Trong tỉnh

Nghệ An nỗ lực giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét

Liên quan đến nguyên nhân gây lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tại huyện Kỳ Sơn, ngày 13/10, trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tượng lũ ống, lũ quét thường xảy ra vào mùa mưa và ở các địa phương miền núi.

Lũ quét mang theo một lượng lớn bùn, đất đá, rác thải đổ về thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Hào lý giải thêm, ở các lưu vực nhỏ, nơi có địa hình khép kín, các dãy núi bao quanh nhau, ở giữa các dãy núi tạo ra khe suối. Các khe suối này trong quá trình dòng chảy tự nhiên bị tắc lại sẽ dồn nước và tạo thành túi nước ở đỉnh. Trong quá trình mưa lũ lớn, nước tràn qua sẽ bị vỡ, tại các điểm co thắt gọi là lũ ống và khi bị vỡ tràn từ cao xuống thấp gọi là lũ quét. Vấn đề này không thể dự báo được. Để ổn định sinh kế cho người dân ở vùng bị lũ ống, lũ quét, với các địa hình đó, phương án được đưa ra là di dời người dân đến các nơi quy hoạch để ổn định cuộc sống lâu dài.

Như phóng viên TTXVN đã đưa tin, từ ngày 28/9 đến ngày 2/10, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân, nhà nước, các công trình hạ tầng... Đến ngày 13/10, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được người dân, chính quyền, các ngành chức năng nỗ lực thực hiện.

Sau lũ quét, câu hỏi được đặt ra là tại sao với một địa phương không bị bão số 4 đổ bộ trực tiếp nhưng tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tại huyện Kỳ Sơn vẫn bị thiệt hại nặng nề và nghiêm trọng về người, tài sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong số các nguyên nhân chính khiến lũ quét gây thiệt hại lớn như vậy có nguyên nhân do những năm qua tại một số huyện miền núi trong tỉnh có rất nhiều dự án thủy điện được xây dựng, đưa vào sử dụng. Các hồ chứa thủy điện như những túi nước treo lơ lửng trên núi cao, khi có mưa lũ lớn, các nhà máy thủy điện xả nước, nước tràn xuống vùng hạ du với cường độ, lưu lượng chảy lớn và nhiều hơn trước khi không có các nhà máy thủy điện. Mặt khác, những năm qua, nhiều diện tích rừng bị mất hoặc bị khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng càng làm cho tình trạng lũ ống, lũ quét nghiêm trọng hơn.

Tỉnh Nghệ An đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét. Trong đó có việc giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh nắm bắt thông tin, khẩn cấp thông báo; UBND các địa phương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh thông báo cho chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc hạ du của các nhà máy thủy điện biết để triển khai các công việc cần thiết khi nhà máy thủy điện bắt đầu xả lũ.

Tác giả: Nguyễn Văn Nhật

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP