Trong suốt hơn một tuần thâm nhập và ghi nhận, phóng viên Báo Người Lao Động đã “lật mặt” nhiều kẻ tự phong mình là “ông chủ” của lòng đường, vỉa hè để trục lợi. Các bằng chứng được chuyển đến cơ quan chức năng và đã có ít nhất một trường hợp bị mời lên phường xử lý.
Chân dung 3 “ông chủ” lòng đường
Sau nhiều ngày dò “đường dây”, cuối cùng phóng viên đã biết được đối tượng tên Nguyễn Văn Cường (SN 1972) - người tự phong là “ông chủ” của các tuyến đường xung quanh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM.
Sáng 14-3, một người vừa lái chiếc Toyota đến đường Tôn Thất Đạm tìm chỗ đậu (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) thì từ xa, Cường chạy tới vẫy tay ra hiệu cho xe tấp vào. Thấy có biển cấm, người lái xe định bỏ đi, lập tức, Cường gõ cửa xe và nói chắc nịch: “Đậu đi, tôi thu tiền và lo hết. Đường này tôi làm ăn hơn chục năm, hằng tháng nộp thuế, ai dám làm gì. Thu xe hoặc bị phạt, tôi đền lại chiếc mới”. Vừa dứt lời, thấy chiếc xe hơi khác đang rà tìm chỗ đậu, Cường liền quay sang trao đổi với tài xế và lặp lại câu khẳng định trên để thu 50.000 đồng tiền “bảo kê” xe đậu dưới lòng đường cấm.
Chưa chịu bỏ “món hời” với người lái chiếc xe Toyota, Cường tiếp tục chèo kéo: “Tui thu xe “xịn” và xe bình thường đồng giá 50.000 đồng/chiếc. Gửi ở đây hoàn toàn yên tâm”. Khách vẫn chê mắc, Cường tỏ thái độ khó chịu và đe dọa nếu không đóng tiền thì lúc ra nhận xe sẽ không bảo đảm việc “có còn kính chiếu hậu hay không” và “xe có bị trầy sơn thì ráng mà chịu”.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày cuối tháng 2-2017, người đàn ông này đã thu tiền tất cả ô tô có nhu cầu đậu xe dưới lòng đường Tôn Thất Đạm (đoạn từ Nguyễn Công Trứ đến Võ Văn Kiệt). Thống kê trong gần một tuần theo dõi cho thấy mỗi buổi sáng có từ 20-30 chiếc ô tô đến đậu và trong đó hơn một nửa được Cường tự ý giữ và thu tiền.
Dù đang trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ nhưng trên đường Nguyễn Du (đoạn gần nhà thờ Đức Bà, phường Bến Nghé, quận 1) lúc nào cũng có xe 4 bánh đậu đặc kín bất chấp lệnh cấm. Các ô tô đậu dưới lòng đường nơi đây ai cũng phải đóng tiền cho một “ông chủ” là nhân viên một bãi giữ xe máy trên vỉa hè trước số nhà 82 Nguyễn Du.
Ghi nhận vào sáng 22-2 cho thấy trong lúc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đang dẫn đoàn công tác xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì cách đó chừng 1 km, nhân viên bãi xe trước nhà số 82 Nguyễn Du vẫn tiếp tục giữ ô tô trái phép. Khoảng 9 giờ, trên chiếc ô tô hiệu Kia Morning, ông N. bật đèn xi-nhan tấp vào đường Nguyễn Du. Lúc này, một nhân viên của bãi giữ xe trước số nhà 82 liền ra chỉ chỗ đậu xe ngay dưới lòng đường.
Thấy đường cấm, ông N. vẫn bật đèn cảnh báo để dừng tạm đi mua đồ. Tuy nhiên, nhân viên trên liền yêu cầu tắt máy, gập kính chiếu hậu của xe để anh ta trông và không quên xin tiền giữ 50.000 đồng. Thấy mấy hôm nay lực lượng chức năng đang “giải cứu” vỉa hè nên ông N. không khỏi lo lắng, không dám đậu sai. Biết tâm lý lo ngại của khách, nhân viên trên liền buông lời trấn an: “Cứ yên tâm, ông chủ là dân “số má” ở đây. Lo hết rồi. Người thường ai dám ra trông xe hơi dưới lòng đường bao giờ”.
Ấy vậy mà 1 giờ sau, ông N. quay lại thì thấy tổ công tác quận 1 đến kiểm tra. Lúc này, ông N. quay sang đổ thừa nhân viên bãi xe trước số nhà 82 Nguyễn Du hướng dẫn ông đậu và thu 50.000 đồng tiền trông giữ. Nhân viên bãi giữ xe xoa vai ông N., nói nhỏ vào tai: “Đang làm chuyên đề đột xuất nên họ phạt vậy thôi, lỗi này có mấy trăm ngàn thôi. Ngày thường, hễ đi kiểm tra thì có người báo tụi em liền. Hôm nay xui, mong anh thông cảm” (!?). “Sự đã rồi”, ông N. đành chấp nhận đóng phạt. Khi CSGT vừa bỏ đi thì chuyện đâu lại vào đấy, nơi đây tiếp tục trở thành bãi giữ ô tô chiếm dụng lòng đường.
Tương tự, ở khu vực xung quanh tòa nhà Bitexco (phường Bến Nghé, quận 1), đa số người dân sống ở đây đều biết đến một thanh niên có tên là Mèo, tự ý chiếm dụng đường sá để giữ ô tô. Đối tượng này hay đứng ở ngã ba Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế. Mỗi chiếc xe, Mèo thu 30.000-50.000 đồng.
Bà S., một người dân sống gần đó, kể: “Dân ở đây ai cũng biết đến thằng Mèo từng nhiều lần vào tù nên nó đến thu tiền ô tô dù không giữ gì cũng phải đưa. Không thì nó bẻ kính, dùng chìa khóa cào tróc sơn”. Và cứ thế, Mèo đã tự phong cho mình là “ông chủ” ở 2 tuyến đường trên.
Xử nghiêm đến đâu?
Sau khi thu thập đầy đủ tư liệu, chứng cứ về các “ông chủ” lòng đường đang “làm mưa làm gió” ở khu trung tâm TP, phóng viên Báo Người Lao Động liền liên hệ UBND phường Nguyễn Thái Bình để cung cấp thông tin, phối hợp xử lý. Ngay lập tức, ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, đã cử cán bộ đến ghi nhận và xác minh vụ việc. Tại khu vực các tuyến đường xung quanh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM, cơ quan chức năng đã mời “ông chủ” lòng đường Nguyễn Văn Cường lên làm việc.
Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Cường khai nhận là nhân viên của bãi xe 08 Tôn Thất Đạm. Trong khi đó, bà N.T.L (chủ bãi xe này) lại cho biết: Theo quy định thì chỉ nhận giữ xe máy. Nói về việc tự ý thu tiền và trưng dụng lòng đường bị cấm làm chỗ đậu ô tô để thu tiền, cả Cường và bà chủ bãi đều nói: Trước kia, ông Cường có nhận trông xe cho một số nhân viên ngân hàng, nay họ có điều kiện kinh tế khá giả nên mua ô tô để đi lại và có nhờ ông Cường xem giúp (!?).
Ông Nguyễn Chí Việt khẳng định với phóng viên: “Việc tự đứng ra giữ xe và thu tiền ô tô là hành vi sai nghiêm trọng. Chúng tôi quyết liệt ngăn chặn không cho diễn ra chuyện này, đồng thời sẽ xử nghiêm cũng như sẽ lập tức cho kiểm tra tất cả tuyến đường trên địa bàn phường”.
Trong khi đó, nói về bãi giữ xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Du cũng như việc nhân viên bãi giữ xe máy tự ý biến lòng đường thành nơi giữ ô tô, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết có cấp phép cho người dân giữ xe máy trên vỉa hè trước số nhà 82 Nguyễn Du. Còn việc người dân tự ý thu phí giữ ô tô trên đường cấm thì… chưa nắm được thông tin!
Đến khi phóng viên đưa ra những tư liệu đã ghi nhận được trước đó về hành vi sai phạm của nhân viên bãi giữ xe máy trước số nhà 82 Nguyễn Du thì ông Hưng hứa sẽ sớm kiểm tra và có phương án xử lý. Tuy nhiên, sau đó một ngày, sáng 15-3, phóng viên quay lại thì điểm giữ ô tô trái phép nằm trên đường Nguyễn Du vẫn hoạt động như thường (!). Lúc này, phóng viên gọi vào số điện thoại 08.62988888 (là đường dây nóng của Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) để tiếp tục phản ánh. Tại đây, người trực điện thoại đề nghị phóng viên liên hệ đến Đội CSGT quận 1 hoặc Công an phường Bến Nghé để thông tin vì lực lượng này không có thẩm quyền xử lý (!?).
Đến ngày 20-3, ông Hưng thông tin lại đã cho Công an phường Bến Nghé “mật phục” kiểm tra và xử phạt đối với một số cá nhân thu tiền giữ ô tô trái quy định dưới lòng đường Nguyễn Du.
Còn nhiều “ông chủ” lòng đường khác!
Tình trạng tự phong là “ông chủ” lòng đường, vỉa hè không chỉ có ở quận 1. Qua thâm nhập và ghi nhận, ở các quận 3 và 5 cũng xuất hiện hàng loạt “ông chủ” lòng đường, vô tư trục lợi người lái ô tô.
Điển hình, đường Lê Quý Đôn (đoạn gần Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, quận 3), lòng đường đã có một “ông chủ” thu tiền giữ ô tô; đường Huỳnh Mẫn Đạt (đoạn gần quán cà phê Đà Lạt Phố, quận 5), từ lâu cũng đã xuất hiện một “ông chủ” thu tiền bất cứ ô tô nào đậu dưới lòng đường…
Chân dung 3 “ông chủ” lòng đường
Sau nhiều ngày dò “đường dây”, cuối cùng phóng viên đã biết được đối tượng tên Nguyễn Văn Cường (SN 1972) - người tự phong là “ông chủ” của các tuyến đường xung quanh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM.
Sáng 14-3, một người vừa lái chiếc Toyota đến đường Tôn Thất Đạm tìm chỗ đậu (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) thì từ xa, Cường chạy tới vẫy tay ra hiệu cho xe tấp vào. Thấy có biển cấm, người lái xe định bỏ đi, lập tức, Cường gõ cửa xe và nói chắc nịch: “Đậu đi, tôi thu tiền và lo hết. Đường này tôi làm ăn hơn chục năm, hằng tháng nộp thuế, ai dám làm gì. Thu xe hoặc bị phạt, tôi đền lại chiếc mới”. Vừa dứt lời, thấy chiếc xe hơi khác đang rà tìm chỗ đậu, Cường liền quay sang trao đổi với tài xế và lặp lại câu khẳng định trên để thu 50.000 đồng tiền “bảo kê” xe đậu dưới lòng đường cấm.
Chưa chịu bỏ “món hời” với người lái chiếc xe Toyota, Cường tiếp tục chèo kéo: “Tui thu xe “xịn” và xe bình thường đồng giá 50.000 đồng/chiếc. Gửi ở đây hoàn toàn yên tâm”. Khách vẫn chê mắc, Cường tỏ thái độ khó chịu và đe dọa nếu không đóng tiền thì lúc ra nhận xe sẽ không bảo đảm việc “có còn kính chiếu hậu hay không” và “xe có bị trầy sơn thì ráng mà chịu”.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày cuối tháng 2-2017, người đàn ông này đã thu tiền tất cả ô tô có nhu cầu đậu xe dưới lòng đường Tôn Thất Đạm (đoạn từ Nguyễn Công Trứ đến Võ Văn Kiệt). Thống kê trong gần một tuần theo dõi cho thấy mỗi buổi sáng có từ 20-30 chiếc ô tô đến đậu và trong đó hơn một nửa được Cường tự ý giữ và thu tiền.
Dù đang trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ nhưng trên đường Nguyễn Du (đoạn gần nhà thờ Đức Bà, phường Bến Nghé, quận 1) lúc nào cũng có xe 4 bánh đậu đặc kín bất chấp lệnh cấm. Các ô tô đậu dưới lòng đường nơi đây ai cũng phải đóng tiền cho một “ông chủ” là nhân viên một bãi giữ xe máy trên vỉa hè trước số nhà 82 Nguyễn Du.
Ghi nhận vào sáng 22-2 cho thấy trong lúc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đang dẫn đoàn công tác xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì cách đó chừng 1 km, nhân viên bãi xe trước nhà số 82 Nguyễn Du vẫn tiếp tục giữ ô tô trái phép. Khoảng 9 giờ, trên chiếc ô tô hiệu Kia Morning, ông N. bật đèn xi-nhan tấp vào đường Nguyễn Du. Lúc này, một nhân viên của bãi giữ xe trước số nhà 82 liền ra chỉ chỗ đậu xe ngay dưới lòng đường.
Thấy đường cấm, ông N. vẫn bật đèn cảnh báo để dừng tạm đi mua đồ. Tuy nhiên, nhân viên trên liền yêu cầu tắt máy, gập kính chiếu hậu của xe để anh ta trông và không quên xin tiền giữ 50.000 đồng. Thấy mấy hôm nay lực lượng chức năng đang “giải cứu” vỉa hè nên ông N. không khỏi lo lắng, không dám đậu sai. Biết tâm lý lo ngại của khách, nhân viên trên liền buông lời trấn an: “Cứ yên tâm, ông chủ là dân “số má” ở đây. Lo hết rồi. Người thường ai dám ra trông xe hơi dưới lòng đường bao giờ”.
Ấy vậy mà 1 giờ sau, ông N. quay lại thì thấy tổ công tác quận 1 đến kiểm tra. Lúc này, ông N. quay sang đổ thừa nhân viên bãi xe trước số nhà 82 Nguyễn Du hướng dẫn ông đậu và thu 50.000 đồng tiền trông giữ. Nhân viên bãi giữ xe xoa vai ông N., nói nhỏ vào tai: “Đang làm chuyên đề đột xuất nên họ phạt vậy thôi, lỗi này có mấy trăm ngàn thôi. Ngày thường, hễ đi kiểm tra thì có người báo tụi em liền. Hôm nay xui, mong anh thông cảm” (!?). “Sự đã rồi”, ông N. đành chấp nhận đóng phạt. Khi CSGT vừa bỏ đi thì chuyện đâu lại vào đấy, nơi đây tiếp tục trở thành bãi giữ ô tô chiếm dụng lòng đường.
Tương tự, ở khu vực xung quanh tòa nhà Bitexco (phường Bến Nghé, quận 1), đa số người dân sống ở đây đều biết đến một thanh niên có tên là Mèo, tự ý chiếm dụng đường sá để giữ ô tô. Đối tượng này hay đứng ở ngã ba Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế. Mỗi chiếc xe, Mèo thu 30.000-50.000 đồng.
Bà S., một người dân sống gần đó, kể: “Dân ở đây ai cũng biết đến thằng Mèo từng nhiều lần vào tù nên nó đến thu tiền ô tô dù không giữ gì cũng phải đưa. Không thì nó bẻ kính, dùng chìa khóa cào tróc sơn”. Và cứ thế, Mèo đã tự phong cho mình là “ông chủ” ở 2 tuyến đường trên.
Xử nghiêm đến đâu?
Sau khi thu thập đầy đủ tư liệu, chứng cứ về các “ông chủ” lòng đường đang “làm mưa làm gió” ở khu trung tâm TP, phóng viên Báo Người Lao Động liền liên hệ UBND phường Nguyễn Thái Bình để cung cấp thông tin, phối hợp xử lý. Ngay lập tức, ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, đã cử cán bộ đến ghi nhận và xác minh vụ việc. Tại khu vực các tuyến đường xung quanh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM, cơ quan chức năng đã mời “ông chủ” lòng đường Nguyễn Văn Cường lên làm việc.
Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Cường khai nhận là nhân viên của bãi xe 08 Tôn Thất Đạm. Trong khi đó, bà N.T.L (chủ bãi xe này) lại cho biết: Theo quy định thì chỉ nhận giữ xe máy. Nói về việc tự ý thu tiền và trưng dụng lòng đường bị cấm làm chỗ đậu ô tô để thu tiền, cả Cường và bà chủ bãi đều nói: Trước kia, ông Cường có nhận trông xe cho một số nhân viên ngân hàng, nay họ có điều kiện kinh tế khá giả nên mua ô tô để đi lại và có nhờ ông Cường xem giúp (!?).
Ông Nguyễn Chí Việt khẳng định với phóng viên: “Việc tự đứng ra giữ xe và thu tiền ô tô là hành vi sai nghiêm trọng. Chúng tôi quyết liệt ngăn chặn không cho diễn ra chuyện này, đồng thời sẽ xử nghiêm cũng như sẽ lập tức cho kiểm tra tất cả tuyến đường trên địa bàn phường”.
Trong khi đó, nói về bãi giữ xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Du cũng như việc nhân viên bãi giữ xe máy tự ý biến lòng đường thành nơi giữ ô tô, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết có cấp phép cho người dân giữ xe máy trên vỉa hè trước số nhà 82 Nguyễn Du. Còn việc người dân tự ý thu phí giữ ô tô trên đường cấm thì… chưa nắm được thông tin!
Đến khi phóng viên đưa ra những tư liệu đã ghi nhận được trước đó về hành vi sai phạm của nhân viên bãi giữ xe máy trước số nhà 82 Nguyễn Du thì ông Hưng hứa sẽ sớm kiểm tra và có phương án xử lý. Tuy nhiên, sau đó một ngày, sáng 15-3, phóng viên quay lại thì điểm giữ ô tô trái phép nằm trên đường Nguyễn Du vẫn hoạt động như thường (!). Lúc này, phóng viên gọi vào số điện thoại 08.62988888 (là đường dây nóng của Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) để tiếp tục phản ánh. Tại đây, người trực điện thoại đề nghị phóng viên liên hệ đến Đội CSGT quận 1 hoặc Công an phường Bến Nghé để thông tin vì lực lượng này không có thẩm quyền xử lý (!?).
Đến ngày 20-3, ông Hưng thông tin lại đã cho Công an phường Bến Nghé “mật phục” kiểm tra và xử phạt đối với một số cá nhân thu tiền giữ ô tô trái quy định dưới lòng đường Nguyễn Du.
Còn nhiều “ông chủ” lòng đường khác!
Tình trạng tự phong là “ông chủ” lòng đường, vỉa hè không chỉ có ở quận 1. Qua thâm nhập và ghi nhận, ở các quận 3 và 5 cũng xuất hiện hàng loạt “ông chủ” lòng đường, vô tư trục lợi người lái ô tô.
Điển hình, đường Lê Quý Đôn (đoạn gần Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, quận 3), lòng đường đã có một “ông chủ” thu tiền giữ ô tô; đường Huỳnh Mẫn Đạt (đoạn gần quán cà phê Đà Lạt Phố, quận 5), từ lâu cũng đã xuất hiện một “ông chủ” thu tiền bất cứ ô tô nào đậu dưới lòng đường…
Tác giả bài viết: LÊ PHONG
Nguồn tin: