|
Tính đến ngày 27/9, đã có gần 90 trường đại học trên cả nước thông báo xét tuyển bổ sung năm 2022 trước thời hạn quy định với số lượng chỉ tiêu lớn, thậm chí có ngành thiếu đến 300 chỉ tiêu (ngành Điều dưỡng tại Trường Đại học Trưng Vương).
Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy thí sinh không đăng ký tập trung vào các ngành sư phạm, kỹ thuật, du lịch và nông nghiệp,…đây đều không thuộc nhóm mà phần lớn các thí sinh cho rằng là ngành hot, dễ xin việc.
Riêng đối với nhóm ngành kỹ thuật nói chung, điểm qua một vài cái tên, nổi bật có Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp.HCM ngay sau khi công bố điểm chuẩn, nhà trường đã phát đi thông báo tuyển sinh bổ sung với các nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Khai thác vận tải,… với ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển bổ sung đối với hình thức thi tốt nghiệp THPT không quá cao, chỉ với 15 điểm.
Các nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông,… cũng là những nhóm ngành có tên trong danh sách xét tuyển bổ sung đợt 2 của Trường Đại học Văn Lang.
Nhóm ngành kỹ thuật, xây dựng công trình giao thông đang thiếu nguồn nhân lực. |
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam cũng đã sớm đưa ra điểm chuẩn cho những thí sinh nguyện vọng 2 đối với nhóm ngành truyền thống của nhà trường như Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật hoá học là 18 điểm (theo điểm thi THPT) với 30 chỉ tiêu bổ sung .
Trong thời gian thông báo điểm chuẩn đợt 1, Học viện Hàng không Việt Nam cũng đã có danh sách các ngành cần xét tuyển thêm chỉ tiêu như Kỹ thuật hàng không, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điện tử và tự động hoá. Ngoài ra, Đại học Hoà Bình với nhóm ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện tử - viễn thông cũng là 2 nhóm ngành kỹ thuật có tên trong danh sách tuyển sinh bổ sung.
Mùa tuyển sinh năm nay, không dưới 10 trường đào tạo liên quan đến kỹ thuật, chế tạo nằm trong danh sách cần tuyển sinh bổ sung, các em thí sinh có rất nhiều lựa chọn phù hợp cho bản thân. Ngay cả ở bậc đại học cũng rơi vào tình trạng “khát” sinh viên ngành kỹ thuật, chưa nói đến là ở các trường cao đẳng, trường trung cấp, dạy nghề.
Có đến gần 90 trường đại học cần phải xét tuyển bổ sung. |
Nhu cầu thị trường cần là căn cứ xác định tuyển sinh
Trước thực trạng mất cân đối nguồn lực giữa các nhóm ngành, thậm chí giữa các bậc đào tạo, Người Đưa Tin đã có trao đổi với GS.TS Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để đánh giá vấn đề này.
Ông Tuấn Anh cho biết: “Để tránh sự mất cân đối giữa các nhóm ngành cần phải có định hướng nghề nghiệp tốt cho thí sinh. Đây không chỉ là vấn đề của hệ thống giáo dục đại học mà cần có sự tham gia của toàn xã hội. Số liệu dự báo nhu cầu của thị trường lao động chính là những dữ liệu định hướng ngành nghề quan trọng và cần thiết nhất”.
Trong tuyển sinh, xu thế chung thì các ngành kỹ thuật công nghệ có sự thiệt thòi hơn so với những ngành khác, việc này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở cả những nước phát triển. Tuy nhiên, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam nhu cầu về cử nhân, kỹ sư các ngành kỹ thuật công nghệ luôn tăng lên, đây chính là cơ sở quan trọng để định hướng lựa chọn ngành nghề.
Về nhu cầu thị trường đối với nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, ông Tuấn đánh giá: “Bên cạnh số lượng dự báo, cần có dữ liệu về cơ cấu trong cùng một ngành, nhu cầu việc làm có trình độ đại học, cao đẳng, dạy nghề hay thợ thủ công. Hiện nay dữ liệu dự báo về tổng nhu cầu việc làm cũng như cơ cấu trình độ không rõ ràng nên không dễ để định hướng và hiệu ứng lựa chọn ngành nghề theo đám đông là một hệ quả tất yếu”.
Ở đây chuyên gia cũng lấy ví dụ về ngành kỹ thuật, công nghệ ô tô, cần có dự báo về nhu cầu kỹ sư, cử nhân, công nhân, thợ kỹ thuật cần thiết cho nghiên cứu phát triển, cho sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ cho ô tô, cũng như nhu cầu nhân lực cho việc vận hành, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa ô tô...
“Thị trường ô tô Việt Nam là rất triển vọng nhưng nếu chiến lược phát triển không rõ ràng thì dữ liệu về việc làm sẽ không thể dự báo, xã hội và người học chỉ dựa vào tiềm năng mà đổ xô theo học sẽ có thể dẫn tới dư thừa hoặc phải làm việc trái ngành sau khi ra trường”, ông Tuấn bày tỏ.
Các thí sinh cần lựa chọn nhóm ngành nghề phù hợp với trình độ bản thân. |
Cho rằng tuyển sinh năm nay đã có sự khởi sắc đối với những ngành kén chọn, TS.Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải thông tin: “Không phải nhóm ngành kỹ thuật nào cũng rơi vào tình trạng thiếu sinh viên, khối liên quan đến ô tô là ngành có số lượng đăng ký lớn và điểm trúng tuyển ở mức cao.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại ngành xây dựng, xây dựng giao thông đường bộ đang đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu kỹ sư nghiêm trọng ở các doanh nghiệp”.
Ông Lâm cũng cho rằng thí sinh thí sinh hiện nay vẫn chỉ quan tâm đến các nhóm ngành kinh tế, công nghệ thông tin mà bỏ quên đi các ngành kỹ thuật. Một trọng những nguyên nhân là bởi quan niệm xã hội, nhiều em ngại vất vả, thích học những ngành nhàn.
Dưới góc độ thị trường lao động, đây lại là nhóm ngành có cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường bởi là ngành cần nguồn nhân lực, “Với những sinh viên năm cuối, nhà trường cũng cung cấp thông tin cho các em về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay, giúp các em sớm có việc làm ổn định”, ông Lâm bày tỏ.
Từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Bộ GD&ĐT mở hệ thống hỗ trợ tuyển sinh để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Thí sinh đã xác nhận nhập học trực tuyến vẫn phải tiếp tục thực hiện nhập học tại trường theo kế hoạch, thời gian quy định theo giấy báo cho thí sinh trúng tuyển của từng trường. Theo quy chế tuyển sinh năm 2022, thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học, nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận. |
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Nguồn tin: nguoiduatin.vn