Du lịch

Lễ hội thịt chó tại Trung Quốc: giết cả vạn con

Lễ hội thịt chó tại thành phố Ngọc Lâm (Quảng Tây-Trung Quốc) thường diễn ra vào ngày 21.6. Năm nay, cuộc tranh luận về quyền động vật và khoan dung với các nền văn hóa khác nhau nóng hơn bao giờ hết.

Trong những lần tổ chức trước, đã có khoảng 10.000 con chó bị giết và ăn thịt trong suốt 10 ngày lễ hội.

Tại phương Tây, dư luận chia thành hai luồng quan điểm. Một bên phản đối lẽ hội, bên còn lại cho rằng lễ hội là nét truyền thống trong văn hóa Trung Quốc nên không thể dùng giá trị phương Tây để đánh giá.

Nên tôn trọng văn hóa khác?

Đài truyền hình CNN (Mỹ) ghi nhận hầu hết những người chỉ trích lễ hội Ngọc Lâm là vì họ không thể chấp nhận việc những con chó bị giam cầm, bị giết và cuối cùng là bị ăn thịt. Sẽ không có gì nếu họ là người ăn chay và ghét cảnh những con vật như heo, bò bị nhốt trong các trang trại phương Tây.

Nhưng nếu những lời chỉ trích đến từ những người thích ăn thịt hay thậm chí là những người ăn chay không kiêng sữa và bơ, những thực phẩm vốn được làm từ gia súc được nuôi nhốt trong điều kiện nghèo nàn, thì thật là đạo đức giả.

Tuy nhiên, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng nên tôn trọng giá trị của các nền văn hóa khác cũng đã phạm phải lỗi lười suy nghĩ như những người chỉ trích.

Theo CNN, đúng là chúng ta nên tôn trọng khác biệt trong các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, sự tôn trọng này cũng nên có giới hạn. Quá khoan dung sẽ dẫn đến hành động chiếu cố, châm chước cho hành động sai trái.

Phản đối bắt nguồn từ Trung Quốc

Trên thực tế thì các ý kiến phản đối lễ hội Ngọc Lâm lại bắt đầu từ Trung Quốc chứ không phải phương Tây. Đã có trường hợp như ông Yang Xiaoyun, một giáo viên về hưu, đã bỏ ra hàng nghìn USD để cứu những con chó và mèo lại lễ hội. Nhiều người nổi tiếng cũng đã lên tiếng phản đối lễ hội này.

Mặc dù ăn thịt chó là tập tục lâu đời tại Trung Quốc nhưng lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm chỉ được bắt đầu tổ chức từ năm 2009 và chính quyền địa phương hoàn toàn không ủng hộ hoạt động này.

Triết gia Julian Baggini cho biết trong một lần ông viết về lễ hội này, một người đã chỉ trích ông và thậm chí còn đánh giá rằng tất cả dân Hàn Quốc đều là kẻ ác vì họ đều ăn thịt chó.

Các tư tưởng "phân biệt chủng tộc" kiểu như vậy hiếm khi được công khai, nhưng dường như những người lên án lễ hội Ngọc Lâm đều mang định kiến rằng những người châu Á là “lạc hậu”, tàn nhẫn và không biết thông cảm với động vật. Một định kiến như vậy về người Trung Quốc đang được lan truyền khi mà nhiều người chấp nhận những câu chuyện không được kiểm chứng tràn lan trên mạng và thể hiện thái độ giận dữ của họ trên mạng xã hội.

Kiểm tra lại phản đối của bạn

Xem một đoạn phim ngắn mô tả một con chó bị đánh đập là không đủ để khiến chúng ta lên án một lễ hội, cũng giống như chúng ta biết rằng gia súc bị đối xử tàn tệ tại các lò mổ phương Tây nhưng cũng không thể vì vậy mà lên án cả ngành cung cấp thịt.

Vì vậy, CNN cho rằng những người phương Tây cảm thấy không thể chấp nhận được lễ hội Ngọc Lâm nên kiểm tra lại rằng hành động phản đối có dựa trên những giá trị mạnh mẽ hay không hay chỉ là dựa trên tình cảm dành cho những con vật dễ thương, thân thiện.

Ngoài ra, họ cũng nên chắc chắc rằng những câu chuyện mà họ nghe được là thực chứ không phải là có vẻ là thực.

Sau cùng, họ cũng nên tìm ra cách đúng đắn để thể hiện phản đối. Nhiều người cho rằng việc phương Tây gây áp lực bằng mạng xã hội đã khiến số lượng chó bị giết giảm xuống còn 1.000 con. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho biết điều gì đã dẫn đến số lượng chó bị giết đã giảm.

Đây là vấn đề của người Trung Quốc và nên để họ tự giải quyết. Bất cứ sự can thiệp vào từ phương Tây sẽ phản tác dụng.

Tác giả bài viết: Cẩm Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP