Trong tỉnh

Nghệ An: Thất thu do xuất khẩu thô đá trắng

Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản đá hoa trắng phong phú, sản lượng hàng chục triệu tấn.Tuy nhiên, loại tài nguyên này lâu nay đang bị bán thô một cách vô tội vạ, khiến nguồn thuế thất thu đáng kể.

Mỗi năm, Nghệ An có khoảng hơn 1,2 triệu m2 đá hoa trắng được xuất khẩu theo dạng thô đi qua các cảng biển trong nước.

Chú trọng xuất thô

Trong nhiều năm qua, mặt hàng đá như đá hộc trắng, đá trắng xay siêu mịn và đá ốp lát xuất khẩu của tỉnh Nghệ An chủ yếu “xuất ngoại” theo dạng xuất thô thông qua cảng Cửa Lò cùng một số cảng như Hải Phòng và Nghi Sơn.

Theo số liệu từ Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, năm 2017, tổng số mặt hàng đá các loại xuất qua cảng Cửa Lò là 676.229 tấn; năm 2018 là 697.123 tấn; năm 2019 là 502.883 tấn và năm 2020 là 514.973 tấn.

Còn theo số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương tỉnh Nghệ An), năm 2018, giá trị xuất khẩu khoáng sản đá của tỉnh Nghệ An đạt 72 triệu USD; năm 2019 đạt khoảng 71 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 84 triệu USD.

Còn mặt hàng đá qua chế biến có con số khá tương đối. Cụ thể, năm 2017, tỉnh Nghệ An xuất được 362.913,63 tấn bột đá vôi trắng siêu mịn, thu lại gần 30,6 triệu USD; cùng với đó là khoảng trên 1 triệu tấn đá hộc nhưng giá trị thu được cũng chỉ trên 25,1 triệu USD. Năm 2018, cũng không khấm khá hơn với 383.667,17 tấn đá trắng xay thành bột siêu mịn và hơn 1,2 triệu tấn khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô.

Theo số liệu trên, tức là chỉ có khoảng 24% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới gần 76% là đá hộc thô. Năm 2019 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,211 triệu tấn, thu được 23 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 490 nghìn tấn thu lại gần 40 triệu USD.

Tức là năm 2019 chỉ có khoảng trên 28% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới hơn 71% là đá hộc thô. Còn năm 2020, khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng đã qua chế biến cũng chỉ “nhích” lên hơn 32% và gần 68% là đá hộc thô.

Theo số liệu trên thì giá trị thu lại từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD trong khi đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD (chênh lệch tương đương khoảng 4 - 5 lần). Điều đó có nghĩa là dù khối lượng đá hộc xuất đi gấp khoảng 4 lần so với đá trắng xay thành bột siêu mịn nhưng giá trị thu lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại chỉ bằng già nửa so với giá trị đá bột xay siêu mịn mang lại.

Thất thu hàng ngàn tỷ đồng

Từ số liệu trên, ta có thể thấy là mức chênh lệch giá giữa đá xay siêu mịn và đá hộc lên đến khoảng 80 USD/1 tấn. Nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 vừa qua được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu lại cho tỉnh nhà sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Nếu tính sản lượng xuất khẩu đá hộc trắng từ năm 2017 đến năm 2020 (trung bình hơn 1,2 triệu tấn) thì mỗi năm “thâm hụt” khoảng hơn 400 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng).

Theo số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Nghệ An, năm 2016 tổng thuế xuất khẩu thu được từ hoạt động xuất khẩu đá các loại là trên 66,196 tỷ đồng; năm 2017 là trên 81,43 tỷ đồng; năm 2018 là gần 102 tỷ đồng… một con số khá khiêm tốn so với nguồn lợi khoáng sản từ đá hoa trắng mà tỉnh Nghệ An được thiên nhiên ban tặng.

Trước thực trạng xuất khẩu khoáng sản thô nói chung và các loại đá trắng nói riêng mang lại giá trị chưa tương xứng, các chuyên gia đều khuyến nghị hạn chế, thậm chí nghiêm cấm xuất khẩu ở dạng thô để ưu tiên chế biến sâu.

Mặt khác, tại Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Xây dựng về “Hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng” đã từng cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản, trong đó có đá vôi, phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng và đá khối.

Hay như tại Thông tư 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT, ngày 21/12/2012 của Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản cũng đã quy định rất rõ ràng về tiêu chuẩn xuất khẩu đá hoa trắng. Các

Thông tư nói trên đều hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu các loại khoáng sản nói chung và đá trắng nói riêng theo hướng ưu tiên chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, thực tế hiện nay cũng đang dừng ở mức… sơ chế và đương nhiên là giá trị các mặt hàng còn thấp.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP