Theo số liệu được Cục Thống kê tỉnh Nghệ An công bố, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 12,67% so với năm trước, đóng góp 1,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của địa phương này. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng năm 2022 ước tính tăng 11,65%, đóng góp 39,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,74%, đóng góp 1,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của kinh tế địa phương.
Khu ký túc xá dành cho công nhân nằm ngay Khu công nghiệp Vsip |
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 11,65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 12,67% so với năm trước, đóng góp 1,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt đà tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,74%, đóng góp 1,14 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 25,84%, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; khai khoáng tăng 15,09%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Ngành xây dựng tăng 10,45%, cao hơn mức tăng 6,17% của cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021, đóng góp 1,38 điểm phần trăm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,06% so với cùng kỳ. Trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 24,50%; công nghiệp khai khoáng ước tăng 18,43%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,33%; cung cấp nước, quản l và xử l nước thải, rác thải ước tăng 2,75%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng do một số nhà máy đầu năm kí kết được các đơn hàng mới, tăng hàng xuất khẩu, một số nhà máy xi măng, sữa đã đầu tư thêm máy móc tăng công suất sản xuất, các nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động và ổn định hơn đã góp phần làm tăng một số sản phẩm công nghiệp như: Nắp lon bia ước đạt 34,8 tấn, gấp 12,9 lần; bia đóng chai ước đạt 21 triệu lít, tăng 34,38%; tôn lợp ước đạt 631 nghìn tấn, tăng 29,33%; đá chế biến ước đạt 320,3 nghìn m3, tăng 26,54%; đá xây dựng khác ước đạt 2.602 nghìn m3, tăng 25,50%; xi măng ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 20,12%; quần áo không dệt kim ước đạt 43,1 triệu cái, tăng 18,30%; bia đóng lon ước đạt 50 triệu lít, tăng 17,07%; điện sản xuất ước đạt 1.534 triệu KWh, tăng 16,16%; sữa chua ước đạt 23,9 nghìn tấn, tăng 15,91%...
Sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An dần phục hồi, nhiều ngành trọng điểm có chỉ số tăng cao |
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm dự ước giảm so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Dẫn đến một số sản phẩm do mức tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho lớn, nhà máy hạn chế sản xuất nên sản lượng sản xuất giảm như: Hộp lon bia ước đạt 1,6 nghìn tấn, giảm 39,86%; loa BSE ước đạt 49,5 triệu chiếc, giảm 21,17%; thùng carton ước đạt 11,7 triệu chiếc, giảm 17,72%; vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 110,7 nghìn tấn, giảm 17,09%; thức ăn gia súc ước đạt 71,4 nghìn tấn; giảm 9,09%; ống nhựa Tiền Phong ước đạt 7 nghìn tấn, giảm 8,75%; ống thép Hoa Sen ước đạt 16 nghìn tấn, giảm 8,53%; phân bón hóa học NPK ước đạt 23,1 nghìn tấn, giảm 6,26%...
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công Thương Nghệ An dự kiến: “Hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc”. Cũng theo ông Hiệp, “Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có dấu hiệu hồi phục, một số ngành vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, qua tháng 7, do một số nguyên nhân khách quan như chi phí đầu vào tăng cao, có nhiều mặt hàng tăng gấp đôi, các nước lạm phát kinh tế, dẫn đến nguồn hàng xuất và nhập có nhiều ảnh hưởng…”.
“Từ nay tới cuối năm, vẫn dự báo về kết quả khả quan, hy vọng đột phá vào những tháng cuối năm, do có một số nhà máy đầu tư dây chuyền mới và sẽ hoạt động vào quý III năm nay. Đơn cử như Dự án linh kiện điện tử Goetek, với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD giai đoạn 1; Dự án sản xuất vật liệu xây dựng cao Trung Đô Nghi Văn với mức đầu tư 1.600 tỷ giai đoạn 1; hay nhà máy sản xuất giày da, mở rộng thêm dây chuyền 2 trên 600 tỷ của VietGlory ở huyện Diễn Châu…”, ông Hiệp thông tin thêm.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công thương