Kinh tế

Mập mờ thương hiệu

Ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra chuyện một số cựu chiến binh phản ánh họ được hãng taxi Mai Linh tặng voucher (phiếu) giảm giá, tuy nhiên khi đi taxi thì tài xế từ chối, không chấp nhận thanh toán bằng các phiếu này.

Làm sáng tỏ sự việc, thì ra các cựu chiến binh đã lên nhầm taxi của hãng Mai Love, bởi hãng này cũng sơn xe màu xanh lá cây như hãng Mai Linh, và tên thương mại cũng gần giống nhau: Mai Love-Mai Linh.

Việc gần giống nhau giữa các yếu tố nhận diện thương hiệu như trường hợp trên không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng rõ ràng, rồi sẽ có nhiều khách hàng khác bị nhầm lẫn như các cựu chiến binh nọ.

Tương tự như câu chuyện trên, trước đây từng xảy ra tranh chấp giữa nhãn hiệu mì ăn liền “Hảo Hảo” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 62360 cấp năm 2005 và nhãn hiệu “Hảo Hạng” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 119302 cấp năm 2009. Từ đây đặt ra một vấn đề quan trọng về văn hóa và quản lý pháp lý trong kinh doanh.

Sự giống nhau quá mức giữa các yếu tố nhận diện thương hiệu như màu sắc, tên gọi và logo không chỉ thiếu sáng tạo mà còn là một biểu hiện của việc làm kinh doanh không minh bạch và không trung thực.

Sự "na ná" về thương hiệu này không chỉ gây trở ngại, làm mất lòng tin của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khi quyết định lựa chọn, xây dựng, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình gần giống một thương hiệu đã có trước, nổi tiếng và thành công trên thị trường, chắc chắn là có sự tính toán.

Sự giống nhau quá mức giữa các yếu tố nhận diện thương hiệu như màu sắc, tên gọi và logo không chỉ thiếu sáng tạo mà còn là một biểu hiện của việc làm kinh doanh không minh bạch và không trung thực. Những doanh nghiệp này thường muốn lợi dụng danh tiếng của các thương hiệu đã thành công để thu hút khách hàng, thay vì đầu tư vào việc phát triển, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua chất lượng, giá cả.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc tạo ra một sự phân biệt rõ ràng giữa các thương hiệu là cực kỳ quan trọng để tăng cường niềm tin của khách hàng và duy trì sự bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện về việc cố tình muốn tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng giữa các dịch vụ taxi ở TP Vinh là một minh chứng rõ ràng cho công tác quản lý và xây dựng văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp-cơ quan quản lý còn nhiều bất cập.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng. Việc điều chỉnh và bổ sung vào quy định pháp luật, đặc biệt là các tiêu chí, hàng rào pháp lý về nhận diện thương hiệu là cần thiết, để bảo đảm rằng mỗi thương hiệu có thể được nhận biết một cách dễ dàng và chính xác. Ngoài ra, việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng là một phần không thể thiếu, khách hàng cần được thông tin đầy đủ và chính xác để có thể lựa chọn dịch vụ một cách tự do và đúng đắn.

Tác giả: TUẤN HOÀNG

Nguồn tin: qdnd.vn

TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP