Số hóa

Lý do không nên đóng kín cửa khi mở máy lạnh

Nhiều người dùng cho rằng đóng kín cửa phòng khi mở máy lạnh sẽ giúp tiết kiệm điện, nhưng cách làm này thực tế không hiệu quả và còn phản tác dụng.

Người dùng nên để cửa mở hoặc trang bị hệ thống thông gió trong phòng máy lạnh. Ảnh: HiSense.

Người tiêu dùng hiện nay thường tìm kiếm những cách nhỏ để cắt giảm mức tiêu thụ điện trong những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, một số mẹo tiết kiệm năng lượng nghe thì có vẻ hợp lý nhưng lại hoàn toàn không thực sự hiệu quả trong thực tế.

Một ví dụ là khuyến cáo cho rằng khi dùng máy lạnh ta bắt buộc phải đóng cửa kín mít để đảm bảo phòng được mát nhanh và không hại máy cũng như tiết kiệm điện. Theo các chuyên gia, cách làm này không hoàn toàn đúng.

Không thực sự tiết kiệm điện

Khi bật máy lạnh, ta thường đóng kín tất cả cửa để tránh làm thất thoát khí lạnh vì nghĩ như vậy sẽ tiết kiệm điện. Nhiều người cũng cho rằng việc đóng cửa sẽ khiến phòng mát nhanh hơn khi máy lạnh không phải làm mát cả những phòng bên cạnh, nhưng quan niệm này là không chính xác.

Hãng dịch vụ điện lạnh HydesAC có trụ sở tại California, Mỹ cho biết việc đóng các cửa bên trong nhà thậm chí có thể làm tăng lượng điện tiêu thụ của máy lạnh. Để giải thích, ta cần phải hiểu nguyên lý hoạt động của chu kỳ làm mát và chu kỳ nghỉ của máy lạnh.

Cụ thể, khi người dùng đóng kín cửa phòng trong khi máy lạnh đang trong chu kỳ làm mát, không khí được bơm vào phòng sẽ bị giữ lại bên trong. Điều này làm tăng áp suất trong phòng. Áp suất này sẽ đẩy không khí đã được làm mát ra khỏi bất kỳ vết nứt hoặc khe hở nhỏ xung quanh cửa sổ, tường, trần và sàn của phòng, gây lãng phí điện.

Trong những ngày hè nắng nóng, máy lạnh là thiết bị được sử dụng nhiều, hoạt động trong thời gian dài. Ảnh: Sharp.

Nếu người dùng đóng kín cửa khi máy lạnh đang không ở chế độ làm mát, căn phòng sẽ bị thiếu không khí, dẫn đến hiện tượng “áp suất âm”, khiến không khí nóng bên ngoài bị hút vào qua các vết nứt và khe hở giống như trường hợp trên. Khi không khí nóng tràn vào phòng như vậy, máy lạnh sẽ lại phải làm việc với công suất cao, gây tốn điện.

Chuyên gia D.P. Taylor từ Angi – nền tảng gọi thợ và chuyên gia sửa chữa nhà tại Mỹ cũng đưa ra lập luận tương tự. Ngoài ra, ông còn cho hay việc đóng kín cửa phòng cũng sẽ làm giảm chất lượng không khí bởi người dùng đang chặn lưu thông không khí trong nhà.

“Máy lạnh được thiết kế để làm mát toàn bộ ngôi nhà, vì vậy việc làm gián đoạn quá trình đó bằng cách đóng cửa thực sự làm giảm hiệu suất và gây tốn điện hơn”, ông Taylor cho biết.

Theo ông, cách tốt nhất để tiết kiệm điện khi mở máy lạnh là kéo toàn bộ rèm cửa giúp phòng luôn mát, sử dụng thêm quạt trong phòng máy lạnh, vệ sinh máy lạnh đúng cách và giữ cửa hoặc các hệ thống thông gió mở hé.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Những người ở lâu trong phòng máy lạnh thường bị khó thở, đau đầu. Bởi lẽ, việc đóng kín cửa phòng khi mở máy lạnh có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Không khí trong phòng máy lạnh đóng kín thường độc hại gấp 2-5 lần so với không khí ngoài trời, đặc biệt là khi máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên. Điều này sẽ ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Các chuyên gia tại AirOasis khuyến cáo rằng người dùng nên kết hợp mở cửa sổ, thông gió, cửa ra vào.... để đón không khí trong lành những lúc có thể. Việc này sẽ giúp không khí trong phòng được "thay mới" và tránh ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn sức khỏe của người tiêu dùng.

Máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên sẽ làm ô nhiễm không khí trong phòng. Ảnh: Việt Anh.

Người dùng có thể lựa chọn lắp một chiếc quạt thông gió công suất nhỏ trong phòng để hỗ trợ cho quá trình lưu thông không khí.

Bản thân máy lạnh sẽ hút không khí nóng trong phòng, thổi qua giàn lạnh làm mát, do đó lượng không khí trong phòng cần được lưu thông thường xuyên để lọc bụi.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng không nên ở trong phòng điều hoà liên tục quá 4 giờ. Vì thế, khoảng 2 - 3 tiếng người dùng nên ra ngoài nhiệt độ bình thường để thay đổi không khí và thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, tránh hiện tượng sốc nhiệt.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP