Du lịch

"Món nhà nghèo" nay thành đặc sản Nghệ An được lùng mua

Cứ đến gần Tết, món ăn này lại bắt đầu được rao bán nhiều hơn trên chợ mạng. Nhiều chị em cũng tò mò tìm mua ăn thử.

Đối với người Việt Nam, những món muối chua như dưa muối, cà muối... là một món ăn kèm khiến bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Ở Nghệ An, người dân còn có món dọc mùng muối cũng rất ngon, lạ miệng.

Dọc mùng còn được gọi là bạc hà, môn thơm, là một loại cây có hình dáng khá giống khoai nước hoặc khoai môn, nhưng phần bẹ trắng hơn. Dọc mùng thường là nguyên liệu để nấu canh, làm nộm, ăn kèm với bún... Thế nhưng dám chắc là chưa nhiều người từng được nếm thử qua món dọc mùng muối chua đặc sản Nghệ An.

Đây là món ăn vô cùng dân dã của người dân xứ Nghệ. Khi xưa không nhiều cái ăn, dọc mùng lại là nguyên liệu dễ tìm, dễ kiếm, có ở nhiều nơi, nên người dân đem về muối lên để có thể bảo quản được lâu hơn. Về nguyên liệu thì món ăn này không đòi hỏi cầu kỳ nhưng người chế biến phải có kinh nghiệm để đảm bảo thành phẩm chất lượng nhất.

Đầu tiên là bước sơ chế dọc mùng, gồm khá nhiều công đoạn tốn thời gian. Dọc mùng phải được phơi ở nơi râm mát cho hơi héo một chút. Không được phơi dưới nắng quá to, sẽ khiến dọc mùng bị khô, khi muối sẽ không còn giòn nữa.

Dọc mùng phơi đủ độ xong sẽ được đem đi rửa sạch, loại bỏ hết bụi bẩn rồi để ráo nước. Cắt dọc mùng thành từng khúc vừa ăn, sau đó đem ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút, rồi rửa tiếp với nước sạch vài lần nữa. Làm như vậy sẽ giúp dọc mùng không gây cảm giác ngứa miệng khi ăn.

Tiếp theo, dọc mùng sẽ được bóp với muối trắng. Người ta đem dọc mùng cho vào hũ thủy tinh sạch kèm nước chua, muối vài ngày là có thể ăn được. Thành phẩm đạt chất lượng là món ăn phải có màu ngả vàng, khi nhai thấy dai, giòn sần sật, thơm ngon mà không bị ngứa.

Dọc mùng muối thường được ăn kèm với cơm hoặc bánh đa, bánh mướt… Ngoài ra, người ta thường dùng dọc mùng muối để chế biến nhiều món như nộm dưa mùng, canh cá dọc mùng, canh mùng nấu ngao...

Để thưởng thức món ăn này, bạn vớt dọc mùng muối ra rồi rửa sạch lại với nước cho bớt chua, sau đó bóp chặt tay để mùng ráo nước. Trộn dưa mùng với lá chanh và giá đỗ, thêm nước mắm tỏi ớt chua ngọt tạo thành món nộm thanh mát. Vị dai, giòn sần sật của dọc mùng với chút nước đủ vị chua, cay, mặn, ngọt dễ dàng chiều lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Không chỉ là món ăn dân dã, lạ miệng, dọc mùng còn được xem là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Dọc mùng chứa nhiều photpho, kali, canxi, magie, sắt và đặc biệt rất giàu chất xơ, từ đó xử lý được chất béo, cholesterol có trong ruột. Đồng thời cản trở sự hấp thụ cholesterol.

Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, loại bỏ chất béo hiệu quả mà an toàn.

Từ món ăn bình dân của người địa phương, dọc mùng muối chua ngày càng trở nên phổ biến, được đóng gói và vận chuyển tới nhiều tỉnh thành để phục vụ thực khách thập phương. Cận Tết, dọc mùng muối cùng được nhiều người rao bán trên chợ mạng với giá khoảng 60.000 đồng/hộp. Đây là món ăn kèm lý tưởng, lạ miệng thay thế cho dưa hành cho gia đình trong dịp Tết.

Tác giả: H.M

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP