Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 là một chương trình được triển khai rầm rộ, đến nay, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn Nghệ An ước đạt 802 tỷ đồng với 104 tàu (trong đó 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ sắt, 5 tàu vỏ composite), đứng thứ 3 toàn quốc (sau Quảng Trị, Bình Thuận).
Tuy nhiên, đến nay đã có 32 tàu bị nợ quá hạn, có tàu đã chuyển sang nợ xấu và thiếu sự hợp tác của các chủ tàu. Đó là trường hợp chủ tàu Trần Đình Nhàn ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, vay hơn 10 tỷ đồng nhưng không trả nợ, hiện cả gia đình đã chuyển vào thành phố Đà Nẵng sinh sống.
Một tàu 67 được đóng ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh Tùng Chi |
Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Nợ vay tàu 67 đang là vấn đề nan giải, nếu không kiên quyết sẽ tạo tiền lệ xấu cho các chủ tàu khác và ảnh hưởng xấu đến cả chủ trương lớn của Chính phủ.
Theo quy định, khi khách hàng vay đóng tàu 67 mà bị tính nợ quá hạn thì không được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Vì thế, thực trạng nợ quá hạn với tàu 67 phát sinh sẽ tiếp tục tạo khó khăn cho chính ngư dân và các tổ chức tín dụng.
"Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng xử lý kiên quyết các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng, vi phạm quy định khi vay vốn; yêu cầu các chủ dự án thường xuyên nắm bắt, phối hợp cùng ngân hàng trong quá trình thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết"- ông Hợi đề nghị.
Tác giả: Tùng Chi
Nguồn tin: Báo Nghệ An