Giáo dục

Nghệ An: Lường trước nguy cơ trò bỏ học sau Tết

Theo thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn), tính từ đầu năm học đến nay, trường có 3 học sinh tảo hôn, trong đó 2 em nữ đã nghỉ học. Các em này mới chỉ học lớp 7,

Giờ học của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Cả 3 học sinh tảo hôn đều mới chỉ học lớp 7, lớp 8.

“Trước đây, học sinh bỏ học thường là hoàn cảnh khó khăn nhưng nay có những em bỏ học vì chán học hoặc chỉ thích đi làm, không thích đi học. Những trường hợp này chúng tôi đã đến từng nhà vận động nhiều lần, thậm chí kêu gọi cả ban, ngành, đoàn thể cùng tuyên truyền nhưng việc vận động các em trở lại trường vẫn rất gian nan. Có học sinh ở bán trú, bị người đến rủ rê hẹn hò, giáo viên phải gọi cho phụ huynh và cùng nhau đi tìm về cả đêm”, thầy Đăng nói.

Hiệu trưởng ngôi trường biên giới này cũng chia sẻ thực trạng có trường hợp ỷ lại vào sự quan tâm của thầy cô, tự ý nghỉ đến khi đến tận nhà gọi mới quay lại học. Hoặc đầu tháng nghỉ học, cuối tháng đến trường để nhận chế độ. Vì vậy, công tác vận động phải vừa khéo léo, kiên trì, vừa nhắc nhở để xây dựng ý thức cho trò. Để giữ chân học trò ngày giáp Tết, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi cũng chuẩn bị các kế hoạch: Tặng quà cho học sinh khó khăn, tổ chức ăn tất niên và các hoạt động văn nghệ, thể thao khác. Qua đó tạo thêm động lực và mục tiêu cho học sinh ở lại trường.

Theo ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trước đây, thời gian ăn Tết của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... trên địa bàn thường lệch so với Tết Nguyên đán. Nhưng những năm qua, để phù hợp với lịch làm việc, học tập của con em, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã tổ chức đón Tết cùng với lịch Tết âm của cả nước. Đây cũng là dịp để bà con thăm thân, tổ chức lễ hội, vui chơi... Vì vậy, tâm lý chung của học sinh rất mong ngóng và thích được nghỉ Tết.

Nhưng về phía các nhà trường, mỗi dịp Tết cũng là một dịp lo rơi rụng hoặc mất học sinh với nhiều nguyên nhân: Bỏ học đi làm, hoặc lấy chồng, lấy vợ, tảo hôn. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở bậc THCS và THPT, còn với bậc tiểu học thì nhiều năm qua đều duy trì rất tốt sĩ số. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều bà con từ các khu công nghiệp trở về quê từ trước đó. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ học sinh nghe theo lời rủ rê của anh em, người thân bỏ học vào các khu công nghiệp đi làm, kiếm tiền.

“Phòng đã chỉ đạo các nhà trường bằng nhiều hình thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhắc nhở học sinh đảm bảo an toàn phòng dịch, tuân thủ pháp luật, tránh xa tệ nạn xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động giáo dục sinh động, thu hút học sinh tham gia vào hoạt động lành mạnh. Đồng thời hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường, địa phương với việc ký cam kết, hoặc đưa nội dung không để học sinh nghỉ học vào hương ước... Qua đó, tạo động lực cho các em ở lại trường, duy trì ổn định sĩ số”, ông Phan Văn Thiết cho hay.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

  Từ khóa: nghỉ học ,Nghệ An ,học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP