Ngày 5-7, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử vụ án Nguyễn Chánh Trung sát hại cậu họ. Lời khai lại của bị cáo Trung ở gần cuối phần xét hỏi đã bộc lộ nguyên nhân gây án, góp phần làm vơi phần nào những u uẩn, đau đớn của gia đình bị hại. Đây cũng là một trong những lý do khiến tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Án mạng qua lời khai ban đầu và cáo trạng
Theo hồ sơ, vào tối 21-6-2015, một vụ án mạng xảy ra tại nhà của mẹ bị cáo Trung ở khu phố Phú Trung, phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước. Nạn nhân đã chết vì nhiều vết thương trên người gây ra bằng dao rựa. Nạn nhân tên là Bùi Quang Thuận, một tiến sĩ-bác sĩ có uy tín và có nhiều đóng góp cho quê hương, là cậu họ của Trung.
Công an thị xã Bình Long mời hai mẹ con Trung lấy lời khai ban đầu. Trung khai do bực tức vì sự khuyên bảo của cậu mình nên đã dùng rựa tấn công làm chết cậu. Cụ thể là sau khi đi dự đám tang, Trung và cậu đi uống cà phê. Về nhà, cả hai cùng lên phòng ngủ ở lầu hai. Tại đây, giữa Trung và cậu tiếp tục xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Cho rằng cậu có lời lẽ xúc phạm mình và mẹ nên Trung xuống phòng ngủ ở lầu một lấy dao rựa lên chém cậu. Khi Trung đi từ lầu hai xuống lầu một thì gặp mẹ đi lên…
Ban đầu mẹ của Trung cũng khai là khi bà ở lầu một có nghe hai người lớn tiếng rồi cãi nhau. Khi bà đi từ lầu một lên lầu hai xem có chuyện gì thì gặp Trung mặt lầm lì đang đi xuống…
Tuy nhiên, hai mẹ con Trung đều thay đổi lời khai và khá thống nhất nhau rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi chém cậu của Trung là do bực tức vì hành vi loạn luân của cậu đối với mẹ.
Tháng 6-2016, cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước xác định tối 21-6-2015, Trung lên phòng ngủ của mẹ thì nhìn thấy cậu họ đang nằm đè lên người mẹ nên Trung lấy rựa chém cậu liên tiếp. Nạn nhân bị vật sắc tác động (chém) nhiều lần vào tay, chân gây đứt cơ xương và mạch máu, gây sốc mất máu cấp dẫn đến tử vong. Trung bị truy tố tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (khung hình phạt 7-15 năm tù).
|
Lời hối lỗi ở phút 89
Trong quá trình tố tụng, luật sư bảo vệ bị hại nhiều lần kiến nghị cơ quan tố tụng làm rõ động cơ giết hại nạn nhân để làm sáng tỏ sự thật khách quan, đồng thời bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho nạn nhân và gia đình họ. Việc đổ cho bị hại đã có hành vi loạn luân với chị họ của mình làm tổn hại tinh thần cho cả người đã khuất lẫn người còn sống.
Tại tòa ngày 5-7, chủ tọa dành gần trọn buổi sáng để trích dẫn và thuyết phục. Chủ tọa nhiều lần nhắc: “Bị cáo hãy khai sự thật!”. Đến phần xét hỏi đầu giờ chiều, bất ngờ bị cáo thừa nhận: “Do sợ bị tội nặng nên bị cáo đã khai rằng thấy cậu xâm hại mẹ nên tức tối nhào vô chém”.
Khi bị cáo thừa nhận việc khai dối, chủ tọa nói: “Bị cáo sai hoàn toàn rồi, bị cáo hãy xin lỗi đi”. Bị cáo nhìn lên HĐXX nói lời xin lỗi thì chủ tọa yêu cầu quay xuống phía dưới, chỗ gia đình bị hại, chỗ vợ bị hại đang ngồi.
Trung nhỏ giọng, hướng về phía vợ người bị hại: “Xin lỗi cậu Thuận, con đã hiểu lầm mà hại cậu! Nay con ăn năn hối lỗi lắm, mong cậu tha lỗi, gia đình và cô (lúc này người bà con trong phiên xử xì xào nhắc là phải gọi mợ - PV) tha lỗi cho con…”.
Mẹ Trung cũng nghẹn ngào: “Xin lỗi Thuận và em cùng gia đình! Chị vì thương con mà khai sai ở công an vì sợ con bị tội nặng. Tất cả cũng chỉ vì thương con, vì chị có đứa con duy nhất. Chồng chết, nuôi con một mình nên chị thương con mà khai sai, mà đổ vấy cho Thuận. Nay chị thấy đây là lỗi lầm”.
Bản luận cứ của luật sư bị phá sản
Với lời khai mới về nguyên nhân giết người này, cộng với những tình tiết chưa rõ, cuối cùng HĐXX TAND tỉnh Bình Phước đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đây cũng là lý do làm “phá sản” kế hoạch trình bày bản luận cứ của vị luật sư bảo vệ cho gia đình người bị hại.
Số là quá trình đi tìm sự thật, luật sư tìm thấy nhiều mâu thuẫn nên đã nhiều lần kiến nghị, tòa cũng đã trả hồ sơ nhiều lần để làm rõ những vấn đề tương đồng với kiến nghị của luật sư. Việc cháu chém cậu, lúc xảy ra cớ sự chỉ có hai mẹ con và người cậu, không có nhân chứng nào khác nên nếu Trung và mẹ thống nhất lời khai thì khó có thể phủ nhận lời khai của họ. Luật sư đã gặp mẹ Trung thuyết phục: “Vì tình họ hàng máu mủ, chị hãy khai sự thật để trả lại danh dự cho người đã mất…”.
Cuối cùng thì lời thuyết phục của luật sư đã được chấp nhận bằng lời xin lỗi và khai lại của Trung và mẹ tại tòa.
Chị T. - vợ của nạn nhân cũng chia sẻ: “Gia đình không quan tâm đến mức án của bị cáo nhưng tình tiết loạn luân gây ảnh hưởng đến danh dự chồng tôi”.
Sự thật bao giờ cũng phải được tôn trọng. Một lời xin lỗi muộn màng của bị cáo và mẹ bị cáo đã hóa giải được nỗi oan khuất ngút ngàn của người đã mất.
Làm rõ dấu hiệu thông cung Sau một ngày xét hỏi, tranh luận, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể là CQĐT không thu được con dao mà CQĐT cho rằng Trung đã cầm để chém cậu. Con dao vật chứng trong hồ sơ là do CQĐT đi tìm người bán và hỏi nhân chứng về nhận dạng, sau đó mua một con dao khác cùng chủng loại. Tại tòa, Trung không nhận dạng được con dao vật chứng, khi vẽ lại dao thì lại khác với con dao mà CQĐT thu giữ. Thứ hai là làm rõ các mâu thuẫn trong lời khai lại của Trung và mẹ về nguyên nhân, động cơ gây án. Làm rõ có dấu hiệu thông cung hay không. Việc thực nghiệm hiện trường đã được thực hiện theo lời khai mà tại tòa bị cáo đã xác định là không đúng sự thật, do đó kết quả điều tra không phù hợp thực tế vụ án… Một thành viên HĐXX cho biết: HĐXX đã thận trọng nên trả hồ sơ nhằm làm sáng tỏ các tình tiết còn mâu thuẫn trong hồ sơ, đặc biệt là nguyên nhân, động cơ giết người mà bị cáo đã ra tay sát hại người cậu họ… Một người có tâm với quê hương Người bị hại trong câu chuyện cháu chém cậu gây tử vong này là TS-BS Bùi Quang Thuận. Sau 25 năm ở nước ngoài, TS-BS Bùi Quang Thuận đã quyết định về Việt Nam để chăm lo sức khỏe ban đầu cho đồng bào mình. Ông là ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Y Bác sĩ tình nguyện Sài Gòn. Ông đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều chương trình Tâm và Nguyện vì người nghèo, khám bệnh nhân đạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cấp thuốc không phí, tặng quà cho người nghèo, gây quỹ vì trẻ em… TS-BS Thuận cũng là cố vấn y khoa, thành viên Hội Leo núi Việt Nam. |
Tác giả: PHƯƠNG LOAN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM