Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều bản làng miền núi bị cô lập, dân phải sơ tán do sạt lở

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 4, các huyện miền núi Nghệ An như: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… đã xảy ra mưa lớn nhiều ngày, gây ngập lụt, sạt lở trên diện rộng.

Tại huyện Con Cuông (Nghệ An), chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán 55 hộ, 220 khẩu trung vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất, đá đến nơi an toàn.

Cụ thể xã Bồng Khê: 3 hộ, 9 khẩu; thị trấn Con Cuông: 9 hộ, 34 khẩu; xã Cam Lâm: 6 hộ, 30 khẩu; xã Châu Khê: 19 hộ, 86 khẩu; xã Môn Sơn: 2 hộ, 10 khẩu; xã Đôn Phục: 1 hộ, 4 khẩu; xã Lục Dạ: 15 hộ, 50 khẩu.

Nước lũ dâng cao tại đập tràn Khe Mọi, xã Lục Dạ đi xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

Hiện nay, các điểm bị cô lập gồm: Bản Khe Búng, bản Cò Phạt, Làng Yên (xã Môn Sơn); điểm dân cư Khe Nóng (xã Châu Khê); Bản Thạch Sơn, Kẻ Tắt, Pá Hạ (xã Thạch Ngàn).

Nước làm ngập khu nội trú của học sinh Trường THCS DTNT Con Cuông, gây khó khăn cho sinh hoạt của thầy và trò với hơn 381 em học sinh, 15m bờ rào Trường Tiểu học Lục Dạ tại điểm Liên Sơn bị đổ, 1 cột điện cao thế cạnh mố cầu treo Khe Rạn (xã Bồng Khê) có nguy cơ sập đổ do xói chân móng.

Mưa lớn cũng làm ngập 41ha diện tích lúa mùa chưa kịp thu hoạch, 3 ha mía, sắn... bị gãy, đổ.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vũng ngập úng

Vào lúc 19h ngày 20/9, mố cầu cứng bắc qua bản Thỉn, xã Lục Dạ bị sập mố. Cán bộ, nhân viên Trạm quản lý rừng Khe Sộc thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông phối hợp với lực lượng ứng trực làm rào chắn không cho người dân đi lại. Do mố cầu sập, giao thông bị chia cắt nên chính quyền xã chưa tiếp cận được với hiện trường.

Đây là cây cầu vượt lũ của bản đã được các mạnh thường quân, nhà tài trợ kêu gọi quyên góp ủng hộ xây dựng năm 2021, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Sạt lở làm sập tường của một khách sạn lớn ở huyện Tương Dương

Tại xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, mưa to liên tục trên diện rộng, nước từ các sông, suối dâng cao gây ngập cầu tràn nằm ngay cửa ngõ vào xã Tam Hợp. Đây là tuyến đường độc đạo để người dân xã Tam Hợp ra trung tâm huyện. Vì vậy, tất cả các bản của xã Tam Hợp đều bị cô lập hoàn toàn.

Trong ngày 20/9, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương khi dời một số hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Xã Tam Hợp, huyện Tương Dương bị cô lập

Tương tự, tại 2 bản vùng trong của xã Yên Thắng là Xốp Cốc và bản Tạt cũng bị cô lập từ ngày 20/9 đến nay.

Tuyến đường từ bản Trung Thắng, xã Yên Thắng vào bản Xốp Cốc và bản Tạt có 2 cầu tràn, một cầu ở đầu bản Xốp Cốc, một cầu ở cuối bản Tạt. Mỗi khi có mưa, nước khe Chon dâng lên rất nhanh khiến cho 2 bản vùng trong này đều bị cô lập, mọi hoạt động giao thương của nhân dân bị chia cắt hoàn toàn.

Được biết, bản Xốp Cốc và bản Tạt, xã Yên Thắng có khoảng hơn 200 hộ với khoảng hơn 800 nhân khẩu.

Nước lũ dâng cao chia cắt nhiều bản làng vùng trong của huyện Tương Dương

Tuyến đường từ xã Xá Lượng đi xã Lượng Minh cũng bị ngập đoạn khe Chà Lượm từ chiều ngày 20/9, khiến cho việc lưu thông bị tê liệt. Không chỉ ngập, hiện nhiều tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao.

Bùn đất do sạt lở núi tràn vào nhà dân ở xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn

Tại huyện Anh Sơn, sạt lở và ngập úng xảy ra tại xã Tam Sơn. UBND xã Tam Sơn cùng các lực lượng chức năng đã đến tận nơi để chỉ đạo di dời dân và khắc phục hậu quả.

Tác giả: Hồ Phương

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP