Trong nước

Lời dạy “chỉnh đốn lại Đảng” và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

1. Lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đã từ biệt thế giới này, lên đường theo tổ tiên và đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bản Di chúc lịch sử, căn dặn những công việc lớn lao và cũng là những ước nguyện của Người: Phải hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn. Phát triển kinh tế - xã hội chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau; và những công việc quan trọng khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cao đẹp nhất, “đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 9-9-1969). Trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước anh linh của Người, thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã đọc 5 lời thề nguyện đưa ngọn cờ cách mạng Hồ Chí Minh đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Từ sau ngày Bác đi xa, cả nước một lòng nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Suốt 50 năm qua, thực hiện Di chúc thiêng liêng và lời thề tâm huyết, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc viết tiếp những trang sử hào hùng và vẻ vang, đến hôm nay có thể tự hào báo công với Bác kính yêu: Với chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam, đã giành toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc ngày 30-4-1975; Đã lãnh đạo nhân dân cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả với các nước bạn; từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, kể cả những hạn chế, khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận đi đến hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng (12-1986); lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Để rồi, đất nước hiện đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần. Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Vị thế Việt Nam ngày càng có uy tín lớn trên thế giới....

Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn, ngay sau khi đất nước thống nhất, việc cần phải làm trước tiên là “chỉnh đốn lại Đảng”. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Làm theo chỉ dẫn của Bác, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao. Phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới. Niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bước trưởng thành và tiến bộ về mọi mặt. Tuy vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cần phải nghiêm khắc nhận lỗi trước anh linh Bác Hồ và quyết tâm sửa chữa. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) đã đề ra những giải pháp toàn diện, đồng bộ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã xử lý kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

3. Cùng với siết chặt kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng chú trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là sự gương mẫu, đi đầu trong hành động, thuộc phạm trù đạo đức cách mạng và cũng là phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, nâng cao tính tiên phong, bản chất cách mạng, khoa học của Đảng và phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo cao cấp (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương). Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (10-2018) đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương đó.

Trước hết, cán bộ, đảng viên phải là tấm gương tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với mục tiêu, con đường cách mạng gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn và đã dứt khoát từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dù khó khăn, gian khổ, hy sinh, dù thế giới có đổi thay, lý tưởng và con đường đúng đắn đó mãi mãi soi sáng nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là gương mẫu thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhất trọng trách, nhiệm vụ được giao. Suốt đời phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc và sự nghiệp của Đảng lên trên hết, trước hết. Nâng cao trách nhiệm trước công việc được giao, cũng là trách nhiệm trước Đảng, đất nước và nhân dân.

Gương mẫu về đạo đức, lối sống, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Khiêm tốn, giản dị, không bị lợi ích vật chất cám dỗ, hòa đồng và thấu hiểu con người, sống với nhau có tình có nghĩa, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Nêu gương về đạo đức, lối sống góp phần quan trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Luôn luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phấn đấu từ trí tuệ, năng lực, nhân cách của chính mình, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, tham vọng quyền lực, lợi dụng chức quyền để trục lợi, xếp đặt chức quyền cho người nhà, người thân. Sẵn sàng từ chức khi không có đủ năng lực, uy tín hoặc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình.

4. Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, là bước phát triển rất quan trọng trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-5-2016 và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến tự giác thực hiện của mỗi người, là bảo đảm bồi đắp vững chắc tính tiền phong của Đảng và phẩm chất cao quý của cán bộ, đảng viên, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Sinh thời, Bác Hồ vẫn thường nhắc câu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, coi đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mùa xuân mới đã về, hy vọng trong xã hội có được nhiều lời khen chân thành như thế.

Tác giả: PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP