Bà mẹ VNAH Hoàng Thị Kim người Tày - thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có 3 con trai hy sinh. Cả 3 người con của mẹ đều nằm lại nơi chiến trường phía Nam, 2 người con hy sinh năm Mậu Thân ác liệt. Khi chúng tôi tìm đến mới biết mẹ đã mất từ năm 1969.
Hình bóng mẹ Hoàng Thị Kim còn phảng phất trên dương thế, qua hình ảnh 2 người con dâu của mẹ - bà Hoàng Thị Thệ (vợ liệt sĩ Hoàng Văn Thản) và bà Chu Thị Dốc (vợ liệt sĩ Hoàng Văn Nghi). Họ cùng nhau nâng niu kỷ vật của người thân, dù đó chỉ là phong bì đã rách cũ…
Với 2 nàng dâu góa bụa của mẹ Hoàng Thị Kim, tình chị em bạn dâu còn nặng hơn ruột thịt, bởi họ đã gắn bó, chia sẻ những mất mát, khó khăn trong những năm tháng gieo neo, cùng trải qua những ngày hạnh phúc, bất hạnh dưới một mái nhà.
Nên dù từ năm 1984, bà Chu Thị Dốc mang con nhỏ ra ở riêng, bà Hoàng Thị Thệ vẫn thường xuyên đến thăm, chia sẻ với em dâu những niềm vui, nỗi buồn của đời làm mẹ...
Trong danh sách Bà mẹ VNAH miền Tây Bắc, tôi rất ấn tượng về mẹ Hoàng Thị Kim - một Bà mẹ VNAH người Tày, có đến 3 người con trai hy sinh. Tôi bị hút vào trang giấy, về những ngày hy sinh của những người con của mẹ:
- Hoàng Văn Nghi, hy sinh ngày 25/2/1968;
- Hoàng Văn Thản, hy sinh ngày 26/11/2968;
- Hoàng Văn Chanh, hy sinh ngày 25/5/1972.
Vậy là chỉ riêng năm 1968, 2 người con trai của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường phía Nam - nơi diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn và 40 đô thị miền Nam Việt Nam, làm rung chuyển Nhà Trắng nước Mỹ. Khi tôi đến, mẹ đã không còn. Cháu Hoàng Văn Duẩn, người thờ cúng liệt sĩ Hoàng Văn Chanh rưng rưng nói: “Bà nội con mất năm 1969!”.
Bà Hoàng Thị Thệ và bà Chu Thị Dốc chia sẻ trong cuộc sống thường ngày. |
Hoàng Văn Duẩn còn cho biết: “Bà nội có 9 người con, 4 trai, 5 gái. 3 người con trai của bà hy sinh. Con gái bà lấy chồng, giờ đều ở xa. Tôi là con trai cả của ông Hoàng Văn Thái - người con trai còn sót lại của gia đình. Bố tôi sinh năm 1938, chết vì bệnh năm 1997. Từ đó, tôi là người thay thế bố thờ cúng bà nội và chú Hoàng Văn Chanh của tôi. Hai chú Hoàng Văn Nghi, Hoàng Văn Thản đã có các con của 2 chú thờ cúng”.
Nhà mẹ Hoàng Thị Kim trước kia ở Bản Vắc, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai (trước thuộc tỉnh Yên Bái). Mẹ và những người con liệt sĩ của mẹ không còn để lại cho cuộc đời một kỷ vật nhỏ nhoi nào, dù chỉ là một bức ảnh ố vàng, cũ kỹ. Nhưng đâu phải người chết là chấm dứt tất cả. Sự sống trong ngôi nhà mẹ vẫn tiếp diễn.
Trong chính ngôi nhà này, 2 chị em dâu đã chia sẻ những nỗi buồn, tháng ngày cô đơn khi chồng mất, cùng chăm sóc người em chồng Hoàng Văn Chanh khi bệnh viện trả về.
Sau khi nhập ngũ, ông Hoàng Văn Chanh được chọn vào binh chủng tăng thiết giáp. Trong quá trình luyện tập, không may ông bị té, gãy cột sống. Những ngày cuối cùng, ông được đơn vị đưa về quê hương. Khi ấy, mẹ Hoàng Thị Kim đã mất. Ngôi nhà chỉ còn lại 2 nàng dâu Hoàng Thị Thệ và bà Chu Thị Dốc.
2 người phụ nữ ấy vừa vất vả cày cuốc, làm công điểm hợp tác xã, vừa nuôi đàn con thơ, vừa chăm sóc, nuối nấng người em chồng - một thương binh nặng, nằm liệt giường. 2 người phụ nữ với sức vóc bé nhỏ đã nỗ lực vươn lên, làm cây cột chống đỡ cho gia đình. Nhẫn nại, chịu đựng từng chút một, mỗi ngày họ thức dậy sớm hơn, ăn ít hơn, bám ruộng cày cấy nhiều hơn... Những gì tốt đẹp nhất, miếng ngon có được họ dành cho người em chồng thương binh, dành cho những đứa trẻ.
Trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo ấy, 2 nàng dâu của mẹ vẫn tìm mọi cách cho 5 đứa trẻ (4 đứa con của bà Hoàng Thị Thệ và đứa con gái của bà Chu Thị Dốc đến trường và thương binh Hoàng Văn Chanh vẫn được chăm sóc rất tử tế. Tôi không ngăn được câu hỏi: “Các dì lấy đâu sức lực để vượt qua những ngày khó khăn ấy?”. Bà Hoàng Thị Thệ - vợ liệt sĩ Hoàng Văn Thản bình thản nói: “Thời chiến nó thế”.
Người phụ nữ bé nhỏ ngồi trước mặt chúng tôi trầm tĩnh kể những năm tháng thời chiến. Chồng nhập ngũ. Buổi chia tay, bà động viên chồng: “Anh đi yên tâm. Mẹ và các con ở nhà đã có em chăm sóc”. Bà kể những năm chiến tranh, đời sống rất khổ. Cả nhà bà có lúc ăn củ mài cho đỡ đói. Gạo dành cho bộ đội, phụ nữ thời ấy tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Để “quân không thiếu một người” mà từ nơi núi rừng Tây Bắc xa xôi, có những trai làng từ giã mái ấm hạnh phúc ra đi. Để “thóc không thiếu một cân”, những người phụ nữ miền Tây Bắc buốt giá miệt mài trên cánh đồng hợp tác, dốc hết sức mình để đổi lấy bát cơm manh áo cho gia đình, con cái. Những người phụ nữ thời chiến nâng niu từng khoảnh khắc hạnh phúc, khi được ở bên chồng, trong những ngày phép ngắn ngủi.
Sau khi nhập ngũ, qua 6 tháng huấn luyện, trước khi được đưa vào chiến trường miền Nam, chồng bà Hoàng Thị Thệ được về phép. Khi ấy, đứa con út của vợ chồng bà còn trong bụng mẹ. Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, ông Hoàng Văn Thản bịn rịn chia tay vợ con. Chiếc xe của đơn vị đưa ông đi xa dần dãy núi miền Tây Bắc.
Ông đi vào chiến trường miền Nam, tham gia trận đánh ác liệt rồi hy sinh. Đứa con út của bà Hoàng Thị Thệ - anh Hoàng Văn Hiến, vĩnh viễn không biết mặt bố. Anh cũng không biết hài cốt bố bây giờ nằm ở đâu...
Những người phụ nữ “thời chiến” còn âm thầm vượt qua nỗi cô đơn, khi người con, người chồng ra đi không trở về. Bà Hoàng Thị Thệ chứng kiến nỗi đau của mẹ chồng - Mẹ Hoàng Thị Kim, khi chỉ trong 1 năm, 2 người con của mẹ đã ngã xuống khi bảo vệ Tổ quốc. Nỗi đau quá sức chịu đựng, khiến mẹ bị bệnh tim nặng. 1 năm sau, mẹ Hoàng Thị Kim qua đời...
Khi những người lính lao ra mặt trận, vĩnh viễn không trở về, trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, bên những tán cọ, 2 nàng dâu góa bụa trụ lại. Họ không chỉ lao động nặng nhọc, gồng mình lên chống đỡ mưu sinh, chăm sóc thương binh, nuôi nấng những đứa con mà còn phải chịu đựng, chống đỡ với nỗi cô đơn trĩu nặng phần đời còn lại.
Bà Hoàng Thị Thệ thấu hiểu nỗi cô đơn của người em bạn dâu Chu Thị Dốc. Cùng hoàn cảnh chồng hy sinh nhưng bà tự an ủi khi có đến 3 con trai, 1 cô con gái; còn em dâu Chu Thị Dốc chỉ có được cô con gái - Hoàng Thị Ngợi. Bà nghĩ hộ cho em dâu, đến một ngày Hoàng Thị Hợi lấy chồng, em dâu sẽ sống trong cô độc. Hơn ai hết, bà hiểu được tiếng thở dài của em dâu, trong những đêm mùa đông rét mướt, tĩnh lặng...
Rất hiếm khi chúng tôi chứng kiến một tình bạn sâu sắc giữa hai chị em dâu là bà Hoàng Thị Thệ và bà Chu Thị Dốc như thế. Với vẻ đẹp phúc hậu, dịu dàng, bà Thệ đã thấu hiểu “không nói gì” để bà Dốc có được 1 đứa con trai. Khi đứa trẻ lớn lên, bà Thệ giúp em dâu cất nhà ở riêng.
Nhờ vậy, tuổi già của bà Dốc trở nên ấm áp. Chính quyền địa phương rất cảm thông nguyện vọng được làm mẹ của bà Chu Thị Dốc. Trong chiến tranh chống Mỹ, bà Chu Thị Dốc là một đội trưởng sản xuất giỏi của phong trào “Ba đảm đang” lan đến các tỉnh miền núi. Những người con trai hầu hết ra mặt trận. Trên cánh đồng hợp tác, phần lớn là phụ nữ. Họ đã sống hết mình, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam. Ngày hòa bình, những người còn sống trân trọng niềm mong ước nhỏ nhoi, rất con người của một người vợ liệt sĩ...
Chị Hoàng Thị Ngợi - con gái bà Chu Thị Dốc thấu hiểu sâu sắc với nỗi cô đơn, khát khao có thêm một đứa con trai của mẹ mình. Và người vợ góa của liệt sĩ đã đạt được ý nguyện. Bà sinh được một bé trai bụ bẫm, đặt tên là Hoàng Văn Thìn. Em ra đời năm 1975, hòa cùng niềm vui chung của dân tộc, đất nước được hòa bình, thống nhất. Em đã lớn lên trong tình yêu thương của 2 bà mẹ, trong sự đùm bọc của những người anh, người chị, trở thành một chàng trai thân thiện, vững chãi, giàu tình cảm.
Với bà Chu Thị Dốc, em là báu vật, là điểm tựa, niềm hạnh phúc cuối đời. Bằng ý chí, sức lao động miệt mài, em Hoàng Văn Thìn cùng mẹ xây lên ngôi nhà sàn ấm áp. Ngôi nhà ấy ấm áp tiếng cười con trẻ...
Đứng trên ngôi nhà sàn giữa đồi quế, tôi cảm nhận những đứa trẻ là sợi dây nối kết những người lớn, những thế hệ, nối kết các thành viên gia tộc. Với 2 nàng dâu góa bụa của mẹ Hoàng Thị Kim, tình chị em bạn dâu còn nặng hơn ruột thịt, bởi họ đã gắn bó, chia sẻ những mất mát, khó khăn trong những năm tháng gieo neo, cùng trải qua những ngày hạnh phúc, bất hạnh dưới một mái nhà.
Nên dù từ năm 1984, bà Chu Thị Dốc mang con nhỏ ra ở riêng, bà Hoàng Thị Thệ vẫn thường xuyên đến thăm, chia sẻ với em dâu những niềm vui, nỗi buồn của đời làm mẹ. Tôi nghe nhói lòng khi chứng kiến 2 người phụ nữ đã không còn tuổi thanh xuân, chụm đầu nhắc những kỷ niệm về những người lính đã hy sinh.
Cho đến giờ, bà Chu Thị Dốc chỉ còn giữ được phong bì lá thư người chồng gởi về. Lá thư đã lạc nhưng bút tích người chồng ghi tên người vợ trên phong bì vẫn còn nguyên vẹn. Với bà Chu Thị Dốc, chiếc phong bì cũ kỹ, ố vàng ấy được bà nâng niu cất giữ hơn 40 năm qua...
Thật cảm động trước tấm lòng của em Hoàng Văn Thìn dành cho liệt sĩ Hoàng Văn Nghi. Dù đó không phải là người bố sinh ra em nhưng em rất tự hào về một người liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường phía Nam.
Được sống trong những ngày hòa bình, em cảm nhận một cách sâu sắc, ở Bảo Yên năm ấy có hàng trăm trai làng đi vào nơi tuyến lửa. Những người lính đã chiến đấu, góp máu xương cho non sông liền một dải, trong số ấy có người chồng của mẹ em - liệt sĩ Hoàng Văn Nghi, mà trong đáy lòng, em tôn kính như người cha đã sinh ra em.
Thìn bộc bạch: “Em đã được cả gia tộc nâng niu, đùm bọc nên nguyện sống xứng đáng với tình thương của mọi người dành cho mình. Em cố gắng dành dụm tiền, vào miền Nam, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chồng của mẹ em và chồng của mẹ Thệ!”.
Khép lại quá khứ thời chiến nhiều đau thương, mất mát, những người trẻ trên đất Bảo Yên, Lào Cai tôi được gặp đang hướng về tương lai. Em Hoàng Văn Thìn mắt đỏ hoe nhìn về phía ngọn núi phủ đầy quế. Những cây quế đứng thẳng, dáng thanh cao và kiêu hãnh giữa lưng trời.
Tác giả: Trầm Hương
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân