Kinh tế

Miễn giảm, gia hạn 200.000 tỉ đồng thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp

Quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm 79.000 tỉ đồng, gia hạn 121.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Đ.TH.

Thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2023, tổ chức ngày 13-7.

Giảm loạt thuế, phí
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70.300 tỉ đồng (miễn, giảm khoảng 28.300 tỉ đồng; gia hạn khoảng 42.000 tỉ đồng) thuế, phí, tiền sử dụng đất.

Trong 200.000 tỉ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất dự kiến miễn, giảm, gia hạn, đáng chú ý nhất là chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 1-7 đến 31-12-2023.

Dự kiến việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng và tháng 1-2024 khoảng 4.000 tỉ đồng.

Chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách trong thời gian gia hạn khoảng 110.000 tỉ đồng.

Và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12, theo Bộ Tài chính sẽ làm giảm thu ngân sách trong năm 2023 khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng.

Cùng với đó là việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách trong thời gian gia hạn khoảng 10.400 - 11.200 tỉ đồng…

Toàn cảnh hội nghị tổng kết Bộ Tài chính sáng 13-7 - Ảnh: Đ.TH.

Thu ngân sách nhà nước giảm gần 8%

Bộ Tài chính cũng cho biết thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875.800 tỉ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán.

"Thu ngân sách 6 tháng giảm so với cùng kỳ. Tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách một số địa phương", báo cáo cho hay.

Theo thống kê, thu nội địa đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6% so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính cho biết có 30 địa phương thu nội địa 6 tháng ước đạt trên 50% dự toán, trong đó 14 địa phương đạt trên 55% dự toán; 9 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 54 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính, chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 804.600 tỉ đồng, bằng 38,8% dự toán. Như vậy 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước bội thu hơn 71.000 tỉ đồng.

Liên quan đến thị trường bảo hiểm, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt khoảng 117.000 tỉ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản đạt 868.700 tỉ đồng, tăng 12,2%. Đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 725.100 tỉ đồng, tăng 14,76%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35,7 nghìn tỉ đồng, tăng 25,1%.

Tác giả: BẢO NGỌC

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP