Sinh ra trong gia đình đông anh em, An không may bị câm điếc bẩm sinh (ngoài An thì trong gia đình còn có một người anh cũng bị bệnh tâm thần). Thương con, bố mẹ em đã đưa đi khám điều trị ở nhiều nơi tuy nhiên tình trạng của An vẫn không có cải thiện gì thêm.
Năm An lên 6 tuổi nhìn những người bạn cùng xóm xúng xính đến trường mà ánh mắt cô bé buồn đến thương.
“Lúc đó các bạn, anh chị đi học nó cứ nắm lấy tay bố, mẹ ra hiệu đòi được đến trường. Những lúc như thế tôi cũng chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Tôi những tưởng con mình vừa không thể nghe, không thể nói thì làm sao có thể đến học ở một ngôi trường bình thường nên đành để con ở nhà”, ông Nguyễn Hữu Việt bố của em An tâm sự.
Bẵng một thời gian không lâu sau đó, khát khao được học, được đến trường của An lại cháy bỏng thêm, ngày một nhiều hơn. Được sự chỉ dạy của các anh chị trong nhà, An dần biết mặt chữ. Từ khi biết con chữ, ngày nào An cũng ngồi hàng giờ liền để tự tập viết. Những con chữ được ghép lại và từ đây cũng trở thành ngôn ngữ để em có thể giao tiếp với mọi người mà không cần phải ra hiệu. Đi đâu An cũng mang theo một cuốn sổ và cây bút để nói chuyện. Em vẫn một mực đòi bố mẹ để được đến trường như các bạn.
Thương con, anh Việt và vợ đến trường xin cho An được đi học. Những ngày đầu tiên ở trường, An đã tạo cho các cô giáo một sự bất ngờ khi thể hiện sự thông minh vượt trội. Em hoàn thành xuất sắc chương trình Tiểu học, THCS rồi thi đậu vào THPT. Năm nào em cũng giành danh hiệu học sinh tiên tiến, điều mà nhiều bạn học sinh bình thường khác cũng khó đạt được.
Để có thể trò chuyện được với An chúng tôi cũng cần đến một “phiên dịch viên” đặc biệt là cô bạn ngồi chung bàn với em trong suốt 3 năm học THPT Đặng Thị Bảo Trâm. Chúng tôi nói chuyện với Trâm em sẽ ra hiệu hoặc viết lại những câu hỏi của chúng tôi để An ghi câu trả lời ra giấy.
“Những năm học chung, ngồi cạnh bạn em có thể hiểu được một số ký hiệu của bạn An. Nhiều lúc chỉ cần nhìn nhau thôi em cũng hiểu bạn muốn nói gì. Trên lớp bạn An không thể nghe được những lời giảng của thầy, cô nên em ghi lại cho vào giấy để bạn An hiểu hơn” - Bảo Trâm tâm sự.
Trong học tập An thấy khó nhất là môn Văn còn đối với các môn học khác như Toán, Vật lý hay Tiếng Anh thì An lại tỏ ra là “thế mạnh” của mình. Năm lớp 10 và 11, An đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Em sắp hoàn thành chương trình lớp 12 với số điểm khá cao.
Thầy Nguyễn Đình Việt - giáo viên chủ nhiệm lớp 12B3 cho biết: Vì không nghe được lời giảng của giáo viên nên An cũng có nhiều thiệt thòi và gặp khó trong học tập. Chủ yếu là em ấy tự nghiên cứu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, An rất thông minh, tôi cũng thấy bất ngờ trước năng lực của em. Là giáo viên môn Vật lý nhiều bài tập tôi ra, có học sinh khác còn không làm được nhưng An lại có thể giải một cách dễ dàng.
Được biết hoàn cảnh gia đình của An khá khó khăn, khi thu nhập của gia đình cũng chỉ dựa vào những sào ruộng khoán và số tiền công đi làm thuê ít ỏi của người cha. Gia đình lại đông anh em trong đó có thêm một người anh bị bệnh tâm thần luôn cần có người ở bên chăm sóc.
“Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để em và gia đình vượt lên trong cuộc sống này. Đồng thời sau khi hoàn thành chương trình THPT em ấy có thể tìm được một ngôi trường để học tập và có được công việc phù hợp với bản thân để tự lo cho tương lai sau này. Tôi cũng mong muốn một ngôi trường nào đó chuyên về Ngành tin học để cho em An vào đó học thì hợp lý nhất” - Thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: