Trong tỉnh

Nghệ An: Giá nào để cứu sông Vinh?

Dự án “Hạ tầng ưu tiên, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An” sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Người dân xung quanh khu vực sông Vinh mỏi mòn sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” bởi họ vẫn luôn mong ngóng, chờ đợi một dự án có thể thay đổi cuộc sống hiện tại.

Mật độ dân cư sống gần sông Vinh ngày càng tăng, ý thức của người dân chưa cao nên dẫn đến tình trạng vứt rác, xả thải bừa bãi ra sông gây mất mỹ quan.

Quy hoạch treo “níu giữ” những phận đời

Sông Vinh được ví như linh hồn của thành phố Vinh bởi đây không chỉ là nơi tiêu thoát nước phục vụ đời sống sản xuất của cư dân mà còn gánh trên mình trọng trách “giải nguy” cho cả thành phố Vinh vào mỗi mùa mưa, lũ. Nơi đây chở che biết bao phận đời, phận người sinh tồn trên sông nước qua năm tháng. Đây còn là dòng sông mang trong mình những giá trị văn hóa lịch sử đậm chất Vinh, ghi dấu cốt cách của bao thế hệ lớn lên giữa thành Vinh.

Thêm vào đó, lượng rác thải lớn từ các phường trên địa bàn thành phố đổ ra sông tạo nên những lạch nước đen ngòm, hôi thối gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Xác định rõ tầm quan trọng của sông Vinh trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của thành phố Vinh là mấu chốt cho vấn đề tiêu thoát nước, giảm ngập úng cho thành phố Vinh, lãnh đạo thành phố Vinh đã rất quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp, thay đổi hiện trạng sông Vinh thông qua dự án “Hạ tầng ưu tiên, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An”.

Sau nhiều động thái, tưởng như dự án sẽ được triển khai vì tính cấp thiết của nó nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bắt đầu. Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Vinh và tình hình ngập úng cục bộ tại thành phố Vinh trong mùa mưa lũ như hiện nay và nỗi thấp thỏm, lo âu của những phận đời sống nhếch nhác, tạm bợ bên sông sẽ đi về đâu chúng tôi không dám nghĩ đến…

Do tác động của biến đổi khí hậu và diễn biến bất thường của thời tiết, lưu lượng dòng chảy của sông ngày càng tăng nhanh, năng lực tiêu thoát nước của dòng sông đang bị thu hẹp không đủ khả năng đáp ứng được, nhất là mùa mưa, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng làm ách tắc dòng chảy, hôi thối, mất mỹ quan đô thị. Trước sức ép đô thị với tốc độ đô thị hóa và mật độ dân cư sống gần sông gia tăng nhanh chóng nhưng ý thức của người dân chưa cao dẫn đến tình trạng vứt rác, nước thải sinh hoạt từ các phường trên địa bàn thành phố cũng đổ ra, biến sông Vinh bất đắc dĩ trở thành một bãi rác khổng lồ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hùng người dân sống tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân, thành phố Vinh cho biết: “Tuổi thơ tôi gắn liền với sông Vinh, từng ngụp lặn ở đó mà lớn lên. Nhưng giờ nhìn sông Vinh không ai dám tắm, rác thải xâm lấn, cỏ dại mọc lấn át cả dòng chảy. Chúng tôi đang sống trong bầu không khí ngột ngạt và mong chờ một phép màu có thể làm thay đổi diện mạo của sông Vinh”.

Bà Hoa người dân phường Cửa Nam chia sẻ: “Tôi sống ở đây cũng ngót mấy chục năm, nhìn những thay đổi nơi đây cũng thấy buồn. Sông Vinh ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và đời sống người dân về lâu dài. Người dân mong chờ dự án lâu rồi, nếu sớm được triển khai sẽ phát huy được tiềm năng, lợi ích vốn có của con sông giữa lòng thành phố. Tạo điểm nhấn mỹ quan cho đô thị, điều hòa được khí hậu cho cả thành phố Vinh”.

Sông không thể chảy đời sông…

Hiện nay, do sự bồi lắng của tự nhiên, Sông Vinh không còn là một dòng sông hiền hoà, thơ mộng mà thay vào đó là bức tranh nham nhở. Một số khúc sông đang bị sạt lở và lấn chiếm, nhiều đoạn sông chưa có đường quản lý, không được nạo vét nên nhiều khúc sông bị bồi lắng, ảnh hưởng việc lưu thông dòng chảy…

Dòng sông bị bồi lấn, thu hẹp bởi sự biến đổi của thiên nhiên, xâm lấn của cỏ dại.

Lời giải cho bài toán ngập úng cục bộ của thành phố Vinh, đó là cần khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp, thay đổi hiện trạng sông Vinh theo hướng cải thiện môi trường, tạo cảnh quan, không gian đô thị. Đó là việc nên ưu tiên để tất cả những bất cập hiện tại sẽ được sắp xếp lại, phù hợp với sự phát triển của đô thị thành Vinh.

Được biết, dự án “Hạ tầng ưu tiên, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An” đã định hình rõ những hạng mục đầu tư, công việc cần thực hiện gồm: Nạo vét lòng sông và xây dựng bờ kè dọc theo sông; nâng cấp và cải tạo đường quản lý dọc theo 2 bờ sông; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và các hệ thống hạ tầng khác; xây dựng cảnh quan, cây xanh đường dạo dọc hai bên bờ sông… với tổng vốn đầu tư cải tạo nâng cấp sông Vinh dự kiến là hơn 37 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới đã được khảo sát nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Nhiều khúc sông bị lấn chiếm, dựng lều sống nhếch nhác, tạm bợ làm mất đi hình ảnh trù phú của thành Vinh.

Nếu không sớm triển khai dự án cải tạo sông Vinh, kéo dài tình trạng lấn chiếm, ô nhiễm như hiện nay thì chi phí cải tạo sông Vinh ngày càng lớn. Đặc biệt là kéo dài cuộc sống tạm bợ của hàng chục hộ dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của gia đình họ.

Để cứu sông Vinh thoát khỏi những bất cập như hiện nay, cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng. Chúng tôi, những người con được sinh ra và lớn lên bên bờ sông Vinh đang tự hỏi: Giá nào mới cứu được sông Vinh? Để sông được chảy đời sông…

Tác giả: Uyên Giang

Tác giả: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP