Trong tỉnh

Nghệ An: Người dân Châu Bình “dài cổ” chờ cấp đất

Dù đất lâm nghiệp chiếm trên 90% diện tích tự nhiên nhưng hiện nay, xã Châu Bình của huyện vùng cao Quỳ Châu ( Nghệ An) phần lớn người dân đang thiếu đất rừng để sản xuất. Dù nhiều lần họ kiến nghị tỉnh thu hồi đất của lâm trường giao cho dân, nhưng đến nay, dân vẫn “dài cổ” chờ đất.

Nhiều người dân “tay không tấc đất”

Xã Châu Bình có tổng diện tích đất tự nhiên trên 13 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 12 ngàn ha. Thế nhưng, nhiều người dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh “tay không tấc đất” để mưu sinh. Ông Lô Mạnh Đường, Trưởng bản Lầu 1, cho biết, bản có 151 hộ dân, 200 ha đất tự nhiên. Mặc dù rất nhiều gia đình đang thiếu đất sản xuất nhưng từ năm 2013 đến nay, chưa có hộ dân nào trong bản được giao đất. “Bản đã kiến nghị rất nhiều lần tại các cuộc họp, lần tiếp xúc cử tri nhưng chưa được. Khó khăn nhất là thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ không thể thoát nghèo” - Ông Đường nói.

Ông Nguyễn Bá Hải – Trưởng bản Lầu 2 tỏ ra tiếc nuối khi số diện tích đất sản xuất ít ỏi của bản bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư dự án thủy lợi bản Mồng

Bản Lầu 2 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dù sống cạnh rừng nhưng 204 hộ dân chỉ có 13 hộ có đất nông nghiệp với 24 ha. Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng bản Lầu 2 cho biết, năm 2013, bản được giao 17 ha đất lâm nghiệp trên giấy tờ nhưng ra thực địa đo đạc chỉ được hơn 9 ha. Trong 9 ha phần lớn là đất ở của nhiều hộ từ năm 1979 nên không thể giao đất cho các hộ khác để sản xuất. Ngoài ra, bản còn có 29 ha đất trồng mía là diện tích đất do các hộ dân xâm canh đất Lâm trường Cô Ba để sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn của bản Lầu 2 có khu tái định cư hồ thủy lợi bản Mồng nên bản Lầu 2 tiếp tục bị thu hồi hơn 20 ha đất; do đó, diện tích đất sản xuất của dân càng bị thu hẹp.

“Không có đất, nhiều người phải phiêu bạt tứ phương để kiếm sống. Ở bản Lầu 2, rừng keo của lâm trường ở sát nhà dân, bao bọc xung quanh đều là đất rừng lâm trường quản lý. Lâm trường đóng trên địa bàn bản Lầu 2 nhưng dân bản không có đất sản xuất là rất thiệt thòi. Màu xanh đến đâu thì đất lâm trường đến đó. Cho nên, số hộ không có đất thì làm thuê cuốc mướn” – ông Hải nói.

Giai đoạn 2003-2012, thực hiện Nghị định 163 về giao đất, giao rừng, 861 hộ của xã Châu Bình đã được giao gần 2.900 ha đất rừng để sản xuất. Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thu hồi 1.135 ha đất lâm nghiệp của Lâm trường Cô Ba (đơn vị quản lý gần 1 nửa diện tích đất rừng ở xã Châu Bình) để bàn giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất của xã. Trong 1.135 ha được thu hồi của lâm trường giao cho xã là rừng tự nhiên, lèn đá, còn lại là đất chồng lên khu tái định cư, đất xâm canh người dân đã sản xuất từ lâu và làm nhà ở nên chưa giải quyết nhu cầu bức thiết về đất sản xuất của dân.

Người dân xã Châu Bình đang rất thiếu đất sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Văn Duyên, Bí Đảng ủy xã Châu Bình, cho biết, năm 2013, tỉnh thu hồi trên 1.100 ha chuyển từ đất của Lâm trường Cô Ba cho xã nhưng phần nhiều là rừng tự nhiên nên người dân chủ yếu bảo vệ không sản xuất được. Còn khoảng 500 ha đang có kế hoạch giao cho dân, trung bình 1 hộ 1 ha. Năm 2017, lâm trường tiếp tục trả mấy trăm ha, trong đó có một phần là diện tích đất người dân đã định cư nên nếu thu hồi thì diện tích này cũng không chia được cho hộ khác để sản xuất.

Hiện nay, người dân đang chờ có đất tốt để sản xuất nhưng diện tích này lâm trường đang trồng keo nên phải chờ một thời gian dài nữa. Tại tiểu khu 200 thuộc các bản: 32, Bình 2, Kẻ Khoang… hiện có khoảng 500 ha có thể sản xuất được nhưng phải làm kế hoạch trình các cấp trên phê duyệt. Vừa rồi, bằng nguồn xã hội hóa (xã huy động dân góp kinh phí để thuê đo đạc bản đồ, lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất - PV) phấn đấu giao trong quý 1, năm 2019 nhưng cũng chưa thực hiện được.

Cần sớm giao đất cho người dân

Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn xã Châu Bình đang quản lý khoảng 5.000 ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ gần 4.000 ha, 1.100 ha là rừng sản xuất (gần một nửa là đất trồng cao su, còn lại là trồng keo).

Ông Đặng Văn Nghị - GĐ Lâm trường Cô Ba cho rằng, năm 2013, lâm trường đã trả cho địa phương trên 1.000 ha đất rừng. Năm 2017, đơn vị này tiếp tục trả lại 374 ha cho địa phương. Đến nay, việc giao đất rừng cho dân là của chính quyền địa phương. Người dân thắc mắc, lâm trường trả lại một số diện tích là lèn đá không sản xuất được, theo ông Nghị là do năm 2013, diện tích đó đã được Sở TN&MT tỉnh Nghệ An sà soát và yêu cầu lâm trường trả cho xã. Nhiều diện tích rừng tự nhiên lâm trường trả cho địa phương nhưng theo quy định rừng này chỉ được khoanh nuôi, bảo vệ không được chặt phát trồng keo nên người dân phàn nàn không sản xuất được là đúng. Theo lộ trình từ năm 2017 đến năm 2023, lâm trường phải trả 900 ha đất cho địa phương. Ngoài hơn 370 ha đã trả, số còn lại, sau khi thu hoạch thu hoạch keo, lâm trường sẽ trả dần.

Ông Lô Thanh Sơn, Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Châu cho biết, chủ trương của huyện là xã hội hóa việc giao đất rừng cho dân. Phương án giao đất do xã lập trình lên huyện xem xét. Thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng, xã Châu Bình đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát phần nào đất không có rừng thì cấp, có rừng thì phải chuyển sang sang kiểm lâm để làm thủ tục giao đất gắn với rừng. “Trong năm 2019 này phấn đấu giao xong cho dân. Quỹ đất thì ít, dân thì đông, nên phải ưu tiên cho những hộ nghèo, hộ sản xuất thuần nông nghiệp” – ông Sơn nói.

Theo báo cáo kết quả giao đất lâm nghiệp của huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình có tổng diện tích phải cấp là 741 ha cho 621 hộ. Đến đầu tháng 3/2019, kinh phí người dân đóng góp theo hình thức xã hội hóa để thuê đo đạc gần 400 triệu đồng trong tổng số gần 600 triệu đồng.

Tác giả: Phạm Tuân – Tưởng Cao

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP