Trong nước

Một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa thay mặt Chính phủ ký văn bản báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Báo cáo nhấn mạnh, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND Tối cao đã tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy.

Trong đó, Cục Chống tham nhũng (Cục IV) - Thanh tra Chính phủ hiện có 4 lãnh đạo Cục, 5 phòng nghiệp vụ với biên chế được giao là 40 người.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an gồm 10 phòng, bố trí theo cơ cấu: 2 phòng phục vụ, 6 phòng trinh sát, 2 phòng điều tra. Chức năng, nhiệm vụ ngày càng hoàn thiện, phân định tương đối rành mạch và hạn chế chồng chéo với các đơn vị khác theo hướng bám sát 3 nhóm nhiệm vụ chính của đơn vị cấp Bộ; thực hiện phòng, chống tội phạm theo nhóm lĩnh vực và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, biên chế của C03 đang công tác là 412 người.

Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) - VKSND Tối cao hiện có 4 phòng (3 phòng nghiệp vụ, 1 phòng Tham mưu, tổng hợp); biên chế được giao 25 người gồm Vụ trưởng, 3 Phó Vụ trưởng (một Kiểm sát viên VKSND Tối cao; 11 Kiểm sát viên cao cấp, 7 Kiểm sát viên trung cấp, 3 Kiểm sát viên sơ cấp, 3 Kiểm tra viên).

Ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Đ.X).

Báo cáo cho biết, Cục IV - Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình, thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và thực hiện thanh tra đột xuất. Trong đó đã thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về cải thiện nhà ở; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng tại tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

C03 - Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế; đã thụ lý điều tra 11 vụ/46 bị can; trong đó khởi tố mới 5 vụ/34 bị can, án cũ chuyển sang 6 vụ/12 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý ước tính trên 981 tỷ đồng; tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý trên 924 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng). Kết luận điều tra 7 vụ/28 bị can. Hiện đang điều tra 4 vụ/18 bị can.

Vụ 5 - VKSND Tối cao đã thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm 15 tin báo; các vụ án tham nhũng, chức vụ 13 vụ/96 bị can. Về hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 6 vụ/63 bị can. Đã ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ/58 bị can; còn 1 vụ/5 bị can (trong hạn luật định), với tỷ lệ giải quyết đạt 83,3%.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tổng số phải thi hành gần 4.000 việc, tương ứng với trên 89.600 tỷ đồng; trong đó đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng số tiền gần 16.000 tỷ đồng (tương đương tăng 290,5% về tiền so với năm 2021).

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, những nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì đó đã được quốc tế đánh giá rất cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 của Việt Nam đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).

Dù vậy, báo cáo do ông Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký duyệt cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc.

"Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội"- báo cáo nêu.

Kiểm toán chuyển hồ sơ nhiều vụ việc sang công an điều tra

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra, xử lý hành vi trốn thuế của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.

Chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng để điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm về công tác khai thác khoáng sản (cát) của 7 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP