo chủ đầu tư phía thuỷ điện Khe Bố cam kết sẽ hoàn thành việc bồi thường ở bản Mác, bản Khe Chi, bản Lũng trong vòng 1 tháng từ 30/10 đến trước ngày 30/11 năm nay. Sẽ hoàn thành hồ sơ đất xâm canh giữa bản Đình Hương và bản Cánh Tráp trình UBND huyện Tương Dương phê duyệt trước ngày 30/11. Hay công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ, thủ tục trong tháng 11/2021. Việc hỗ trợ cho 68 hộ dân ngập lụt năm 2018, với sự tham gia vận động của chính quyền 2 cấp để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, sẽ được hoàn thành trước ngày 30/10/2021.
Về phía UBND huyện Tương Dương, ông Nguyễn Hữu Hiến đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục có chỉ đạo để chủ đầu tư thực hiện các cam kết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Ông Hiến cũng cho rằng những tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Khe Bố đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, tạo nên dư luận không tốt, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam phải thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, có sự phối hợp tốt cùng chính quyền 2 cấp huyện Tương Dương, và các phòng ban liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc nêu trên.
Theo UBND Huyện Tương Dương, để triển khai dự án Thủy điện Khe Bố, tổng số hộ dân di dời thực tế là 564 hộ/2.450 khẩu. Số hộ di dân theo nguyện vọng là 29 hộ/117 khẩu. Số hộ được tái định cư tập trung: 330 hộ/1446 khẩu. Số hộ di vén và tự tìm đất ở là 205 hộ/887 khẩu. |
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công thương