Kinh tế

Liên tục bị "réo tên" nợ thuế, Tecco đang chìm xuống đáy?

Tecco là một trong những doanh nghiệp đời đầu trên thị trường bất động sản Việt Nam, chuyên phát triển các dự án chung cư. Đây được xem là “quân bài” đã làm nên tên tuổi của Tecco suốt thời gian dài. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, “quân bài” này cũng chính là lý do khiến Tecco tự đẩy mình xuống đáy.

Tạo chỗ đứng từ "chung cư"

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tecco (Tecco) được thành lập vào tháng 12/2001, do ông Nguyễn Thế Mạnh làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có trụ sở chính tại phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Trong đăng ký kinh doanh, Tecco xác định doanh nghiệp hoạt động đa nghề, song lĩnh vực tập trung chủ yếu vẫn là đầu tư xây dựng - kinh doanh bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng.

Chính vì vậy, sau hành trình hơn 20 năm phát triển, Tecco đã sở hữu cho mình bộ sưu tập hơn 60 dự án bất động sản trải dài trên 18 tỉnh thành từ Lào Cai đến Kiên Giang. Trong đó, phần lớn là các dự án chung cư như: Tecco Garden, Tecco SkyVille, Tecco Diamond Thanh Trì (Hà Nội); Tecco Central Home, Tecco Green Nest, Tecco Town Bình Tân, Tecco Đầm Sen, Tecco Tower Linh Đông - Trụ sở Tecco, Fresia Garden (TP.HCM); Tecco Green View, Tecco Bến Thủy, Tecco Nam Thanh - Cửa Nam, Phú Gia Khang, Tecco Tân Thịnh, Tecco Phúc Thịnh (Nghệ An) cùng nhiều dự án chung cư tại các tỉnh thành khác.

Ngoài ra, Tecco còn có 4 dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt tay cùng các đơn vị hàng đầu trên thị trường.

Việc đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản, nhất là các dự án chung cư từ những ngày đầu thành lập đã giúp Tecco nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường địa ốc. Bởi phân khúc chung cư không đòi hỏi lượng vốn đầu tư quá lớn, theo đó sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn. Thêm vào đó, trong bối cảnh đất chật người đông, nguồn cung nhà ở không đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người dân thì chung cư được đánh giá là phân khúc có tính thanh khoản tốt, chỉ cần có hàng là sẽ bán hết.

Vì vậy, doanh nghiệp này dù không rầm rộ, không ồn ào quảng bá, thậm chí là khá "kín tiếng" trong chiến lược truyền thông, song nhiều dự án chung cư tại các thành phố lớn luôn được khách hàng săn đón. Đặc biệt, với việc tập trung vào phân khúc tầm trung, phù hợp với túi tiền các gia đình có thu nhập trung bình, dòng chung cư của Tecco giai đoạn đầu có tỷ lệ giao dịch tốt. Đó cũng là lý do, chung cư được xem là "quân bài" đã làm nên tên tuổi của Tecco suốt thời gian dài.

Lối mòn và thách thức

Thành công từ chiến lược đẩy mạnh phát triển chung cư tại các thành phố lớn đã khiến Tecco nhanh chóng mở rộng tham vọng, thực hiện cuộc viễn chinh đến các tỉnh lẻ. Vẫn "quân bài" cũ, các dự án chung cư tiếp tục xuất hiện một cách nhẹ nhàng, trầm lắng với lượng thông tin quảng cáo ít ỏi.

Tuy nhiên, trong hành trình "bài binh bố trận" tại các thị trường tỉnh lẻ, Tecco không còn làm chủ cuộc chơi như trước. Bởi thị trường bất động sản tại đây không giống với các thành phố lớn. Nhu cầu nhà ở tại đây chủ yếu vẫn là nhà đất, chung cư phần nhiều chỉ mang tính đầu tư.

Chưa kể, thị trường bất động sản những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhu cầu của khách hàng không đơn thuần chỉ là một căn nhà "che mưa, che nắng", đó còn phải là không gian sống đi kèm đầy đủ tiện tích, với lối thiết kế hiện đại.

Thế nhưng, các dự án của Tecco dường như không có sự đổi mới. Các loại hình sản phẩm vẫn mờ nhạt, thiếu sự độc đáo, cách thức vận hành cũ kỹ cùng nhiều bê bối về pháp lý.

Đơn cử như cuộc viễn chinh vào thị trường Thái Nguyên, Tecco gần như bị "sa lầy" hoàn toàn tại dự án Tecco Complex. Nguyên nhân được cho là do Tecco Complex thiếu vắng các tiện ích khiến sản phẩm khó thanh khoản.

Dự án Tecco Elite City của Tecco Group tại Thái Nguyên.

Khi nhận thấy được vấn đề của dự án, chủ đầu tư cũng đã đi lại nước cờ mới bằng việc đổi tên Tecco Complex thành một cái tên mỹ miều là Tecco Elite City và xây dựng lại hình ảnh. Theo đó, giai đoạn đầu Tecco Complex chỉ được định vị là sản phẩm bình dân nhưng sau thời gian dài ế ẩm, Tecco đã biến Tecco Complex thành dự án cao cấp Tecco Elite City với đầy đủ các tiện ích như hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa, trung tâm thương mại, Shophouse, phòng tập Gym, Yoga…

Nhưng đáng tiếc, màn biến hóa này vẫn không cứu được Tecco Elite City trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng". Đặc biệt, với việc chuyển sang phân khúc cao cấp đã khiến cho mức giá tại Tecco Elite City tăng cao, vượt ngoài khả năng chi trả của phần lớn người dân Thái Nguyên. Cùng với đó, dự án cũng từng gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý khiến cộng đồng cư dân tại đây gần như không còn hứng thú khi nhắc đến cái tên "Tecco Elite City".

Không chỉ Thái Nguyên, nhiều dự án của Tecco Group tại Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương cũng rơi vào cảnh tương tự khi không thể thoát được hàng do sản phẩm thiếu sự mới mẻ và pháp lý dự án dính nhiều sai phạm.

Ví dụ như dự án Tecco Home An Phú được thanh tra chỉ ra là huy động vốn trái phép; dự án Tecco Towers chưa được nghiệm thu công trình, hệ thống PCCC nhưng đã bàn giao cho cư dân; dự án chung cư Tecco Center Point dù chưa được cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công rầm rộ; hay Tecco Tower Bình Tân do thi công sai hồ sơ quy hoạch nên không được cấp sổ hồng cho cư dân...

Cư dân chung cư Tecco Tower Bình Tân căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng và đối thoại. (Ảnh: Kinhtedothi.vn)

Không thể phủ nhận những thành quả mà Tecco đã đạt được trong hành trình phát triển các dự án chung cư của mình. Nhưng nhìn vào sự vận động không ngừng của thị trường bất động sản thì việc tiếp tục viễn chinh đến các thị trường tỉnh lẻ theo lối mòn cũ có thể khiến Tecco nhận nhiều "trái đắng".

Trượt dài xuống dốc

Trên thực tế, sản phẩm khó thanh khoản, dự án không bán được hàng, tất cả đã được phản ánh vào bức tranh kinh doanh của Tecco trong những năm gần đây.

Theo các thông tin được công bố, năm 2015, doanh nghiệp này lỗ sau thuế 3 tỷ đồng. Năm 2016, lỗ hơn 9 tỷ đồng. Năm 2017, lỗ hơn 15 tỷ đồng. Đến năm 2018, Tecco lỗ hơn 26 tỷ đồng. Dù năm 2019 doanh nghiệp báo lãi sau thuế 21 tỷ đồng nhưng khoản lãi này vẫn không đủ để cho thấy sức khỏe doanh nghiệp cải thiện. Bởi nợ phải trả của doanh nghiệp vẫn luôn ở mức cao.

Năm 2015, Tecco có tổng nợ phải trả là 750 tỷ đồng, đến năm 2019 con số này đã lên tới 2.631 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần. Mặc dù, cơ cấu nợ có điểm tích cực khi dịch chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, tuy nhiên sự phình to nợ phải trả đã khiến Tecco có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng an toàn, lần lượt là: 4,2 lần trong năm 2017, 4,4 lần năm 2018 và 3,2 lần vào năm 2019.

Một điểm đáng quan ngại khác trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp là tiền và tương đương tiền rất thấp. Năm 2017 chỉ có khoảng 21 tỷ đồng, năm 2018 là 12 tỷ đồng và 39 tỷ đồng trong năm 2019. Điều này khiến hệ số thanh toán tức thời của Tecco luôn duy trì ở mức cực thấp trong giai đoạn trên, lần lượt là: 0,013 lần, 0,015 lần và 0,047 lần.

Trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, dù không có những con số cụ thể được công khai nhưng không loại trừ khả năng Tecco vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn do bối cảnh trầm lắng chung của thị trường bất động sản. Mặt khác, việc bị "sa lầy" tại nhiều dự án cùng lúc sẽ khiến kết quả kinh doanh của Tecco khó đi lên.

Cuối tháng 5/2024, doanh nghiệp này đã bị Chi cục Hải quan Khu chế xuất Linh Trung ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cụ thể, Tecco sẽ bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trong 1 năm (từ 22/5/2024 – 21/5/2025). Quyết định chấm dứt hiệu lực khi đơn vị đã nộp đủ thuế. Lý do cưỡng chế là Tập đoàn Tecco nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn theo công văn ngày 8/5/2024 của Chi cục thuế TP. Thủ Đức. Tổng số tiền cần bị cưỡng chế tại thời điểm ngày 8/5/2024 là gần 181 triệu đồng.

Liên quan về vấn đề nợ thuế, hồi tháng 2/2024, Cục thuế tỉnh Nghệ An cũng công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, đáng chú ý, trong danh sách này có 2 công ty liên quan đến Tập đoàn Tecco.

Trong đó, Tập đoàn Tecco chi nhánh Nghệ An đang nợ thuế với số tiền 13,9 tỷ đồng. Đây là một trong 5 chi nhánh của Tập đoàn Tecco, là chủ đầu tư loạt dự án tại TP. Vinh như chung Cư Phúc Thịnh, chung Cư Tân Phát, chung cư Green View 3, chung cư Nam Thanh, phường Cửa Nam, chung cư Tecco Tower – Bến Thủy, dự án chung cư Trường Thịnh tại 88 Võ Thị Sáu, dự án chung cư Green View 2 – Lê Lợi...

Còn Công ty cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land (Sài Gòn Land) tính đến hết tháng 1/2024 cũng nợ thuế hơn 6,2 tỷ đồng. Thời điểm đó, Sài Gòn Land đang trong thời gian bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn có thời hạn 1 năm từ ngày 13/6/2023 đến ngày 12/6/2024.

Theo quyết định của Cục thuế tỉnh Nghệ An tại thời điểm tháng 6/2023, Sài Gòn Land nợ thuế với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Với việc không chấp hành nộp tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, Sài Gòn Land bị ngành thuế Nghệ An ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Sài Gòn Land cũng là chủ đầu tư loạt dự án tại TP. Vinh như chung cư và Trung tâm thương mại Lotus; dự án nhà ở chung cư Glory Palace; dự án sân vận động và khu nhà ở tại Khối 13 phường Cửa Nam; dự án khu nhà ở dịch vụ tổng hợp Vinh Land tại xã Nghi Kim…

Có thể thấy, trong khó khăn, Tecco đang trượt dài xuống dốc. Doanh nghiệp này hiện không hé lộ bất cứ thông tin gì về hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tác giả: Hà Thương

Nguồn tin: reatimes.vn

  Từ khóa: tecco ,nợ thuế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP