Được biết, đề kiểm tra Toán cuối học kỳ của học sinh lớp 5 được xây dựng với thời gian 40 phút gồm 10 câu hỏi: 6 câu trắc nghiệm và 4 câu tự luận.
Trước đề thi được cho là “khó nhằn” này, một phụ huynh tại TP. Vinh cho biết: “Trước khi vào phòng thi con rất tự tin nhưng sau khi thi xong thì kết quả ngược lại. Trên lớp con học rất tốt môn Toán, vừa thi xong nhìn thấy mẹ con khóc òa vì không làm được bài.
Trên sân trường hôm đó không hiếm những giọt nước mắt, những gương mặt thất vọng đến tội nghiệp của các con. Tôi nhờ giáo viên xem đề thi giúp, nhiều giáo viên cũng lắc đầu vì đề quá khó so với trình độ của một học sinh lớp 5.
Tôi không hiểu tại sao Phòng GD&ĐT TP. Vinh lại ra một đề thi theo kiểu “thách thức” thí sinh như vậy”.
Liên quan đến đề thi bị cho là “quá sức” này, một giáo viên tại trường Tiểu học Bình Tân 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Có thể thấy, đề thi này được xây dựng theo ma trận đề thi mới của Thông tư 22 với 4 mức độ, đặc biệt là hai câu cuối đề dùng để phân loại học sinh.
Tuy nhiên, hơn 20 năm làm giáo viên, tôi chưa thấy đề kiểm tra cuối năm nào cho học sinh lớp 5 mà lại dài và hóc búa như vậy ạ.
Với thời gian 40 phút tôi không biết học sinh làm kiểu gì vì bản chất kiến thức trong đề này còn khó hơn cả một đề thi học sinh giỏi. Tôi có thể khẳng định đến 95% giáo viên tiểu học không hoàn thành nổi đề này trong 40' chứ nói gì đến học sinh.
Tôi nghĩ, ra một đề thi quá khó như vậy để đánh giá kết quả cuối năm của học sinh là điều không cần thiết”.
Thầy Vũ Văn Anh – Giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) cho hay: “Với đề thi này mà ra cho học sinh ở trường tôi thì tôi có thể khẳng định các em không làm được, nhất là hai câu cuối đề.
Ngay cả học sinh lớp 6 cũng khó lòng mà làm, đề thi này dành cho học sinh giỏi cũng khó. Nói đúng hơn là nhiều giáo viên cũng không thể làm được trong thời gian 40 phút với đề này”.
Trả lời báo chí về đề thi quá sức học sinh, ông Thái Khắc Tân – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Vinh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành việc chấm thi và cũng đã có kết quả. Theo kết quả này thì không có học sinh nào được 10 điểm với cả hai môn Toán và Tiếng Việt.
Đề thi này chúng tôi đã thực hiện đúng theo ma trận đề thi của Thông tư 22. Đầu tiên, chúng tôi xây dựng ma trận đề, sau đó ma trận này được gửi về các trường trên địa bàn để ôn tập cho học sinh.
Tiếp đó, chúng tôi lại biên tập thành một đề chung thống nhất và dùng cho các trường trên địa bàn.
Phải thừa nhận, chúng tôi ra đề chưa thực sự sát với năng lực học sinh. Qua sự việc lần này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những kỳ thi tiếp theo”.
Nguồn tin: Báo Infonet