Giáo dục

'Ma trận' các trung tâm tiếng Anh tăng cường, phụ huynh xứ Nghệ trăn trở

Quá nhiều trung tâm Anh ngữ dạy tăng cường được cấp phép, hiện tượng trong một trường học lại có nhiều trung tâm khác nhau cùng dạy, xuất hiện nhiều đơn vị "vua thầu "tiếng Anh tăng cường; việc tổ chức lớp học, bố trí giáo viên chưa hợp lý; chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường....là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh Nghệ An khi năm học mới bắt đầu.

Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung rất cần có nguồn nhân lực tốt, đảm bảo số lượng và chất lượng, sẵn sàng cho việc toàn cầu hóa. Nghệ An cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy du lịch, chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ là một trong những hành trang tốt nhất để con em Nghệ An nhanh chóng tiếp cận, hội nhập quốc tế khi đi lao động, du học, hay làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại.

Sau 10 năm thực hiện kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2010-2020, chất lượng dạy và học ngoại ngữ đại trà thấp, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh Nghệ An thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu...

Vì những lý do trên, tháng 7/2020 UBND Nghệ An phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, theo Quyết định số 2445/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An. Mục đích của đề án là đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc…

Một giờ học tiếng Anh tăng cường do giáo viên tại trung tâm Việt Úc 3 đứng lớp.(Ảnh: Facebook Việt Úc 3)

Thời gian qua, đề án được cho là có một số ưu điểm như: tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh; tạo sự hứng khởi cho học sinh. Bên cạnh đó cũng là cơ hội tạo điều kiện cho học sinh các trường được học tập với giáo viên nước ngoài, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi.

Ngoài những ưu điểm thì Tiếng anh tăng cường tồn tại những hạn chế dễ nhận thấy như: việc thực hiện tại cơ sở còn bộc lộ sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các năm học, khối lớp ngay trong một cơ sở giáo dục và giữa các trường, các địa phương; việc phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ và cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ (bố trí giáo viên tham gia trợ giảng, đặc biệt là giáo viên nước ngoài, bố trí giờ học, sĩ số lớp học); chất lượng thực chất của giáo viên có thực sự như cam kết; chưa bố trí được trung tâm khảo thí độc lập đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường...

Theo tìm hiểu, trường THCS Quán Bàu (TP.Vinh) năm học 2022-2023 có 27 lớp với 1.118 em. Tuy nhiên, chỉ có 3 lớp được học tiếng Anh tăng cường với thời khóa biểu 2 tiết/tuần. Ông Nguyễn Đức Cảnh, Hiệu trưởng THCS Quán Bàu cho biết, những năm học vừa qua, trường liên kết với một Trung tâm Anh ngữ có địa chỉ tại đường Phan Bội Châu (TP.Vinh).

Nội dung cam kết của một trung tâm ngoại ngữ.

“Năm học này, trường có 10 lớp khối 6, nhưng chỉ có 1 đến 2 lớp sẽ tham gia học tiếng Anh tăng cường. Việc đăng ký học tiếng Anh tăng cường cho học sinh là dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh”, ông Cảnh nói và cho hay các năm học trước, các học sinh tham gia Anh tăng cường thì có mức phản xạ với tiếng anh tốt hơn các em ở các lớp khác, và ngược lại.

Tại Trường Tiểu học Quang Trung, từ đầu năm học 2023-2024, trường đã thực hiện việc lựa chọn các trung tâm tổ chức thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường tại nhà trường cho các lớp đã cam kết từ năm học trước.

Về quy trình lựa chọn trung tâm ngoại ngữ để thực hiện tiếng Anh tăng cường tại trường, bà Từ Thị Thu Hương (Hiệu trưởng Tiểu học Quang Trung) cho hay, hội đồng nhà trường lựa chọn kỹ lưỡng về hồ sơ năng lực, đội ngũ giáo viên và sự ổn định trong các tiết giáo viên nước ngoài…

Chia sẻ về những lo lắng khi có con từng tham gia tiếng Anh tăng cường, một phụ huynh ở trường Tiểu học Trung Đô cho hay, khi được trường thông báo ngay từ những ngày đầu tuyển sinh và với mong muốn cho con được học tiếng Anh nên đã đăng ký. Tuy nhiên, khi bước vào vài tuần học đầu tiên họ nhận thấy thấy chương trình học khá nặng so với tuổi của con. “Bên cạnh đó lớp học lại đông nên tôi băn khoăn không biết các cháu có học được nhiều như mong đợi của bố mẹ không”, vị phụ huynh xin giấu tên, nói.

Một phụ huynh khác có con bước vào lớp 1 Tiểu học Lê Lợi (TP. Vinh) cũng khá lo lắng. “Ngay từ đầu năm học phụ huynh nhận được thông báo đăng ký học các môn như Tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống, giáo dục STEM,... mà không có bất cứ nội dung, kế hoạch giáo dục nào kèm theo. Liệu chất lượng của các buổi học này như thế nào và ai giám sát việc dạy và chất lượng của chương trình?”, nam phụ huynh tâm sự.

Tạp chí Điện tử Nhân lực Nhân tài Việt trao đổi với Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung.

Chung nỗi lo lắng, một phụ huynh có con học THCS ở TP. Vinh cho hay, họ phát hiện Trung tâm dạy Tiếng Anh tăng cường nơi con trai họ theo học có sự thay đổi giáo viên. “Trên hồ sơ năng lực họ có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hoành tráng nhưng khi thực tế cử dạy lớp con tôi lại một giáo viên khác, làm tôi thực sự bất an về chất lượng. Ngoài ra, cùng trường con tôi, có 4 khối lớp thuộc THCS thì có tới tận 3 trung tâm cùng dạy môn Tiếng Anh tăng cường. Mỗi trung tâm lại trúng thầu 1 đến 2 khối khác nhau”, người này nói thêm.

Nói về chất lượng tiếng Anh tăng cường tại trường mình, lãnh đạo ban giám hiệu trường THCS Quang Trung THCS Quán Bàu đều khẳng định: Ngay từ đầu nhà trường đã yêu cầu trung tâm phải cam kết chuẩn đầu ra đối với các lớp mà trung tâm đang thực hiện việc dạy tiếng Anh tăng cường.

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Hiệu trưởng trường THCS Quán Bàu nhấn mạnh, việc học tiếng anh tăng cường dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Ngay từ đầu năm học, trường và trung tâm có văn bản cam kết dựa trên đánh giá đầu vào và đầu ra đối với từng học sinh. Song về chất lượng, ông Cảnh thừa nhận “do không có trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường nên không thể đánh giá chuẩn đầu ra…

Tuy nhiên, khi làm việc phóng viên có đề nghị lãnh đạo THCS Quán Bàu và ông Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung cho tiếp cận nội dung biên bản họp Hội đồng nhà trường về việc thống nhất chủ trương học tiếng Anh tăng cường cũng như việc lựa chọn các nhà cung cấp và hợp đồng nguyên tắc liên kết đào tạo giữa nhà trường với trung tâm ngoại ngữ, trong đó có các điều khoản ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên nhưng nhà trường không thể xuất trình.

Song, lãnh đạo các đơn vị này có hẹn sẽ gửi lại phóng viên tài liệu này vào ngày hôm sau. Song đến hôm nay (25/9) đã gần 5 ngày từ thời điểm làm việc, nhà trường vẫn chưa có câu trả lời? Cũng trong nội dung tìm hiểu năng lực thực sự của một số Trung tâm được cấp phép hoạt động dạy tiếng Anh tăng cường trong trường học trên địa bàn, phóng viên VPĐD của Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt đã đến Trung tâm Anh ngữ Việt Úc 3 do bà Đậu Thị Huệ làm Giám đốc, có văn phòng tại đường Phan Bội Châu (TP. Vinh). Dù đã liên hệ trước qua điện thoại nhưng thời điểm 14h30 ngày 21/9 phóng viên Tạp chí cùng một số nhà báo đồng nghiệp đến nơi thì văn phòng trống trơn, không thấy ai làm việc và cũng không thể kết nối được bất kỳ số điện thoại nào của Trung tâm này theo thông tin trên các tờ rơi quảng cáo hay biển tên đặt trước trụ sở văn phòng, theo địa chỉ được ghi trên cấp phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm Việt Úc 3 hiện tại đang thực hiện việc dạy học tại rất nhiều đơn vị tại TP Vinh và nhiều huyện khác của tỉnh Nghệ An.

Trung tâm trống trơn văn phòng làm việc lúc 14h30 ngày 21/9.

Có thể khẳng định rằng, việc học tiếng Anh tăng cường là cần thiết,giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ, ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của việc dạy và học tiếng Anh tăng cường trong các nhà trường thì rất cần sự chung tay vào cuộc " thực sự" của cả nhà trường và gia đình học sinh. Nhiều phụ huynh tâm sự rằng, họ mong muốn Trung tâm nào chuyên khối nào (mầm non, tiểu học, THCS hay THPT ) thì nên tập trung cung cấp dịch vụ dạy khối đó để chú ý chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên sâu. " Hiện nay, có những giáo viên Việt Nam dạy cả 4 cấp trong 1 tuần học. Chạy show như vậy, chất lượng làm sao mà đảm bảo được", bà Nguyễn Hiền - một chuyên gia đào tạo chia sẻ góc nhìn cá nhân.

Mong rằng, ngành giáo dục Nghệ An cùng các đơn vị liên quan thành lập một trung tâm kiểm định chất lượng độc lập sớm, để thống nhất và có phương án kiểm tra khi cần thiết. Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, chấn chỉnh hoạt động các trung tâm dạy tiếng Anh tăng cường cũng được xem như "phương pháp sàng lọc lại" để hoạt động dạy và học thực chất có hiệu quả hơn, đem lại niềm tin cho phụ huynh về môn tiếng Anh tăng cường.

Để rộng đường dư luận, phóng viên sẽ tiếp tục tìm hiểu thực trạng dạy và học tiếng Anh tăng cường trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm cung cấp thông tin về năng lực, nguồn lực đào tạo của các đơn vị được lựa chọn dạy tiếng Anh tăng cường trong trường học đến bạn đọc.

Toàn tỉnh Nghệ An năm nay có hơn 850.000 học sinh các cấp với hàng chục nghìn giáo viên. Ngày 16/9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông báo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập để rà soát. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng dạy kỹ năng sống...

Tác giả: Nhóm PV VPĐD Thanh - Nghệ - Tĩnh

Nguồn tin: nguonluc.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP