Xã hội

Nghệ An: Phong tục độc, lạ của người Thái miền Tây xứ Nghệ

Trong thời kỳ hội nhập văn hóa hiện nay, nhiều nét văn hóa của người Thái miền Tây xứ Nghệ đã bị “đồng hóa”. Tuy nhiên, một số phong tục, tập quán được coi là bản sắc của người Thái vẫn được duy trì, gìn giữ. Trong đó đáng chú ý là: Lễ hội Xăng Khan (Tiếng sấm đầu mùa - báo hiệu sự mở đầu cho lễ hội) và tục rước dâu vào thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới.

Lễ hội Xăng Khan độc đáo, ý nghĩa của đồng bào Thái

dscn4350
Lễ hội Xăng Khan đậm bản sắc văn hóa của người Thái Nghệ An. Ảnh: Lương Ý

Tiếng sấm đầu mùa báo hiệu một mùa lễ hội Xăng Khan

Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 thường thấy xuất hiện có tiếng sấm kéo theo mưa rào, báo hiệu thời tiết chuyển mùa, là thời điểm đồng bào dân tộc Thái Nghệ An chuẩn bị cho lễ hội Xăng Khan. Tiếng sấm là tín hiệu có mưa lớn. Và mưa rào là một niềm vui lớn nhất của người Thái nơi đây.

Khi bắt đầu có tiếng sấm, phụ nữ Thái thường đem 4 bó lúa mang treo 4 góc bếp. Người Thái gọi là “xà táu phi”. Để giải thích về ý nghĩa của phong tục này, người Thái cho biết, việc treo 4 bó lúa lên trên 4 góc của “xà táu phi” là sự tượng trương cho thóc lúa đầy nhà. Bước vào một vụ mùa mới cầu cho mưa thuận, gió hòa để mọi người trong nhà ai cũng mạnh khỏe. Đồng thời, khi có tiếng sấm xuất hiện, những người lớn trong gia đình như: Cha, mẹ thường dùng trứng luộc chín rửa sạch, đem ngâm trong chậu nước để rửa mặt cho con cháu. Việc rửa mặt với trứng có ý nghĩa hết sức đặc biệt, các bậc cha, mẹ mong muốn con cháu trong nhà khỏe mạnh và có tấm lòng trong trắng như quả trứng.

Đặc biệt, khi có tiếng sấm đầu mùa xuất hiện, tức là báo hiệu cho lễ hội Xăng Khan sắp đến. Lễ hội Xăng Khan là ngày hội mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng của người Thái xứ Nghệ.

Trước đây, lễ hội Xăng Khan thường diễn ra từ 2 - 3 ngày đêm, nay chỉ gói gọn trong 1 ngày 1 đêm. Mục đích của lễ hội Xăng Khan là tạ ơn các thầy mo đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

anh 2 2

Nghi lễ rửa chân cho cô dâu trước khi vào nhà chồng. Ảnh: Lương Ý

Lễ vật của lễ hội Xăng Khan thường là 10 vò rượu cần, 2 con lợn, 2 con gà cùng cá nướng, trầu cau… Vật không thể thiếu trong lễ hội là cây nêu mà người Thái gọi là “có bọc máy” được dựng ngay giữa nhà của thầy mo để tiến hành nghi lễ. Cây Boọc mạy được làm từ cây tre hoặc nứa già, cao hơn 3m, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng khác nhau. Mỗi lỗ được bố trí treo những vật tượng trưng như chim, cá, ve sầu với những màu sắc sặc sỡ. Trên đỉnh cây Boọc mạy cắm một cây ô hình vuông, được các thiếu nữ dùng khi các ông mo nhảy Xăng Khan.

Trong lễ hội Xăng Khan không thể thiếu cồng chiêng (chiêng và trống). Khi hành lễ, ông mo dẫn đầu tiếp theo là những phụ nữ đi sau. Và mỗi ông mo có một phụ nữ cầm ô theo sau, cất điệu hát và múa bên cây Boọc mạy. Đây là lúc sôi nổi, náo nhiệt nhất của hội Xăng Khan. Mọi người cùng nhảy múa xung quanh cây Bọc Máy và chum rược cần.

Lễ hội Xăng Khan không chỉ có ý nghĩa gắn kết cồng đồng người Thái mà còn cầu cho bản làng yên vui, ao nhiều cá, ruộng nhiều lúa, nhà nhà giàu có, mọi người đều khỏe mạnh, con cái thành đạt, ai cũng ăn nên làm ra… Các bài cúng lễ Xăng Khan thường là những bài sử thi, trường ca, truyền thuyết bằng văn vần, kể về thuở khai lập bản mường, về những anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống thần linh, tổ tiên trên Mường trời…

Những nghi lễ rước dâu trong đêm của người Thái

Không biết từ bao giờ, người Thái miền Tây Nghệ An luôn giữ một phong tục rất độc đáo và riêng biệt, đó là trong ngày cưới, chú rể chỉ được rước cô dâu về nhà đúng vào thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới. Tục rước dâu đêm đã tồn tại từ hàng trăm năm nay và không hề mai một.

anh 3

Nghi lễ trong mâm khi đón cô dâu vào nhà chồng. Ảnh: Lương Ý

Thời gian đón cô dâu về nhà chồng cùng lễ vật đưa dâu là rất quan trọng. Cô dâu thường được đưa đi khoảng hơn 24 giờ. Lễ vật thường là một con lợn quay nặng 40kg, một chum rượu cần, một mâm cỗ gồm xôi, gà và 10 lít rượu nếp, trầu cau...

Sau khi lễ vật chuẩn bị xong, đoàn nhà trai bắt đầu lên đường đi đón dâu. Khi đến nhà cô dâu, chú rể và cô dâu sẽ được ông bà mai mối (người Thái thường gọi là Pò, Mế làm) đưa đến trước bàn thờ nhà gái để tiến hành nghi lễ thông báo xin với ma nhà gái cho cô dâu về nhà chồng. Sau khi nghi lễ xin cô dâu về nhà chồng tiến hành xong, 2 bên gia đình cùng uống rượu cần thăm. Đồng thời, cả 2 bên gia đình sẽ cử ra 2 người hát nhuân, hát khắp hay nhất để hát đối đáp. Những bài hát nhuân thường là những bài về truyền thuyết về tình yêu đôi lứa của người Thái cổ...

Ngoài ra, việc hát đối đáp còn có thêm mục đích khác là kéo dài cuộc nói chuyện để chờ thời khắc rước dâu.

Trước đây, để chọn thời khắc rước dâu, người Thái thường dựa vào tiếng gà gáy. Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống hiện đại hơn, phong tục rước dâu phải được thực hiện vào đúng 12 giờ đêm. Người dân nơi đây có một quan niệm rất riêng rằng, ban ngày thường có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang vất vưởng, nếu đám rước được tiến hành vào ban ngày thì những linh hồn này sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi tân lang, tân nương.

Thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới chính là lúc trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất. Đón dâu vào giờ khắc này cuộc sống vợ chồng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

anh 4

Nghi lễ uống rượu cần đón cô dâu về nhà chồng. Ảnh: Lương Ý

Đặc biêt, khi chú rể dắt tay cô dâu ra khỏi nhà, bắt buộc phải bước qua một cây dâu đã được ông, bà mai mối chuẩn bị sẵn ngay dưới chân cầu thang. Cây dâu này được khắc 9 bậc tượng trưng cho 9 bậc thang tình yêu, trước khi bước qua 9 bậc cây dâu cô dâu và chú rể đều hát một đoạn nhuân: “Cài khố may món á lực hái ai, cài khố đai á lực nhính sáo”, có nghĩa là để xin với thần linh ban cho sinh được con trai và con gái.

Tiếp đến, chú rể đưa cô dâu về nhà mình. Khi bước lên cầu thang thì mẹ chồng chờ sẵn, cùng với một chậu đồng đựng nước suối trong suốt có ngâm một đồng xu bằng bạc. Mẹ chồng kỳ công rửa chân cho con dâu và trao tặng một vòng bạc cầu may. Sau đó, đại diện một người bên nhà trai đưa cô dâu vào buồng, làm lễ ăn cơm, uống rượu chung với chồng. Tân lang và tân nương sẽ trao vòng bạc cho nhau. Cũng từ đây, cô dâu chính thức trở thành người nhà chú rể.

Thời kì đổi mới, người Thái miền Tây xứ Nghệ đã và đang dần chuyển mình hội nhập về văn hóa và các lĩnh vực của đất nước. Song những phong tục, nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái sẽ luôn tồn tại mãi với thời gian.

Tác giả bài viết: Lương Ý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP