Trong tỉnh

Nghệ An: Hiện thực hóa kỳ vọng từ chiến lược đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Trong bối cảnh nhu cầu nguồn lực để đầu tư phát triển là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng lại hữu hạn, Nghệ An đang áp dụng cách tiếp cận mới để khai thông các điểm nghẽn. Phương châm “Trọng tâm, trọng điểm” lấy nội lực làm căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đã giúp tối ưu nguồn lực và đạt được những kết quả ấn tượng.

Đại lộ Vinh – Cửa Lò được hoàn thành đưa vào sử dụng thành một biểu tượng mới cho thành phố Vinh.

“Đại lộ sinh đại phú”

Cuối tháng 8/2024, Đại lộ Vinh - Cửa Lò với chiều dài gần 11km, chính thức thông xe đưa vào khai thác. Đây là một công trình giao thông trọng điểm của tỉnh hoàn thành tạo ra một trục giao thông hiện đại, rộng thoáng, tính kết nối nâng tầm đô thị Vinh mở rộng bao gồm sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc.

Tuy nhiên, Đại lộ Vinh - Cửa Lò có “số phận” khá truân chuyên khi thời gian triển khai kéo dài đến gần 13 năm cho hơn 10km, nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010, vốn đầu tư ban đầu là 4.157 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, sau đó điều chỉnh xuống còn gần 3.000 tỷ đồng. Chính thức khởi công năm 2011, đến 2015 thì tạm dừng cho đến tháng 11/2017 mới tái khởi động thi công. Năm 2021, tuyến đại lộ trọng điểm của tỉnh mới hoàn thành giai đoạn 1 có mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 1.100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương với mỗi chiều 2 làn xe, rộng 9m.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An quyết tâm huy động, bố trí nguồn vốn 1.415 tỷ đồng để hoàn thành giai đoạn 2. Hiệu quả lập tức thấy rõ, trái với khung cảnh ỳ ạch, kéo dài cả 10 năm như giai đoạn 1, thì giai đoạn 2 của dự án được thi công thần tốc. Khởi công từ tháng 7/2022, tiến độ hoàn thành theo hợp đồng đến tháng 7/2025, nhưng đến tháng 8/2024, toàn tuyến 12 làn đường, bao gồm 8 làn đường 2 chiều dành cho ô tô thi công giai đoạn 2 đã thông xe, sớm hơn gần 1 năm so với kế hoạch.

Tương tự, tuyến đường N5 (Quốc lộ 7C) kéo dài, với chiều dài tuyến 21km nối từ xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) với tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng. Công trình không chỉ hóa giải “thế cụt” về giao thông cho huyện Tân Kỳ mà còn kết nối các huyện phía Tây Nghệ An với hệ thống cảng biển, đường cao tốc ở phía Đông tỉnh, mở ra cơ hội phát triển kinh tế lớn hơn.

Những trục giao thông mới được Nghệ An dồn lực đầu tư công hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường N5 (Quốc lộ 7C) kéo dài, đường ven biển… đã và đang dần về đích đã ra các không gian phát triển mới, tạo nên kỳ vọng “đại lộ sinh đại phú”.

Tư duy “trọng tâm, trọng điểm

Do những yếu tố đặc thù về diện tích, dân số, văn hóa, lịch sử, quốc phòng - an ninh, nên ngoài việc bảo đảm nhu cầu chi đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải cách tiền lương, thì nhu cầu vốn của Nghệ An để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi rất lớn.

Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh Nghệ An được giao 39.154,4 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách bổ sung có mục tiêu cho địa phương được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là 5.811,4 tỷ đồng (không bao gồm vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, có tính chất liên tỉnh, liên vùng và các chương trình mục tiêu Quốc gia. Ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu các dự án khởi công mới của các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

“Con đông, của khó”, đòi hỏi tỉnh phải ”liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp, không thể cứ dĩ hòa vi quý, phân bổ mỗi địa phương một ít, hệ quả là số lượng công trình khởi công nhiều nhưng lại thi công ỳ ạch, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Việc chuyển đổi tư duy bố trí vốn sang “trọng tâm, trọng điểm” thực sự là một cuộc cách mạng từ nhận thức đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn. Trên nhiều diễn đàn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Tỉnh tập trung sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả với quan điểm là có trọng tâm, trọng điểm.

Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã cụ thể hóa tư duy này. Vừa tập trung bố trí vốn để hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; còn đối với các dự án khởi công mới, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; các dự án giao thông có tính liên kết vùng, có tác động lan tỏa;

các dự án thủy lợi bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai; các dự án giáo dục đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm tạo đột phá quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Nếu như giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có đến hơn 1.000 dự án đầu tư công khởi công mới, thì trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ còn lại hơn 100 công trình.

Việc bố trí nguồn lực đầu tư công trọng tâm, trọng điểm gắn với chỉ đạo quyết liệt, sát sao tiến độ giải ngân, đã góp phần hoàn thiện về hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông tại thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam và các địa phương thuộc Hành lang kinh tế ven biển vốn được lựa chọn là trọng điểm, mũi chủ lực ưu tiên phát triển của tỉnh trong giai đoạn này. Với chiến lược “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, thông qua thu hút nguồn lực ngoài ngân sách trong và ngoài nước rót vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, các địa phương ở Hành lang kinh tế phía Đông gồm: thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu đều tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, trở thành 4 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất trong 21 huyện, thành, thị của tỉnh, đóng góp lớn vào quy mô GRDP của Nghệ An. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của phương châm "trọng tâm, trọng điểm" trong bố trí và sử dụng nguồn lực đầu tư công.

Tác giả: Thành Duy – Ngô Toàn

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG