Kinh tế

Lỗ gộp, dòng tiền âm, Vietjet Air nói gì?

Có lãi hợp nhất gần 122 tỷ đồng nhưng trong mảng kinh doanh chính, Vietjet vẫn lỗ gộp 2.882 tỷ đồng, dòng tiền âm trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

Đầu tư tài chính đạt lợi nhuận cao

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã chứng khoán: VJC) đã chính thức công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên đã được soát xét bởi hãng kiểm toán PwC Việt Nam.

Theo đó, trong nửa đầu năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet Air ghi nhận đạt 7.556 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và giảm 10% so với báo cáo tài chính do hãng tự lập trước đó.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất vẫn đạt gần 122 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này lại sụt giảm 5% so với số liệu tự lập của Vietjet Air. Dù thế, so với kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành hàng không, việc có lãi của Vietjet vẫn là khả quan.

"Nguyên nhân cho sự biến động này là do Vietjet đánh giá lại một số chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi nhận giảm trích trước chi phí, giảm chi phí phân bổ và nhờ đánh giá lại các khoản thu nhập tài chính" - lãnh đạo Vietjet Air nêu trong văn bản giải trình.

Theo VietJet Air, việc doanh nghiệp có lãi tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ bất chấp doanh thu sụt giảm là nhờ vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính bù đắp hàng không. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

Số liệu tại BCTC thể hiện doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đã tăng gấp 3 lần lên 3.776 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản thu nhập liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn tại Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star cho các bên liên quan.

Vietjet Air đã triển khai ký kết đầu tư và chuyển nhượng cổ phần của Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star cho các bên liên quan với tổng giá trị 5.184 tỷ đồng. Theo các thỏa thuận chuyển nhượng, khoản phải thu này sẽ được thanh toán trong thời hạn 30 tháng. Tại ngày phê chuẩn BCTC hợp nhất giữa niên độ này, Vietjet Air đã nhận được 1.598 tỷ đồng từ thương vụ trên.

Nhìn chung, mảng đầu tư tài chính được Vietjet khẳng định đang đạt được lợi nhuận cao.

(Nguồn: BCTC soát xét của Vietjet Air).

Bên cạnh đó, hãng bay này cũng cho biết, đang tiếp tục quản lý tốt chi phí của mình thông qua các chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa chi phí khai thác theo giờ bay giảm bình quân chi phí hoạt động 71%, giảm chi phí bán hàng và hành chính 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 và 4 đã làm sụt giảm mạnh doanh thu vận tải hàng không. Mặc dù vậy, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện hơn 34.000 chuyến bay.

Vào giai đoạn khai thác hành khách thấp, hãng đã tận dụng nguồn lực để tập trung hoàn thiện các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa; tương ứng kết quả trong kỳ đã thực hiện vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40 - 45% so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề về dòng tiền và lưu ý từ kiểm toán

Tại ngày 30/6, Vietjet có 25.202 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong số đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tới 21.974 tỷ đồng. Tương tự, trong số 24.654 tỷ đồng tài sản dài hạn thì các khoản phải thu dài hạn chiếm 17.305 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục rơi vào trạng thái âm 3.698 tỷ đồng (cùng kỳ dòng tiền âm 2.049 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 1.396 tỷ đồng.

(Nguồn: BCTC soát xét của Vietjet Air).

Nêu ý kiến với BCTC của Vietjet, kiểm toán viên PwC lưu ý về các diễn biến của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Trong phần thuyết minh, Vietjet cũng thừa nhận sự lan rộng của dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đã và đang tác động đến nền kinh tế thế giới, bao gồm cả ngành hàng không. Ở Việt Nam, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 vào hồi tháng 5 gây ra bởi biến thể Delta đã lan ra hầu hết các tỉnh thành, gây nhiều khó khăn và thách thức đối với doanh nghiệp, trong đó có tập đoàn này.

Các quy định về hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới được thực hiện ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới dẫn đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và dòng tiền của Vietjet Air.

Theo đó, Vietjet đã báo cáo khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh hàng không là 2.882 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

"Giả định về hoạt động liên tục của tập đoàn cơ bản phụ thuộc vào khả năng tập đoàn tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và các giải pháp khác để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Những điều kiện này cùng với sự ảnh hưởng của các quy định hạn chế đi lại của các quốc gia và khả năng phục hồi của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa các quốc gia cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể làm ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Kết luận của chúng tôi không bị thay đổi do vấn đề này", kiểm toán PwC nhấn mạnh.

Tuy vậy, về phía Vietjet, hãng cho hay, đối mặt với đại dịch Covid-19, tập đoàn đã thực hiện một số giải pháp trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Bên cạnh đó, hãng tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh để giải quyết các vấn đề về dòng tiền.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo Vietjet Air, có nhiều tín hiệu lạc quan về việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, dự kiến các đường bay quốc nội và quốc tế sẽ được vận hành dần trở lại lần lượt vào quý IV năm nay và cuối quý I/2022. Vietjet dự kiến, thị trường hàng không dự kiến sẽ dần hồi phục vào cuối năm 2022 và đạt tăng trưởng từ năm 2023.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ việc ban hành Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, Nghị quyết 1148 về giảm thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít áp dùng từ 1/1 đến 31/12/2021, Nghị quyết 84 về việc hạ chi phí hạ cất cánh được giảm từ 50% từ tháng 3 đến tháng 9/2020 và đang được Bộ GTVT kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng chính sách này tới hết năm 2021, Vietjet cho biết đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp khác để ứng phó và giảm tối đa tác động từ bên ngoài.

Về quản lý nguồn vốn lưu động, Vietjet cho hay đã thành công trong việc đàm phán với các ngân hàng và một số bên cho thuê tàu bay về nguồn tài chính để cơ cấu lại khoản chi phí thuê và thời gian thanh toán tiền thuê hoạt động tàu bay.

Hiện tại, tập đoàn đang tiếp tục thương lượng với các bên cho thuê tàu bay còn lại về các điều khoản trả một phần tiền thuê cũng như gia hạn thời hạn thanh toán trong một khoản thời gian dài hạn hơn cho đến khi ngành hàng không phục hồi.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP