Giáo dục

Nghệ An: Hơn 650 giáo viên có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ

Sáng 2/11, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020. Đồng thời đề ra phương án, định hướng trong 5 năm tới để việc dạy – học ngoại ngữ thực sự có hiệu quả.

1nn1 dbzn
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ 2010 – 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

2nn2 wntd
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, đổi mới phương pháp giáo dục ngoại ngữ.
3nn3 buhm
Các đại biểu tham dự và đề xuất nhiều ý kiến để triển khai dạy học ngoại ngữ trong 5 năm tới

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. Đại diện lãnh đạo các sở, phòng, ban; UBND các huyện, thành, thị; Hiệu trưởng các trường học cùng dự và cho ý kiến về việc thực hiện dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.



Sau 5 năm thực hiện kế hoạch dạy và học ngoại ngữ, tính đến cuối năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh Nghệ An có trên 1.000 trường Tiểu học, THCS và THPT dạy học ngoại ngữ với 511.308 học sinh tham gia; Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng, sát hạch cho hơn 2.000 giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, trong đó có khoảng 650 giáo viên đã lấy được chứng chỉ năng lực ngoại ngữ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Chi – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An - khẳng định chất lượng dạy học từ năm 2011 đến nay tại các trường học trên địa bàn tỉnh cho nhiều chuyển biến tích cực. Đội tuyển học sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh đều 100% đạt giải, trong đó phần lớn đạt từ giải 3 trở lên. Nhiều học sinh giành huy chương tại các kỳ thi IOE toàn quốc.

Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ ở các cấp học cũng được đầu tư. Hiện có 432 phòng học ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Toàn tỉnh cũng đã có 39 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ được cấp phép thành lập và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ngoại ngữ đại trà vẫn còn nhiều yếu kém, việc triển khai chương trình tiếng Anh mới theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trên thực tế còn nhiều bất cập.

Hiện tỷ lệ học Tiếng Anh theo chương trình Tiếng Anh 10 năm còn rất thấp, trong đó có 34,8% tổng số học sinh tiểu học, 7,99% tổng số học sinh THCS và 0,21% học sinh bậc THPT. Số lượng giáo viên đạt chuẩn năng lực thực sử để giảng dạy chương trình 10 năm quá thấp so với yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Minh Thông đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường. Trong đó, quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Tăng cường sát hạch, kiểm định chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học. Quá trình triển khai không chạy theo thành tích, mua sắm trang thiết bị mà cần chú trọng đến phương pháp, hiệu quả.

Về những bất cập hiện nay, đặc biệt là việc giao biên chế cho giáo viên ngoại ngữ, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành giáo dục cần tính toán kỹ càng, trên cơ sở tổng biên chế chung cho toàn ngành, tránh tình trạng giáo viên dôi dư. Sở Giáo dục cũng cần tham mưu để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.

Sau Hội nghị sơ kết, Sở cần tham mưu để tiếp tục ra chỉ thị và báo cáo với UBND tỉnh để có kế hoạch tổng thể về tiếp tục triển khai dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 5 năm tiếp theo.

Tác giả bài viết: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP