Trong tỉnh

Nghệ An: Bờ kênh “trăm tỷ” chưa hết bảo hành đã sụt lún

Đoạn bờ kè kênh chính Đô Lương đi qua xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị nứt gãy, sụt lún khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng công trình.

Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư là 5.705 tỷ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA).

Đây là một dự án có ý nghĩa lớn phục vụ cấp nước tưới cho hơn 28.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trải dài qua 5 huyện và thị xã với dân số gần một triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Riêng gói thầu KC2 (K12 – K32) kênh chính Đô Lương tổng mức đầu tư 295 tỷ đồng. Theo thiết kế, bờ kênh kè hình thang lát mái, chiều dài kênh 56 km đi qua 5 địa phương gồm: huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.

Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng đưa ra phương án khắc phục nhiều điểm bị gãy, nứt.

Theo tìm hiểu thực tế và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hiện trường đường quản lý kênh chính Đô Lương đoạn từ K0 +550 đến K43+782 đã phát hiện nhiều điểm bị nứt gãy, sụt lún mặt đường bê tông như K14+270, K15+400, K16+635, K16+682, K17 + 280, K17 +454...

Đặc biệt, tại vị trí K16 +635 đến K16 + 682 bờ tả đã xuất hiện sự cố nứt, sụt lún làm nứt gãy mặt đường bê tông dài 47m và sụt nghiêng xuống 0,3m.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An kiểm tra hiện trường, phát hiện nhiều điểm nứt, sụt lún

Ông Thái Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ An ninh trật tự xóm 3, xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, tình trạng sạt lở bờ kênh chính và tuyến đường trên kênh chính đã xảy ra từ lâu.

“Mấy hôm nay, do ảnh hưởng của mưa bão nên UBND xã và Công an xã Lý Thành đã giao nhiệm vụ cho tôi túc trực ở đây để không cho các xe ô tô qua lại trên tuyến kênh vì nguy cơ mất an toàn”, ông Tuấn nói.

Nhiều điểm bị sụt lún tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra mất an toàn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết, dự án đã bị nứt gãy, sụt lún.

Để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia trên tuyến được an toàn, huyện đã chỉ đạo 2 xã Lý Thành, Nam Thành và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cắm biển cảnh báo nguy hiểm hạn chế phương tiện đi lại và cấm xe ô tô lưu thông. Về lâu dài sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trình UBND tỉnh xin nguồn vốn để sửa chữa.

Không những sụt lún trên mặt đường mà tình trạng sạt trượt mái taluy trong của bờ kênh cũng đang diễn ra với nhiều điểm. Cụ thể như tại mái trong bờ kênh chính thủy lợi Đô Lương tại K17 + 231 đến K17 + 246 xuất hiện cung trượt dài 15m, khối trượt và lún sâu 1m so với mặt bờ kênh, toàn bộ tấm lát mái bị dịch chuyển xuống dưới lòng kênh hay như mái trong bờ hữu kênh chính Văn Tràng đoạn K0 + 250 đến K0 +350.

Đây là hạng mục công trình thuộc Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An đang trong thời gian bảo hành.

Theo ông Nguyễn Xuân Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, hiện nay trên tuyến kênh chính đã xảy ra tình trạng sạt lở taluy và nứt gãy mặt đường bê tông. Để đảm bảo an toàn cho bờ kênh chính thủy lợi Đô Lương cũng như an toàn công tác quản lý vận hành và các phương tiện tham gia giao thông, công ty đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi đầu mối cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ để người dân tham gia được biết.

“Đồng thời, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi xem xét, kiểm tra và có ý kiến với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Nghệ An nhanh chóng khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nêu trên”, ông Long cho biết thêm.

Tình trạng sạt trượt bờ kênh đang xảy ra với nhiều điểm.

Theo Ông Nguyễn Ngọc Quảng, cán bộ phụ trách công tác kế hoạch, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Nghệ An cho biết: Nguyên nhân nứt gãy, sụt lún ban đầu là do địa chất yếu, xe tải chở vật liệu hạng nặng và kết hợp mưa nhiều. Ban cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công khắc phục sữa chữa kịp thời. "Công trình bàn giao tháng 8/2023, đến nay đã hết thời gian bảo hành nhưng sau khi kiểm tra hiện trường thấy tình trạng xuống cấp, nứt gãy nên yêu cầu nhà thầu sữa chữa các điểm hư hỏng, kiểm tra chất lượng trước khi ký nghiệm thu và xác nhận hết thời hạn bảo hành cho nhà thầu”, ông Quảng nói.

Được biết, Dự án do 3 đơn vị thi công gói thầu KC2 (K12 – K32) kênh chính Đô Lương gồm: Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Tổng Công ty xây dựng nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc Phòng.

Một dự án dự án có ý nghĩa lớn phục vụ cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp với kinh phí hàng “trăm tỷ” đồng phải được nghiên cứu, đánh giá, tính toán cụ thể. Vì thế, cơ quan chức năng cần sớm xác định rõ lỗi tại khâu tham mưu, tư vấn, hay quá trình thi công đơn vị làm không đảm bảo chất lượng. Từ đó làm rõ, xem xét trách nhiệm của các bên.

Tác giả: Trần Tú - Hải Yến

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP