Xã hội

Mức phạt nồng độ cồn xe máy mới nhất năm 2024

Mức phạt tiền đối với người vi phạm nồng độ cồn khi chạy xe máy mới nhất hiện là bao nhiêu, bị tước giấy phép lái xe bao lâu và có bị tạm giữ phương tiện không?

Căn cứ theo điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các mức phạt nồng độ cồn đối với xe máy được quy định như sau:

1. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở: Mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

2. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở: Mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

3. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở: Mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy.

Theo đó, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể lên đến 8.000.000 đồng trong trường hợp người này có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Theo khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe máy vi phạm về nồng độ cồn còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

1. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở: Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

2. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở: Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

3. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở: Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người điều khiển xe máy tham gia giao thông mà có chứa nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị tước bằng lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm thì để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Tác giả: CHÂU THƯ

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP