Bạn cần biết

Lồng ruột trẻ em

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em.

Trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng đoạn ruột phía dưới (hay ngược lại) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi đoạn ruột chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, khiến cho các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và gây xuất huyết vào lòng ruột. Vì tình trạng tổn thương mạch máu diễn biến rất nhanh nên nếu không được điều trị kịp thời ruột sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu gây đe dọa tính mạng.

Đa số các trường hợp lồng ruột không xác định được nguyên nhân. Các yếu tố có thể cho là nguyên nhân gây ra lồng ruột ở trẻ em gồm:

- Các khối u lành tính: Polyp, ít gặp hơn là khối u ác tính.

- Viêm ruột

- Nhiễm virus

Điều trị: Thông thường bệnh nhi sẽ được điều trị bằng thủ thuật bơm hơi để tháo lồng, nhưng 1 số trường hợp trẻ đến trễ trên 24h hoặc thủ thuật tháo lồng thất bại thì sẽ được phẫu thuật tháo lồng.

Bệnh nhi Đ.K.V, 7 tháng tuổi được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Quốc tế Vinh cách lúc khởi bệnh 4 tiếng với các triệu chứng: Đau bụng và nôn ói nhiều. Qua thăm khám và siêu âm bé được chẩn đoán: Lồng ruột cấp. Bác sĩ chỉ định tháo lồng bằng phương pháp bơm hơi.

Quá trình bơm hơi được thực hiện 3 lần mà khối lồng vẫn chưa tháo được nên các bác sỹ hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi tháo khối lồng ruột để tránh nguy cơ gây hoại tử ruột.

Cuộc mổ diễn ra khoảng 45 phút. Phẫu thuật viên vào bụng bằng 3 trocar: Rốn, hạ vị và hố chậu trái, quan sát thấy khối lồng là lồng hồi manh đại tràng, khối lồng chặt gây xuất huyết trong ổ bụng. Quá trình tháo lồng diễn ra khó khăn do ruột thừa chui vào khối lồng gây thiếu máu bầm tím ruột thừa. Tiến hành cắt ruột thừa, khâu cố định manh tràng vào thành bụng và khâu cố định hồi tràng vào manh tràng. Rút và đóng các lỗ trocar.

Sau mổ bệnh nhi hết nôn và đau bụng, bú mẹ tốt, trung đại tiện được, vết mổ khô, đang tiếp tục được điều trị, theo dõi và hồi phục tại khoa Ngoại.

Do chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân dẫn tới bệnh lồng ruột nên chưa có các biện pháp dự phòng căn bệnh này. Vì thế khi trẻ có các biểu hiện bất thường nghi ngờ trẻ bị lồng ruột, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa để kịp thời xử lý, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP