Giáo dục

Nghệ An: Khổ vì 'cái tủ sát đề' và kiểu làm sách Tổng Bí thư từng phê phán

Tổng Bí thư Tô Lâm từng phê phán kiểu làm sách lãng phí, hành dân nhưng ở Nghệ An hiện tượng này tồn tại ở cả các huyện nghèo với tên gọi ‘chiếc tủ sát đề'

Mòn mỏi đến phẫn nộ vì "tủ"

Theo lịch đã được công bố, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 tại Nghệ An sẽ diễn ra trong hai ngày 3-4/6, với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện tại, khi chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc tháng 3, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An lòng “như lửa đốt” vì chưa có đủ bộ sách ôn luyện vào lớp 10.

Sau thời phản ánh của phụ huynh, mới đây một số trường, học sinh mới nhận sách ôn thi Ngữ văn và Ngoại ngữ, còn sách Toán vẫn chưa nhận được. Nhà cung ứng tiếp tục hẹn cuối tháng mới có sách Toán.

Phụ huynh Nguyễn Thị Thanh, có con đang học lớp 9 tại một trường THCS huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, tháng 1/2025, con trai chị có nói về việc mua sách tham khảo của trường. Tin tưởng vì được sự định hướng của cô giáo nên gia đình đồng ý đăng ký mua bộ sách do Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An (Công ty Sách Nghệ An) cho con học. Tuy nhiên nay đã gần cuối tháng 3 mà con trai vẫn chưa nhận được sách.

Kỳ thi đến gần, con lại không được học thêm nên chủ yếu học ở nhà. Ngoài sách giáo khoa thì con tôi chưa có thêm tài liệu nào để ôn tập. Tôi cũng không biết lý do vì sao mà nhà trường chưa phát tài liệu cho học sinh dù đã đăng ký hơn 2 tháng nay. Dù lý do gì đi chăng nữa, nhà trường và Phòng giáo dục cũng cần sớm tìm ra phương án để học sinh có tài liệu ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi”, chị Thanh nói thêm.

Đánh giá về việc chậm hay không chậm trong việc cung cấp bộ sách ôn luyện vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Duy Nam, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương lại cho rằng, theo báo cáo, hiện tại, học sinh đã nhận được 2 trong 3 cuốn sách ôn thi, 1 cuốn đang chờ chuyển về.

Đánh giá về việc sách ôn thi về muộn hay không muộn, ông Nam cho rằng “không muộn” vì “Trong chỉ đạo chuyên môn thì tháng 3 tập trung dạy học đảm bảo các kế hoạch giáo dục”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục vào Đào tạo huyện Nghĩa Đàn đánh giá so với các năm khác thì chưa chậm. Trên thực tế, công tác ôn tập đã bắt đầu rồi. Trong chương trình giảng dạy chính khóa, giáo viên có lồng ghép ôn tập.

Ngược lại, ông Phạm Tân Phương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cho biết, lãnh đạo đang rất trăn trở và lo lắng. Việc muộn là có thật, ảnh hưởng đến học sinh là có thật.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đang đến gần. Ảnh: nghean.edu.vn



Chọn nhà cung ứng không theo “khẩu dụ” mà "vì học sinh"

Việc chậm trễ (theo quan điểm của phụ huynh) trong việc cung ứng bộ sách ôn thi vào lớp 10 của Công ty Sách Nghệ An đã khiến phụ huynh lo lắng và bức xúc. Cũng từ đó, có ý kiến cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An có “khẩu dụ” khiến các Phòng “định hướng” nhà trường mua sách của nhà cung cấp này.

Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Nam, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương khẳng định từ nhiều năm nay, Phòng không chỉ đạo cơ sở phải mua sách nào. Quyền lựa chọn là của phụ huynh học sinh. Khi phụ huynh lựa chọn, ở phía trường sẽ tổng hợp lại và làm việc với nhà cung cấp. Phòng không 'lấn sân'.

Ông Nam cho biết thêm, vừa qua Công ty Sách Nghệ An có giới thiệu 2 bộ sách và 2 bộ sách này của 2 nhóm tác giả. Tác giả sách là những trụ cột, cốt cán chuyên môn của tỉnh. Đó là những người có năng lực đã được kiểm chứng qua thực tế. Sau khi thẩm định chất lượng sách, Phòng giới thiệu nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục vào Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cũng khẳng định, Phòng không can thiệp vào việc lựa chọn sách ôn luyện. Phòng chỉ thẩm định chất lượng và giới thiệu sách xuống cơ sở.

Ông Phạm Tân Phương thì nhấn mạnh: “Ở đâu có khẩu dụ tôi không biết nhưng với tôi thì không. Tôi chọn sách dựa trên chất lượng”.

Ông Phương cho biết về sách vở, Phòng luôn luôn lắng nghe, quan điểm của ông cũng là chất lượng. Bất cứ đơn vị nào chào hàng, ông đều cho người kiểm tra chất lượng, cứ có chất lượng là được chào đón.

Tuy nhiên, thời gian qua, huyện Tân Kỳ không có sự lựa chọn vì không có đơn vị mới nào chào hàng ngoài Công ty Sách Nghệ An, đối tác lâu năm. Bản thân ông Phương rất ủng hộ việc có đối trọng, có cạnh tranh vì như thế người được hưởng lợi là phụ huynh học sinh.

Nhà ở huyện nghèo phải mua thêm sách, Phòng Giáo dục e ngại vì...tủ

Trở lại câu chuyện gần hết tháng 3 mà học sinh chưa có sách ôn thi vào lớp 10 dù đã đăng ký từ tháng 1, anh Đặng Văn Tuấn, phụ huynh học sinh ở huyện Tân Kỳ bộc bạch, dù con đã đăng ký mua bộ tài liệu ôn tập của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An, nhưng để con được ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi nên trong thời gian chờ đợi, gia đình anh quyết định mua thêm tài liệu tham khảo khác.

“Trong thời gian chờ đợi, tôi quyết định mua thêm sách ôn luyện để con học tập. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc ôn luyện quá nhiều tài liệu đôi khi lại phản tác dụng. Hy vọng Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An, Phòng giáo dục và nhà trường sớm có sách cho các con ôn luyện”, anh Tuấn cho hay.

Trên mạng xã hội, vấn đề sách ôn thi vào lớp 10 giao chậm được cư dân mạng Nghệ An thảo luận xôn xao. Ảnh: Chụp màn hình.

Trên mạng xã hội, vấn đề sách ôn thi vào lớp 10 giao chậm được cư dân mạng Nghệ An thảo luận xôn xao với các bình luận như: “Học sinh lớp 9 đã nạp 200.000 đồng để mua sách ôn thi 10, nay thông báo thu thêm 14.000 đồng nữa nhưng sách vẫn chưa thấy mô”, “Đúng luôn, sang tuần các con thi giữa kỳ rồi mà chưa thấy mô”, “Nhọc cho học sinh và cả phụ huynh”,…

Khẳng định việc có sách ôn thi muộn thực sự ảnh hưởng đến học sinh, ông Phương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ rất trăn trở. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phương cho biết, Tân Kỳ là huyện còn khó khăn nhưng thành tích học sinh đạt được là rất tốt, năm ngoái xếp thứ 10, năm nay phấn đấu xếp 7,8. Còn học sinh giỏi thì thường xuyên nằm trong Top 4, có lúc Top 2 trong toàn tỉnh. Đây thực sự là nỗ lực lớn cũng như niềm tự hào của Tân Kỳ.

Hiện tại, khi chưa có sách ôn luyện, ông Phương rất lo lắng. Vì vậy, sau khi có Thông tư 29, ông Phương chỉ đạo dừng tuyệt đối việc dạy thêm ở các lớp 6,7,8. Còn với lớp 9, thầy cô sẵn sàng dạy 1 tuần 2 tiết, thậm chí có nơi còn dạy quá 2 tiết và hoàn toàn miễn phí. Việc học thêm không thu phí này thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư, có đăng ký của phụ huynh.

Trong lúc thầy cô đang nỗ lực giúp học sinh ôn thi vào lớp trong điều kiện tốt nhất có thể, bộ sách ôn thi vẫn chưa về. Ông Phương quyết liệt khi khẳng định nếu nhà cung ứng không đảm bảo chất lượng và thời hạn thì sẽ bị xử lý.

Trong tuần này, nếu Công ty Sách Nghệ An không cung cấp đủ sách thì mặc nhiên sẽ bị hủy”, ông Phương khẳng định.

Cùng quan điểm với ông Phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục vào Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cũng khẳng định, nếu Công ty Sách Nghệ An không giao sách kịp thời, Phòng sẽ có ý kiến thay đổi nhà cung cấp.

Dù vậy, ông Hùng cũng khuyến cáo rằng việc học không phụ thuộc hoàn toàn vào sách ôn luyện. Nhiều em có mua sách nhưng không học, có em không mua vẫn học tốt khi nắm vững kiến thức cơ bản.

Họ đã đi ngược cả chỉ đạo của Tổng Bí thư

Cách đây ít lâu, trong lần tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm rất trăn trở trước hiện tượng lạm dụng sách giáo khoa, làm khổ học sinh và phụ huynh. Ông phát biểu: “Phải ổn định chương trình, đạt được chuẩn quốc gia về giáo dục và đào tạo. Chứ mạnh ai nấy làm, nay sách này, mai sách kia, thầy này phương pháp này, học sinh phương pháp kia, các cháu rất vất vả. Rồi nhồi nhét, thành tích,...”.

Đổi mới giáo dục phải hướng đến phẩm chất, năng lực người học, không chạy theo thành tích, càng không để học sinh chỉ học để thi.” Cần một cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với ngành giáo dục các địa phương, đặc biệt trong các mùa thi.

Vì sao lại có một nhóm sách được xem là "chuẩn đề"? Ai trao cho họ quyền định hướng đề thi? Ai biến "trúng tủ" thành một thứ bảo chứng cho chất lượng? Và hơn cả, tại sao chính các thầy cô lại bị đặt vào thế phải chọn sách không vì chất lượng, mà vì... xác suất thi trúng?

Nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ nuôi dưỡng cả một thế hệ học sinh học để đoán đề, học để né rủi ro – chứ không phải học để hiểu, để phát triển tư duy, để trở thành người có năng lực.

Không thể có giáo dục đổi mới khi "chiếc tủ trúng đề" vẫn là thứ khiến nhà trường không dám thẳng lưng. Không thể kỳ vọng vào chất lượng thi cử nếu sách tham khảo trở thành cuộc chơi độc quyền. Và càng không thể nói đến công bằng nếu học sinh bị buộc phải học theo lối mòn mà không được lựa chọn.

Ngày 21/3, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 839 /QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu; lớp 10 phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông và lớp 6 phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở năm học 2025-2026.

Theo đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ được tổ chức vào 2 ngày (3, 4/6/2025) với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp).

Trong đó, thi viết đối với môn Toán và Ngữ văn với thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút. Thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Ngoại ngữ gồm 40 câu với thời gian 60 phút. Thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP