Thế giới

Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Myanmar

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/10 tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt kéo dài hàng chục năm qua nhằm vào Myanmar, một tháng sau sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng.

Tổng thống Barack Obama và bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Barack Obama thông báo quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Myanmar bằng cách chấm dứt một sắc lệnh khẩn cấp, trong đó coi các chính sách của chính quyền quân sự cũ của Myanmar là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

“Tôi nhận thấy rằng tình trạng gây đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ đã thay đổi đáng kể nhờ những tiến bộ vững chắc của Myanmar trong việc thúc đẩy dân chủ, trong đó có cuộc bầu cử lịch sử hồi tháng 11/2015”, Tổng thống Obama nêu rõ trong bức thư gửi Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Mỹ, theo Reuters.

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết dựa trên quyết định của Nhà Trắng, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của bộ này cũng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Myanmar.

Quyết định chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Đông Nam Á của Tổng thống Obama được đưa ra một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi từ sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Myanmar vào năm ngoái.

Trong cuộc gặp với bà Suu Kyi, ông Obama thông báo Mỹ sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ quát (GSP). Đây là chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và các nước đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, Washington đã loại Myanmar ra khỏi các cơ chế ưu đãi của GSP vào năm 1989 sau khi chính quyền quân sự Myanmar trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại nước này.

Tổng thống Obama cho rằng việc đưa Myanmar trở lại GSP, kết hợp với quyết định gỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tăng cường đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ hy vọng Myanmar sẽ ngày càng trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.

Tác giả bài viết: Thành Đạt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP