Thủy điện Hủa Na có công suất 180 MW, tổng mức đầu tư trên 7.000 tỉ đồng do Công ty CP Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, hoạt động từ tháng 9/2013.
Để thực hiện dự án, 1.362 hộ dân với hơn 5.000 người tại 14 thôn, bản của xã Đồng Văn và Thông Thụ của huyện Quế Phong phải di dời đến nơi ở mới.
Sau 5 năm nhà máy thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động, đến nay nhiều hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa thể ổn định cuộc sống, khiến cuộc sống người dân đã khó càng khó thêm.
Thiếu nước sạch, khát ruộng đất sản xuất
Chiều ngày 13/03/2017, phóng viên Pháp Luật Plus đã có mặt tại khu tái định cư bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi khổ của người dân nơi đây.
Đường vào khu tái định cư ngoằn nghoèo, khúc khủy, đi dọc theo con đường nhỏ vào bản, chúng tôi bắt gặp cảnh nhiều hộ gia đình, cả phụ nữ và đàn ông ngồi tụ tập trước nhà vì không có việc làm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lang Văn Thành, Trưởng ban công tác mặt trận của khu tái định cư Mường Hinh cho biết: “Trước đây, gia đình ông ở bản Ná Quèn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Năm 2012, khi nhà nước làm thủy điện Hủa Na, gia đình ông phải chuyển đến khu tái định cư Mường Hin.
Ở đây không có đất trồng lúa nước như ban đầu chính quyền hứa, đất tái định cư của bà con vẫn đang thiếu 11,5ha, đất rừng cũng không có, không có đất trồng lúa nên chúng tôi phải dựa vào rừng để sống, lên rừng lấy măng, nứa lùng” .
Tại khu tái định cư bản Piềng Văn, điểm tái định cư Huôi Chà La, xã Đồng Văn hiện có 38 hộ dân, với 153 khẩu cũng chưa được cấp đất sản xuất lúa nước nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lô Hồng Ngân – trưởng bản Piềng Văn, điểm tái định cư Huôi Chà La tâm sự: Từ ngày chúng tôi di dời về khu tái định cư càng khó khăn hơn trước, cụ thể: Tháng 12/2016 chúng tôi được giao đất tạm thời nhưng chưa được sử dụng vì chưa được cấp bìa đỏ. Bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề hái lượm, nông sản phụ, bắt cá lòng hồ, hái măng trong rừng.
Các hộ tái định cư được hỗ trợ cây và con giống, 1 hộ được 2 con lợn và 40 con vịt, mặc dù được tập huấn cách chăn nuôi, nhưng giống cấp không đạt tiêu chuẩn nên đã bị chết hết. Không chỉ ở bản chúng tôi chết đâu mà các bản khác cũng như vậy.
Tại xã Đồng Văn, các hộ dân thuộc khu tái định cư khác cũng rơi vào tình cảnh không đất sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ dân còn phải đối diện tình trạng không có nước sạch để sử dụng.
Ông Lang Văn Thành, Trưởng ban công tác mặt trận của khu tái định cư Mường Hinh bức xúc: “Công trình nước sạch của bản do đầu nguồn thấp, nước lúc có, lúc không, giếng công cộng thì chưa khử được mùi. Thiếu nước sạch, các hộ tự mua dây đi bắt nguồn suối nhỏ về dùng sinh hoạt hàng ngày, mặc dù nước bẩn nhưng vẫn phải sử dụng”.
Cắt gạo, không biết lấy gì ăn
Các hộ dân thuộc khu tái định cư đều được cam kết hỗ trợ 1 khẩu là 30 kg gạo/1 tháng. Nhưng qua tiếp xúc thì cả ông Thành và ông Ngân thuộc xã Đồng Văn đều phản ánh. Theo đúng như cam kết thì 1 năm cấp 4 lần nhưng chủ đầu tư không cấp đúng thời điểm, có khi 2 đến 3 tháng trời, thậm chí lâu hơn mới cấp 1 lần.
Điều mà bà con lo lắng và bức xúc nhất, sắp tới bị cắt gạo hỗ trợ, trong khi ruộng chưa được khai hoang thì người dân không biết lấy gì, làm gì mà ăn.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lang Văn Tuần – Bí thư Đảng ủy xã Đồng văn. Theo ông Tuần, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt nên đời sống người dân rất khó khăn, nếu không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của nhà nước thì khó trụ nổi.
