Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều bất cập tại công trình khắc phục, sửa chữa đường cứu hộ

Dự án “Khắc phục, sửa chữa đường cứu hộ xã Thanh Khê” tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vừa mới triển khai. Thế nhưng tại Dự án này đã bộc lộ những bất cập khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Đây là một trong những công trình mà Chi Cục thủy lợi Nghệ An làm chủ đầu tư, ban A của Chi cục làm BQL dự án.

Công trình khắc phục, sửa chữa đường cứu hộ xã Thanh Khê - Nghệ An do Chi Cục thủy lợi Nghệ An làm chủ đầu tư. Ảnh: P.V

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này có tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng do Công ty TNHH Tân Hồng địa chỉ tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đảm nhận việc thi công.

Theo như ông Nguyễn Sỹ Đạo, giám sát công trình thì công trình đã phủ 2 lớp đá 4x6 rồi rải một lớp nhựa, sau đó đổ tiếp một lớp đá 1x2 rồi rải nhựa, tiếp đó đổ đá rô 5 rồi rải nhựa, và sau cùng là lớp đá rô 5”. Bề mặt đường chỉ tính riêng 2 lớp đá 4x6 là 30 phân, không san lấp mặt đường, chỉ lấp hai bên lề đường, đá được lấy tại mỏ của Mỹ Sơn (Đô Lương).

Khi được hỏi về ngày tháng khởi công, cũng như thời gian công trình hoàn thành, ông Đạo lại không nắm rõ, dù rằng ông Đạo là đơn vị giám sát của chủ đầu tư?

Một người dân trong vùng cho hay: “Cả công trình dài hàng km, nhưng không hề có một bảng biển báo hay rào chắn, lưu lượng người qua lại thì lại nhiều khiến chúng tôi không khỏi lo lắng mỗi khi qua đây”.

“Bình thường chúng tôi vẫn để biển báo, chắc hôm nay đơn vị thi công cất đi đâu đó thôi, ông Đạo phân trần.

Cả công trình dài hàng km, nhưng không hề có một bảng biển báo hay rào chắn

Dư luận đang kiến nghị chủ đầu tư kiểm tra, giám sát công trình này

Có mặt tại công trình, đập vào mắt là các vị trí đã được làm nền, phần đất san lấp lề đường đều có màu đen xám. Bên cạnh đó, dù rằng công trình đang thi công, tuy nhiên các bảng biển hiệu hay rào chắn đều không được Cty Tân Hồng bố trí đầy đủ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao cho người dân khu vực. Đặc biệt hơn khi tuyến đường thường xuyên có lưu lượng người tham gia rất đông.

Cũng liên quan đến việc thi công, lúc hỏi ông Đạo về đất đắp hai bên lề công trình tại sao lại có màu đen xám, thì ông Đạo khẳng định đất được lấy tại một mỏ của xã Võ Liệt - Thanh Chương.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu xác minh, tuy nhiên ở xã Võ Liệt lại không hề có một mỏ đất nào? Vậy, phải chăng chủ đầu tư đang “tiếp tay” cho đơn vị thi công làm dối, lấy đất ngoài để san lấp cho lề đường?

Theo thiết kế được UBND tỉnh Nghệ An thẩm định tại Quyết định số 5868, ngày 30/10/2014 thì, kết cấu nền đường đảm bảo độ chặt đạt tối thiểu K95. Riêng áo giáp đáy đường dày 30cm, đảm bảo độ chặt K >= 0,98.

Câu hỏi được đặt ra là với thực trạng đất san lề đường như vậy, liệu đã đảm bảo đúng so với thiết kế và chất lượng? Tổng chiều dài công trình này là 1,2km, trong khi đó rất nhiều đoạn gờ chắn bánh rỗ, lòi phần đá.

Kì lạ hơn, trên công trình có một đoạn đường được san lấp bằng “táp lô” đập vụn?

Lúc trao đổi với ông Đạo giám sát công trình thì ông Đạo phân bua, đây là “táp lô” dân người mang ra đổ tạm, chứ không phải dùng đất đó để san lấp?

Đề nghị chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi Nghệ An và các cơ quan liên quan xem xét, chẩn chỉnh công tác thi công tại công trình này.


Tác giả: Nguyễn Diệu

Nguồn tin: phuongnamplus.vn

  Từ khóa: bất cập ,Nghệ An ,dự án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP