Kinh tế

Vietjet Air và Bamboo Airways xin vay ưu đãi 4.000 - 5.000 tỉ đồng

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT đề nghị hỗ trợ tín dụng cho Vietjet 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 và Bamboo Airways vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng, vay dài hạn 5.000 tỉ đồng.

Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù lỗ. Vietjet, Bamboo Airways xin vay gói "giải cứu" 4.000 - 5.000 tỉ đồng - Ảnh: C.TRUNG

Theo VABA, ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỉ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỉ đồng so với năm 2019.

Hiện thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng, doanh thu dịp cao điểm tết của các hãng cũng giảm bình quân 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.

Do năm 2020 các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền, nên năm 2021 các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền giai đoạn thấp điểm sau tết.

Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không.

Ông Bùi Doãn Nề - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VABA - đề xuất mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Trước đó, Vietnam Airlines đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỉ đồng, vì thế VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không, trong đó có Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này.

Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỉ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

Ngoài ra, VABA tiếp tục đề xuất giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900 - 1.000 đồng/lít, đồng thời gia hạn thời hạn nộp nhiều loại thuế.

VABA cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cắt margin với cổ phiếu các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không và du lịch, dù doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ.

VABA cho rằng các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể tự đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và rủi ro trong sử dụng margin khi quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo tìm hiểu, hiện nay có 90 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Trong đó Vietnam Airlines (HVN) là hãng bay duy nhất đang bị cắt margin, với nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020, hãng hàng không quốc gia đạt doanh thu 40.826 tỉ đồng, giảm gần 59% so với năm trước, đồng thời lỗ ròng sau thuế 11.097 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2.537 tỉ đồng.

Trải qua năm 2020 đầy sóng gió, nhưng Hãng hàng không giá rẻ Vietjet vẫn đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 70 tỉ đồng, trở thành một trong số ít hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận dương.

Bamboo Airways cũng báo lãi trước thuế năm 2020 đạt 400 tỉ đồng và đặt mục tiêu gia tăng thị phần từ mức 20% hiện nay lên 30% trong năm 2021.

Tác giả: C.TRUNG - B.MAI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP