Trong tỉnh

Lễ kỷ niệm 50 năm tái thiết thành phố Vinh

Sáng 28/4, tại thành phố Vinh, Hội Hữu nghị Việt – Đức tỉnh Nghệ An phối hợp Hội Kiến trúc sư Nghệ An và Nhóm Vinh xưa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm tái thiết thành phố Vinh (1/5/1974 – 1/5/2024).

Nghi lễ chào cờ tại lễ kỷ niệm

Tham dự lễ kỷ niệm có các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phan Đức Đồng – Bí thư Thành ủy Vinh; ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; nhà Vinh học Phạm Xuân Cần – người sáng lập Nhóm Vinh xưa; KTS Trần Ngọc Chinh – Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam; Kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh; Giáo sư Christina Schwehkel đến từ Đại học California Mỹ, tác giả cuốn sách “Nhà ở xã hội chủ nghĩa” cùng đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT, các sở ban ngành, Thành ủy, UBND thành phố Vinh, các xã phường.


Ông Lê Quốc Hồng – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Đức tỉnh Nghệ An đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm


Tại diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, ông Lê Quốc Hồng – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Đức tỉnh Nghệ An khẳng định, đô thị Vinh chính thức ra đời từ năm 1804, khi Vua Gia Long xuống chiếu cho di dời lị sở của tỉnh Nghệ An từ Lam Thành – Phù Thạch về Vinh. Dưới thời thuộc Pháp, Vinh – Bến Thủy trở thành một đô thị công nghiệp, kỹ nghệ và thương mại sầm uất bậc nhất Trung Kỳ.

Tuy nhiên, năm 1947, với tinh thần xả thân vì nước, thực hiện chủ trương tiêu thổ để kháng chiến, quân và dân thành phố Vinh đã phải tự tay phá huỷ hầu như tất cả các cơ sở hạ tầng đô thị, kinh tế, đân sinh, để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến: Thà biến thành gạch vụn để chờ nhau/ Quyết không chung trời đất với quân thù (Thơ Thạch Quỳ).

Năm 1963, thành phố Vinh tái thành lập. Thế nhưng, một lần nữa, thành quả mười năm xây dựng dưới hoà bình ngắn ngủi lại bị phá huỷ hoàn toàn bởi chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đề quốc Mỹ (1964 – 1972). Năm 1973, khi Vinh bước ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại, thành phố chỉ còn là những bãi hố bom bất tận. Cả Vinh hầu như không có một ngôi nhà nào nguyên vẹn nữa. Tất cả chỉ còn là hoang tàn và đổ nát.

Biểu diễn những bài hát về thành phố Vinh


Thế nhưng, lại một lần nữa, Vinh đã hồi sinh. Với sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa của Nhà nước và Nhân dân Cộng hoà Dân chủ Đức, thành phố đã được xây dựng lại. Ngày 22/10/1974, Hiệp định tái thiết thành phố Vinh đã được chính phủ hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Dân chủ Đức ký kết. Và, ngay lập tức tiền bạc, máy móc, phương tiện, nguyên vật liệu, công nghệ và đặc biệt 215 chuyên gia từ nước Đức xa xôi đã đến với Vinh. Không chỉ giúp đỡ quy hoạch lại tổng thể, toàn điện thành phố Vinh, các bạn Đức còn giúp đỡ xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ gần 30 công trình, dự án quan trọng ở Vinh và Nghệ An. Trong đó, công trình quan trọng nhất chính là xây dựng khu chung cư Quang Trung. Ngày 1/5/1974, công trình xây dựng khu Quang Trung chính thức được khởi công, đánh dấu sự khởi đầu quá trình tái thiết thành phố Vinh sau chiến tranh.

Với 21 dãy nhà 5 tầng, tổng số 35.593m2 diện tích ở, tương ứng với 1.552 căn hộ, đủ cho 9.000 người cư trú, cùng với hệ thống các dịch vụ giáo dục, thương mại, vui chơi giải trí khá hoàn thiện, khu Quang Trung là biểu tượng tươi sáng cho sự hồi sinh mạnh mẽ, nhanh chóng của thành phố Vinh sau chiến tranh. Không chỉ thế, khu Quang Trung còn được coi là khu đô thị hiện đại, tiện nghi bậc nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

Các cựu chuyên gia Đức đã gửi tới lễ kỷ niệm một bức thư xúc động, hồi tưởng về những năm tháng trên công trường xậy dựng thành Vinh


Khu chung cư Quang Trung đã hội đủ những giá trị tiêu biểu. Trước hết, đó là biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ của thành phố Vinh sau chiến tranh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Thứ hai, đó là biểu tượng trong sáng về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Đức, Sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em, thế nhưng, hầu như chỉ có Cộng hoà Dân chủ Đức mới giúp đỡ tái thiết cả một thành phố như thành phố Vinh. Thứ ba, khu chung cư Quang Trung là một mô hình cư trú hiện đại, tiện nghi, là niềm mơ ước của hàng vạn người dân đương thời. Nơi đây đã là tổ ấm, địa chỉ thân thương của hàng nghìn gia đình, hàng chục vạn lượt người. Thứ tư, khu chung cư Quang Trung là một mô hình xây dựng hội tụ nhiều giá trị về quy hoạch kiến trúc, về công nghệ xây dựng, ghỉ dấu ấn quan trọng trong lịch sử kiến trúc xây đựng Việt Nam. Với những giá trị đó, có thể nói rằng, khu chung cư Quang Trung là một di sản đô thị quan trọng bậc nhất của thành phố Vinh và Nghệ An kể từ sau năm 1975.

Ông Bùi Nam Giao – nguyên cán bộ của Sở Xây dựng Nghệ An, người đã tham gia vào công cuộc tái thiết thành phố Vinh chia sẻ những kỷ niệm

Sau 50 năm xây dựng và tồn tại, cho đến nay, khu chung cư Quang Trung đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Một mặt, những toà nhà đã hết hạn sử dụng, nhưng mặt khác, cuộc sống hiện đại cũng đặt ra nhu cầu cao hơn, xây dựng những mô hình cư trú hiện đại và tiện nghỉ hơn. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.

Khu chung cư Quang Trung đã và đang được phá bỏ để xây dựng lại những toà nhà khác đẹp đẽ, khang trang hơn, hiện đại hơn.

Tại buổi lễ, nhiều kỷ niệm, ý kiến của chính những người đã tham gia vào công cuộc tái thiết thành phố Vinh ngày ấy bày tỏ xúc động với mong muốn khu Quang Trung không chỉ là một phần lịch sử của thành phó Vinh, mà mãi mãi là ký ức của cư dân nơi đây. Nhớ về khu chung cư Quang Trung là nhớ về lịch sử, nhớ về quá khứ của mình và cũng là để ghi nhớ tấm lòng thơm thảo, sự giúp đỡ to lớn, vô tư, trong sáng của những người bạn Đức.

Kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – Cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh bày tỏ cảm ơn thành phố Vinh đã cho ông một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa này


Cũng tại buổi lễ, các cựu chuyên gia Đức đã gửi tới lễ kỷ niệm một bức thư xúc động, hồi tưởng về những năm tháng trên công trường xậy dựng thành Vinh. “Chúng tôi rất ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam và cũng tràn đầy hy vọng, các thế hệ trẻ thành phố Vinh sẽ xây dựng thành phố Vinh to hơn và đẹp đẽ hơn. Ngày nay được nhìn thành phố Vinh qua các tấm ảnh mới, các bạn đã làm được điều đó” trong thư có đoạn viết.

Kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges trao tặng cho thành phố Vinh bức tranh vẽ về quê Bác

Giáo sư Christina Schwehkel trao tặng cuốn sách Nhà ở xã hội chủ nghĩa cho thành phố Vinh


Kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – Cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh cảm ơn thành phố Vinh đã cho ông một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa này. Ông đã trao tặng cho thành phố Vinh bức tranh vẽ về quê Bác khi ông đang làm chuyên gia ở đây.

Bì thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng tặng hoa cho Kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges và Giáo sư Christina Schwehkel


Giáo sư Christina Schwehkel đến từ Đại học California Mỹ cũng trao tặng thành phố Vinh cuốn sách Nhà ở xã hội chủ nghĩa (bằng Tiếng Anh) viết về khu chung cư Quang Trung. Cuốn sách là thành quả 10 năm nghiên cứu và sinh sống tại thành phố Vinh của bà.

Ảnh: Võ Khánh

Tác giả: Hoàng Nguyên

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP