|
Dùng 100 tỷ đồng tham ô mua biệt thự, xe sang
Viện VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM) và Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm, cùng về tội "Tham ô tài sản" và "Rửa tiền".
Ngoài ra, vợ bị can Quân là Nguyễn Trần Ngọc Diễm bị truy tố về tội "Rửa tiền".
Theo cáo trạng, từ năm 2016-2020, bị can Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập các công ty "sân sau". Các công ty này sau đó lập các hợp đồng mua bán khống lòng vòng trong nhóm để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn thị trường.
Bị can Nguyễn Minh Quân (trái) và Nguyễn Văn Lợi tại Cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an |
Bị can Quân cũng sử dụng 3 trong nhóm 4 công ty do Lợi quản lý để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi cố tình làm một hồ sơ có tiêu chí tốt hơn hai bộ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.
Bị can Quân còn lợi dụng vị trí người đứng đầu bệnh viện để chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền, thành viên các tổ chấm thầu ký hợp thức hóa hồ sơ thầu, "thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không bảo đảm minh bạch trong hoạt động đấu thầu".
Kết quả điều tra xác định từ năm 2016-2020, nhóm 4 công ty do Lợi quản lý đã tham gia đấu thầu và mặc định là đơn vị trúng 27/28 gói thầu tại Bệnh viện TP Thủ Đức, tổng giá trị hơn 345,2 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí lương, lãi vay ngân hàng, thuế..., số tiền cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức chiếm đoạt là 103,6 tỉ đồng.
Bị can Quân chỉ đạo Lợi phải chuyển khoản số tiền trên hoặc đưa tiền mặt cho vợ chồng ông ta. Sau đó, Quân dùng tiền tham ô để mua biệt thự tại trung tâm TP HCM, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và "siêu xe". Ông Quân không đứng tên mua, không đứng tên sở hữu tài sản nhưng là người quyết định mua những tài sản này.
Cụ thể, vợ chồng Quân mua thửa đất ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức với giá 11,8 tỉ đồng. Sau đó, Quân chuyển nhượng khu đất trên cho người khác với giá 19 tỉ đồng. Số tiền thu được, bị can dùng để "chạy án" song bất thành.
Vợ chồng Quân còn mua căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc Dự án Vinpearl Golf land Resort & Villas (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với giá trên hợp đồng là 18,5 tỉ đồng, căn biệt thự thuộc dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (quận 1, TP HCM) với giá 99,6 tỉ đồng.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm cũng mua 2 ô tô sang hiệu Audi Q7 và Mercedes S450.
|
Nhóm bị cáo bị cáo buộc chạy án cho Cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức tại phiên tòa ngày 17-9-2022 |
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Quân phạm vào tội "Tham ô tài sản" và "Rửa tiền". Tuy nhiên, Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới nên cần xử lý nghiêm.
Hành vi của Diễm được xác định là phạm vào tội "Rửa tiền" với vai trò đồng phạm, giúp sức, phục tùng theo sự chỉ đạo của chồng.
Làm thất thoát lãng phí đất công
Ông Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam. |
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các ông Huỳnh Thế Năng và Đinh Trường Chinh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Huỳnh Thế Năng nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, còn ông Đinh Trường Chinh nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, công an xác định hai ông Huỳnh Thế Năng và Đinh Trường Chinh đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan và thu hồi tài sản thất thoát cho nhà nước.
|
Ông Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và khu đất vàng có 2 mặt tiền tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP HCM. |
Chiếm đoạt hơn 3.000 tỷ đồng đổ lỗi cho em gái
Bị can Trịnh Văn Quyết khi chưa bị khởi tố |
Ngày 28-10, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty liên quan.
Vụ án do Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, cùng đồng phạm thực hiện.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định trong thời gian từ ngày 26-5-2017 đến 10-1-2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội và khởi tố 20 bị can, gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Thu Thơm, Bùi Ngọc Tú, Trần Thị Lan, Quách Thị Xuân Thu, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Văn Nam, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Hồng Dung, Trịnh Thị Thanh Huyền, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Huệ và Đỗ Thị Huyền Trang về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Riêng thời gian từ năm 2014-2016, các cổ đông chỉ góp hơn 1.197 tỉ đồng vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng Faros. Nhưng, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan lập, ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn hơn 3.102 tỉ đồng, qua đó làm tăng khống vốn chủ sở hữu lên 4.300 tỉ đồng. Sau đó, đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của của công ty này trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM để bán, chiếm đoạt gần 3.000 tỉ đồng của nhà đầu tư.
|
Cơ quan điều tra khám trụ sở FLC hồi cuối tháng 3-2022. Ảnh: Báo CAND |
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội và bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và Hương Trần Kiều Dung; quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thiện Phú về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đáng chú ý, ban đầu, bị can Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo Huế và đồng phạm thực hiện hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán". Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra khởi tố bổ sung hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cựu chủ tịch FLC thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đổ lỗi cho Huế và những người khác.
Ngày 28-10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã hành kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện KSND Tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Gây thiệt hại 13 tỷ đồng được lại quả 1 tỷ đồng
Bị can Hoa Công Hậu, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh |
Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Hoa Công Hậu, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh; Lê Thành Lữ, cựu Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế; Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch HĐTV Công ty NSJ và 9 người khác cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Hai cựu cán bộ Sở Y tế Tây Ninh bị cáo buộc tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, biết Sở Y tế tỉnh Tây Ninh có nhu cầu trang bị hệ thống CT Scanner 128 lát cắt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, tháng 7-2017, Hoàng Thị Thúy Nga cùng Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Phó Ban Quan hệ khách hàng NSJ, đã đến gặp Hoa Công Hậu.
Bị can Nga đặt vấn đề bán hệ thống CT Scanner của hãng Siemens Healthcare do NSJ làm đại diện phân phối chính thức. Được sự ủng hộ của Hậu, Nga và Phúc đã gặp Lữ, báo giá thiết bị trên 28 tỉ đồng.
Lữ yêu cầu Công ty NSJ cung cấp báo giá của các công ty khác nhau đối với loại máy này, để tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế Tây Ninh. Do đó, Nga chỉ đạo cấp dưới lập khống các bảng báo giá của 4 công ty, chỉ NSJ báo giá đầy đủ rồi chuyển hồ sơ cho bị Lữ.
Lê Thành Lữ đã tham mưu cho Hoa Công Hậu ký tờ trình trình UBND tỉnh Tây Ninh, đồng thời gửi Sở Tài chính, đánh giá hệ thống CT 128 lát cắt có nhiều ưu điểm so với các hãng khác và đề xuất chấp nhận trang bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giá khoảng 28 tỉ đồng.
Ngày 1-12-2017, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ký quyết định giao bổ sung dự toán chi ngân sách tỉnh năm 2017 cho Sở Y tế, số tiền 28 tỉ đồng để mua máy CT Scanner 128 lát cắt từ nguồn sự nghiệp y tế của ngân sách tỉnh.
Cơ quan tố tụng xác định giá trị máy chụp do NSJ cung cấp là hơn 14 tỉ đồng. Do đó, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 13 tỉ đồng.
|
Bị can Lê Thành Lữ, cựu Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế |
Ông Hậu bị cáo buộc đã chỉ đạo và trực tiếp ký các văn bản xin chủ trương mua sắm, tổ chức đấu thầu mua máy chụp CT cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; là người chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Từ năm 2018-2020, sau khi NSJ trúng thầu, bị can Hậu đã 3 lần nhận quà biếu của Công ty NSJ, tổng giá trị 1 tỉ đồng; còn bị can Lữ cũng 3 lần nhận quà biếu với tổng số tiền 600 triệu đồng. Cơ quan tố tụng cáo buộc cả hai người có yếu tố "vụ lợi" trong vụ án.
Cựu lãnh đạo Saigon Co.op gây thất thoát 115 tỷ đồng
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung (lần 4) vụ án xảy ra tại Saigon Co.op, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP HCM, đề nghị truy tố bị can Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cùng 8 bị can khác.
Theo đó, bị can Diệp Dũng cùng với 4 bị can: Võ Thành Trung, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đô Thị Mới; Tôn Thất Hào, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Đại Á; Nguyễn Thành Nhân, nguyên Tổng giám đốc Saigon Co.op và Hồ Mỹ Hòa, Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op, bị đề nghị truy tố về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Bốn bị can còn lại gồm: Trần Trung Liệt, Hàng Thanh Dân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Phạm Thị Minh Ngọc bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
|
Bị can Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), khi chưa bị khởi tố |
Như vậy, trong kết luận điều tra bổ sung lần 4 này, Công an TP HCM đã chuyển tội danh 2 bị can Nguyễn Thành Nhân và Hồ Mỹ Hòa từ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân TP HCM đã yêu cầu Công an TP HCM làm rõ một số vấn đề quan trọng trong vụ án, trong đó có tội danh và nhiều vấn đề về tài chính.
Tháng 9-2015, ông Diệp Dũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Sau khi nhận nhiệm vụ, từ giữa năm 2016 đến tháng 3-2018, ông Diệp Dũng đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 1.000 tỉ đồng của Saigon Co.op để hợp tác đầu tư với Big C và các công ty đối tác.
Sau đó, việc kinh doanh không đạt hiệu quả như ý muốn. Hành vi của ông Diệp Dũng đã gây thiệt hại cho Saigon Co.op số tiền 115,6 tỉ đồng.
Tại kết luận điều tra bổ sung lần 4, Công an TP HCM cho biết ông Diệp Dũng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình gây thiệt hại cho Saigon Co.op. Bên cạnh đó, ông Diệp Dũng đã bổ sung hồ sơ về thành tích trong công tác, là con liệt sĩ.
Tác giả: A.Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động