|
Những ngày cuối tháng 3/2024, Đời sống và Pháp luật nhận được phản ánh có tình trạng nhiều cây gỗ tự nhiên với đường kính lớn tại khu vực rừng xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An bị chặt hạ tràn lan.
Nhận thông tin, ngày 26/3, PV Đời sống và Pháp luật đã trực tiếp đến khu vực được người dân phản ánh tìm hiểu. Chúng tôi theo hướng dẫn của nguồn tin di chuyển từ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu men theo đường được người dân mở chở keo đi sâu vào trong rừng đến bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh mất khoảng 45 phút.
Khu vực Phá Hói, bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An người dân đã khai thác keo và triển khai vụ mới |
Khi đến khu vực Phá Hói, bản Tà Sỏi một cảnh tượng khá bất ngờ khi hàng chục hecta rừng trồng keo đã được khai thác, người dân đang thực hiện đốt thực bì và trồng keo vụ mới.
Di chuyển sâu hơn vào trong rừng chúng tôi bắt gặp người dân cầm cưa xăng chạy từ trong rừng ra và gần đó ghi nhận, nhiều khu vực rừng tự nhiên bao quanh diện tích trồng keo của người dân đã bị phá. Trong đó, có nhiều cây gỗ lớn vừa bị chặt hạ ngổn ngang, trơ trọi gốc.
Gốc một cây gỗ tự nhiên lớn sau khi bị chặt hạ |
Theo PV ghi nhận, có hàng loạt cây gỗ tự nhiên đường kính từ 30cm -60cm đã bị chặt hạ phần thân đã được di chuyển đi chỉ còn lại gốc và phần ngọn. Bên cạnh đó, có những thân gỗ nhỏ hơn được xếp gọn gàng chờ vận chuyển ra khỏi rừng.
Gốc cây gỗ có đường kính hơn 60cm |
Không chỉ chặt đốn gỗ tự nhiên mà trên diện tích rừng đã bị phá họ (những người chặt rừng trồng keo-PV) đã sử dụng máy móc đào mương với kích thước rộng hơn 1m và sâu hơn 2m và đắp những con đường lớn xe tải có thể vào được. Có thể thấy, việc phá rừng của người dân được đầu tư và bài bản.
Một khu vực vừa mới bị chặt phá cây gỗ tự nhiên |
Làm việc với PV, sau khi xem hình ảnh ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu tỏ ra khá bất ngờ và cho biết, chưa nghe anh em hay thông tin gì về tình trạng cây rừng lớn bị chặt phá.
“Tôi không nghe anh em báo cáo hay thông tin gì về việc này. Tôi sẽ cho cán bộ phụ trách lâm nghiệp phối hợp với kiểm lâm huyện Quỳ Châu để đi kiểm tra ngay”, ông Long nói.
Những thân gỗ tự nhiên nhỏ được chặt để ngổn ngang trên đường |
Không chỉ chặt cây gỗ mà người dân còn đào mương rộng, san ủi làm đường |
Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh sau khi xem hình ảnh cũng thừa nhận khu vực này thuộc Phá Hói, bản Tà Sỏi là địa bản của xã. Tuy nhiên, khu vực rừng này thuộc loại rừng nào thì phải đi kiểm tra thực tế mới biết được.
“Dù là đất rừng mục đích gì thì việc chặt hạ cây tự nhiên với kích thước lớn là không được”, ông Long nhấn mạnh.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.
Điều 243. Tội hủy hoại rừng quy định như sau về các khung hình phạt với hành vi phá rừng trái phép: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2); c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2); d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2); đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; |
Tác giả: Văn Bình - Hồ Phương
Nguồn tin: ĐSPL/NĐT