"Đến tháng 10/2016, có 1 số hộ cấp không đúng thời điểm nên đến đầu năm 2017, việc cấp gạo cho người dân tái định cư thủy điện Hủa Na sẽ dừng, lúc đó không biết người dân lấy gì để sống. Điểm Piềng Cu hết thời hạn cấp gạo từ tháng 11/2016, bà con ở đây hàng ngày cứ ngồi không, gạo không có, ruộng không có, chính vì thương bà con nên hằng đêm tôi trằn trọc, mất ngủ", ông Tuần lo lắng.
“Nói một đằng nhưng làm một nẻo”
Ông Lang Văn Tuần – Bí thư Đảng ủy xã Đồng văn cho biết: Việc chính thức di dơi dân từ năm 2011, bước đầu lấy 2 thôn bản làm điểm, đó là: Bản Piếng Pùng, bản Noong Nanh ra khu tái định cư ở bản Piêng Cu, xã Tiền Phong.
Năm 2012, tất cả đồng bộ di dời gồm, xã Đồng Văn và Thông Thụ. Riêng Đồng Văn có 4 bản, trước khi làm công tác di dời, vận động, các bên có liên quan như: Hội đồng đền bù tái định cư của Huyện, chủ đầu tư công ty cổ phần Hủa Na đã tổ chức họp dân và đưa ra khẳng định trước cuộc họp.
“Các hộ dân tái định cư khi chuyển đến nơi ở mới sẽ hơn hẳn nơi ở cũ. Tôi thấy họ nói rất hay nhưng lại hứa suông, nói không đi đôi với làm", ông Tuần bức xúc.
Vấn đề mà chính quyền sở tại và bà con nhân dân hiện nay đều bức xúc đó là: Trước khi đến thấy người có trách nhiệm hứa với dân là mỗi gia đình được cấp 400m2 đất ở và 400m2 đất vườn liền kề, tổng 1 hộ sẽ được nhận 800m2 cả đất ở và đất liền kề nhưng bà con ra đây đến giờ đã 5 năm mà vẫn chưa thấy?.
Việc chi trả đền bù từ nơi đi và nơi đến, đã 5 năm nay, người dân vẫn chưa được cấp đất và một số khoản đền bù vẫn chưa được trả đầy đủ như lời hứa ban đầu.
Gạo được cấp 4 năm, với điều kiện đưa ra, khi nào chủ đầu tư khai hoang ruộng nước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thì sẽ cắt cấp gạo.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ đó là: Thời gian cấp gạo đã hết, 5 năm trôi qua người dân vẫn chưa được giao ruộng thì hàng ngày bà con tái định cư sẽ sống như thế nào?
Điều đáng nói ở đây, năm 2012 các hộ dân phải di chuyển tới khu tái định cư, có những hộ chuyển nhà cũ ra nơi ở mới làm lại.
Có những hộ để cho chủ đầu tư xây nhà thì đến 2013, và cuối 2014 mới xong nhưng chỉ xong tạm thời, chất lượng thì không đảm bảo.
Các hệ thống công trình xây dựng đến nay không có nước sinh hoạt, các loại gia cầm như gà, vịt, lợn của dự án tái định cư cung cấp đúng thời điểm lạnh nên chết gần hết và lây lan sang các con vật nuôi cũ của các hộ gia đình.
Theo như vị Bí Thư xã Đồng Văn cho biết: Trong đợt làm việc với UBND huyện Quế Phong, Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na, đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kết luận, một số điểm cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng hoặc không ổn định; một số điểm san nền có dấu hiệu sạt lở nhưng chưa được gia cố; hệ thống thoát nước chưa được đầu tư làm mất vệ sinh môi trường…
Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na tính đến trước ngày 30/4/2013 phải khẩn trương chi trả số tiền còn thiếu; khẩn trương xử lý đối với các công trình cấp nước bị hư hỏng; có giải pháp gia cố taluy đối với các điểm sạt lở; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường giao thông…
Tính đến nay đã 5 năm trôi qua kể từ lần “vi hành” nói trên của Phó chủ tịch, thế nhưng tình hình nhìn chung vẫn dẫm chân tại chỗ. Tất cả 14 điểm tái định cư như: Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong đều khó khăn chồng chất như nhau.
Tác giả bài viết: Mộc Miên
Nguồn tin: