Pháp luật

Lời khai của cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công thương về việc từng được nữ đại gia khoe sổ đỏ và tặng nhà

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) và các bị cáo liên quan diễn ra sáng 28/5, bị cáo An khai về mối quan hệ với bà Trần Thị Loan Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt) và cho biết: “Bà Phương từng khoe với bị cáo có rất nhiều “sổ đỏ” và nói tặng nhà cho bị cáo”.

Theo lời khai của bị cáo An, trước khi xảy ra vụ án này, bà Phương từng khoe với bị cáo có thể kiếm được 30 tỷ đồng một tháng. Và đã có lần, bà Phương cầm rất nhiều sổ đỏ xòe ra trước mặt bị cáo và nói sẽ tặng cho bị cáo một sổ đỏ tùy chọn, nhưng bị cáo không lấy.

Bị cáo An thừa nhận đã giúp đỡ bà Phương rất nhiều trong quá trình kinh doanh. Do đó, khi bị cáo nói đang tìm mua nhà để mua thì bà Phương chủ động nói sẽ giúp. Sau khi bị cáo tính toán, bị cáo thấy còn thiếu 9 tỷ đồng nên chỉ lấy khoản tiền này của bà Phương. Trong đó, bị cáo vay bà Phương 4 tỷ đồng.

Giải thích lý do chưa trả số tiền 4 tỷ đồng đã vay của bà Phương, bị cáo An trình bày, vì bà Phương đang trốn truy nã, sau đó bị bắt vì liên quan đến vụ án khác.

Bị cáo Nguyễn Lộc An được dẫn giải tới phiên tòa.

Trình bày về quan hệ với bị cáo Trần Tuấn Quỳnh (chủ doanh nghiệp), bị cáo An cho hay, hai người là bạn thân. Tháng 7/2015, An rủ Quỳnh đi xem nhà và khi đó Quỳnh nói với An, thiếu đâu sẽ giúp. An hỏi vay Quỳnh 5 tỷ đồng và sau đó Quỳnh chuyển cho An số tiền trên.

Sau lời khai của bị cáo An, Hội đồng xét xử cho biết, bà Phương đã có đơn tố giác bị cáo An về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên hôm nay bà Phương không thể đến tòa để đối chất do đã bị bắt trong một vụ án khác.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1 đến tháng 9/2015, bị cáo An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu đối hai doanh nghiệp.

Hai bị cáo Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga tại phiên tòa.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo An biết rõ hai doanh nghiệp không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Nhưng với động cơ cá nhân, bị cáo An đã chủ động gợi ý doanh nghiệp đưa tiền để hợp thức các thủ tục có điều kiện cho họ.

Từ đó, bị cáo An đã nhận hơn 14 tỷ đồng của hai doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu và giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định.

Liên quan đến hành vi nhận hối lộ của bị cáo An, bà Trần Thị Loan Phương đã đưa hối lộ cho bị cáo An số tiền 9,2 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh đưa hối lộ cho bị cáo An 5 tỷ đồng.

Trình bày tại tòa, bị cáo Quỳnh vừa khóc vừa kể về tình cảnh bệnh tật của bản thân. Bị cáo Quỳnh khai, bị cáo và bị cáo An là bạn thân. Bị cáo An cũng là người giúp đỡ bị cáo rất nhiều trong quá trình kinh doanh. “Thực sự lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ là bạn bè thì khi mua nhà ai cũng vay tiền. Nhưng sau khi được cơ quan điều tra giải thích, bị cáo nhận thấy hành động của mình là vi phạm pháp luật”, bị cáo Quỳnh vừa khóc vừa trình bày.

Theo cáo trạng, do Công ty Bách Khoa Việt có nhiều khoản nợ ngân hàng, nợ thuế và phải thanh toán tiền mua hàng để kinh doanh, trả lương nên tháng 2/2019, bị cáo Trần Trác Việt Đức (Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty) đã chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng công ty) nhiều lần chi sử dụng không đúng mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng.

Việc này khiến Công ty Bách Khoa Việt bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Đến tháng 4/2021, Bộ Tài chính có thông báo và công văn đề nghị, đôn đốc Công ty Bách Khoa Việt thực hiện nghĩa vụ nộp hơn 107 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Nhưng đến ngày 27/5/2021, công ty chỉ nộp được hơn 1,6 tỷ đồng, không còn khả năng nộp lại hơn 105 tỷ đồng còn lại, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP