Đẹp

Mua mỹ phẩm trên mạng làm đẹp cấp tốc, nhiều người mất Tết vì biến chứng

Nghe theo quảng cáo, lời giới thiệu của bạn bè, nhiều người lên mạng đặt mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc khiến tiền mất, tật mang.

Chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, ở Hà Nam) bị nám lâu năm nên luôn thiếu tự tin. Trước đây vùng da nám chỉ chiếm một phần nhỏ hai bên gò má, nhưng sau sinh con, vết nám trên mặt chị ngày càng đậm màu, phải đeo khẩu trang kín mít khi ra đường.

Người bạn giới thiệu cho chị thuốc bôi bán trên mạng, được quảng cáo có công dụng trị nám thần tốc, chỉ 7 ngày là hết nám hoàn toàn. Mong muốn có làn da đẹp đón Tết, chị Hoa theo link sản phẩm bạn gửi bấm vào mua hai lọ mỹ phẩm không rõ tem mác.

Sau 2 tuần sử dụng, đẹp đâu chưa thấy, da chị Hoa xuất hiện tình trạng căng đỏ, đau rát tróc vảy. "Tôi liên hệ với người bán để thắc mắc nhưng nhận lại phản hồi 'nhiều người dùng có bị sao đâu rồi tắt máy', người phụ nữ lúc này mới tá hoả đi gặp bác sĩ.

Bôi thuốc mua trên mạng, mặt chị Hoa sạm đen do biến chứng. (Ảnh: BSCC)

Đặng Trung Tuấn (16 tuổi, người Hải Phòng) bị mụn tuổi dậy thì, cùng gặp cảnh biến chứng vì làm đẹp cấp tốc để đón Tết như chị Hoa. Hai năm gần đây mặt Tuấn xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở trán và cằm. Tuấn thường xuyên bị bạn trêu chọc, không dám tham gia các hoạt động tập thể vì tự ti bởi làn da của mình.

Cận Tết, muốn có làn da đẹp, Tuấn tìm nhiều cách điều trị nhưng không khỏi. Trong một lần lướt tiktok Tuấn thấy một quảng cáo kem trị mụn trứng cá tức thì, với đầy đủ hình ảnh phản hồi, lại được bác sĩ quảng cáo nên mua ngay.

"Đọc thấy nhiều bình luận tích cực và hình ảnh cụ thể nên em đặt mua", nam sinh nói và cho biết mới đầu bôi da đẹp lên như quảng cáo, tuy nhiên đến tuần thứ 3 thì bắt đầu xuất hiện mụn trở lại và nặng hơn ban đầu. "Mụn mủ, mụn bọc đua nhau mọc trên mặt em, da đỏ mẩn đỏ, ngứa nhiều khiến em không ngủ được".

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Thành viên hội da liễu Việt Nam), hai bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và kem trộn có chứa corticoid.

"Những ca bệnh này sẽ phải điều trị trong thời gian dài, tốn kém chi phí để lấy lại làn da ban đầu", bác sĩ Thành cho hay.

Bác sĩ Thành cho biết, thời điểm giáp Tết dù đã có cảnh báo nhưng bệnh viện liên tục tiếp nhận trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp.

Mạng xã hội phát triển, các phiên livestream quảng cáo cơ sở thẩm mỹ đưa ra những hình ảnh rất sống động. Nhiều cơ sở sẵn sàng mời những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo mỹ phẩm, hay tự xưng danh bác sĩ dù không có chuyên môn để đánh vào tâm lý khách hàng.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.

Tác giả: NGUYỄN NGOAN

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP