Trong tỉnh

Mâm lễ ngày Tết của người Thái ở Nghệ An

Người Thái rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có đông khách đến chơi, cả năm sẽ gặp may mắn. Nên vào dịp Tết, gia chủ còn tiếp đón khách rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ lại nhà...

Tương Dương, tỉnh Nghệ An là huyện miền núi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng dân tộc Thái được chia làm 3 nhóm là: Hàng Tổng, Man Thanh và Tay Mười.

Cá cúng Tết phải được nướng cả con trên bếp than hồng.

Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào Thái rất chú trọng việc thờ cúng tổ tiên, nhất là ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, mỗi một nhóm có sắc thái riêng trong hình thức bố trí mâm cúng ngày Tết, người Thái gọi là "Xở phí hươn mự Tết".

Với nhóm Thái Tay Mười có nét khác lạ so với 2 nhóm anh em cùng dân tộc Thái là Hàng Tổng và Man Thanh.

Ngoài các loại bánh chưng, bánh tét, nhóm Thái Tay Mười còn chuẩn bị bánh sừng trâu, bánh cặp (gọi là khàu tồm kìm).

Như thường lệ, gia đình bà Vang Thị Hiền, sinh sống trên địa bàn thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương đang chộn rộn sửa sang lại nhà cửa, quét dọn, trang trí và sắp xếp lại đồ đạc, làm cho ngôi nhà của mình đẹp mắt, ấm cúng hơn để đón một mùa Xuân ấm áp.

Theo bà Hiền, phong tục đón Tết của người Thái Tay Mười có nét riêng so với 2 nhóm cùng dân tộc, nhất là trong mâm cúng.

Để chuẩn bị lễ cúng Tết, các thành viên trong gia đình bà Hiền phải chuẩn bị đồ từ rất sớm.

Bà Hiền chia sẻ: "Tùy vào từng gia đình, chọn ngày đẹp trong dịp Tết để tổ chức, riêng gia đình chúng tôi thì thường tổ chức vào ngày mùng 1 Tết".

Cũng theo bài Hiền, để chuẩn bị cho việc cúng Tết, trước đó đã phải sắm sửa đồ giàng (các món hong khói).

"Ngày mùng 1 chúng tôi dậy sớm để soạn các thứ gồm: Khàu hang (xôi cốm), khàu đái (xôi trắng), mọc cá (riêng mọc cá có 2 loại gồm: Gói thường và gói hình sừng trâu gọi là Pá khàu chằm)", bà Hiền tâm sự.

Mâm cúng Tết của nhóm người Thái Tay Mười ở Tương Dương.

"Đối với cá giàng có 3 loại: Giàng phẻ, giàng cả con và giàng miếng. Ngoài ra còn cá nướng tươi, tất cả bày ra 3 mâm; trong đó mâm chính phải có đầu, mông, đuôi lợn, bánh chưng cắt miếng; còn mâm thứ có các loại cá, mọc và xôi trắng; mâm thứ tiếp có đầy đủ các món mà gia đình chuẩn bị được", bà Hiền chia sẻ thêm.

Thường người Thái, hệ Tay Mười tổ chức Tết và cúng tổ tiên vào sáng mùng 1, nhưng để chu tất trong lễ cúng, họ thường chuẩn bị từ chiều 30 Tết.

Trên mâm cúng phải có cá và được chia làm 3 loại gồm: Cá nướng nguyên con, cá cắt khúc và cá xẻ đôi.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, thường nhà nào cũng mổ một con lợn, bốn chân và đầu, phần hông đuôi để cúng tổ tiên, phần nạc làm thịt giàng, ba chỉ và toàn bộ lòng làm sạch, luộc chín...

Tất cả các món ăn truyền thống được các mẹ, các chị khéo tay chế biến với mắc khén (tiêu rừng), ớt bột, thảo quả, mỗi thứ đều được bày 2 bát hoặc đĩa, đặt chồng lên nhau bày gọn lên mâm.

Ông Vi Văn Hoàng - một thầy mo trên địa bàn thị trấn Thạch Giám, cho biết: "Trong lời cúng của mỗi dân tộc cũng khác, vì phong tục của mỗi dân tộc khác nhau, nên trong lời cúng phải kể những sản vật gia chủ chuẩn bị được để xin tổ tiên. Trong mâm của người Thái Tay Mười họ bày tất cả các sản vật lên mâm đồng hoặc mâm nhôm và đặt lên một chiếc mâm mây gọi là Phướn Toong gồm có: Bạc nén, cuộn vải bông dệt, váy, vòng bạc, đủ 10 chén rượu, 10 bát nước chè xanh".

Trong 70% dân số là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống trên địa bàn huyện Tương Dương thì nhóm Tay Mười chiếm khoảng 30%, họ thường sống ở các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa và một số dọc theo quốc lộ 7. Nhìn chung mọi sinh hoạt và phong tục, tập quán của họ giống với hai nhóm cùng dân tộc.

Xôi cẩm (khầu cẩm) - món xôi không thể thiếu trong mâm cúng Tết của dân tộc Thái Tày Mười

Ông Lô Thanh Long - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương cho biết: "Toàn huyện chúng tôi có 6 dân tộc, trong đó dân tộc Thái có 3 nhóm gồm: Nhóm Hàng Tổng, Nhóm Man Thanh và nhóm Tay Mười. Mỗi nhóm có nét khác nhau thể hiện trong số lượng, món chế biến. Ngoài ra họ còn ăn Tết tiến bộ theo nếp sống mới, không tốn kém. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho các dân tộc lưu giữ nét văn hóa đặc trưng riêng này".

Sau khi cúng xong, con cháu hạ mâm và ngồi ăn ngay tại gian thờ (gọi là Tóm Phướn Tết).

Người Thái rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có đông khách đến chơi, cả năm sẽ gặp may mắn. Nên vào dịp Tết, gia chủ còn tiếp đón khách rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ lại nhà, các cháu nhỏ được mừng tuổi bằng những chiếc bánh sừng trâu hay ống cơm lam.

Đặc biệt dịp này họ còn hát cho nhau nghe những làn điệu Xuối, Khắp, Lăm Nhuôn da diết, cùng thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bản mường yên vui.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP