Thanh Hóa - những ngày tháng 2 tiết trời se lạnh. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ở đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), mẹ Khương Thị Chu quàng thêm chiếc khăn len vào cổ, bước chậm ra cổng đón khách.
“Tôi không còn được minh mẫn, mắt kém, trí nhớ không được tốt nữa”, bà bắt đầu câu chuyện. Thế nhưng, khi nhắc về người con trai Lê Đình Chinh, ký ức của người mẹ năm nay đã bước sang tuổi 86, tóc đã bạc trắng, ùa về.
Bà Khương Thị Chu. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Bà Chu quê ở Thạch Thất (Hà Tây cũ). Ông Lê Đình Tùng, chồng bà, quê gốc ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm 1955, ông Tùng về làm việc Nông trường Ba Vì sau khi tham gia chiến trường miền Nam. Hai ông bà gặp nhau tại đây và nên duyên vợ chồng.
Năm 1960, bà Chu sinh người con trai đầu, đặt tên Lê Đình Chinh. Vài năm sau, ông bà chuyển công tác về Nông trường Sông Âm (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Ngày ấy, cuộc sống ở nông trường miền núi rất khó khăn, vất vả. Ngoài việc học, Chinh lên đồi hái củi rồi về nhà nhóm lửa nấu cơm và giúp bố mẹ chăm sóc các em nhỏ.
Giấu bố mẹ xung phong nhập ngũ
15 tuổi, Chinh cao lớn, khỏe mạnh. Cậu còn là học sinh giỏi toàn diện của khối lớp 7, trường cấp 2 xã Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc) ngày ấy.
Liệt sĩ Lê Đình Chinh. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tết Ất Mão 1975 cận kề, Chinh giấu bố mẹ đi khám tuyển nghĩa vụ, xung phong lên đường nhập ngũ.
“Chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là nó hoàn thành chương trình học lớp 7. Chắc vì sợ bố mẹ buồn nên nó không dám nói ra ý định muốn phụng sự Tổ quốc của mình. Khi vợ chồng tôi biết chuyện, nó nằng nặc thuyết phục và cương quyết đòi đi, chúng tôi đành chấp nhận”, bà Chu kể.
Đúng ngày 16/2/1975, ăn Tết Ất Mão xong, Chinh khoác ba lô, mặc quần áo lính lên đường nhập ngũ. Hôm đó, bố mẹ đi họp ở nông trường, các em còn quá nhỏ, nên cậu không có người thân tiễn chân.
Sau thời gian huấn luyện ở Triệu Sơn (Thanh Hóa), Chinh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội biên phòng). Đơn vị của anh được điều động vào chiến trường Tây Nam, tham gia nhiều trận đánh chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới. Trong một trận chiến với địch, Chinh bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Khi bình phục, anh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục sát cánh cùng đồng đội.
Một ngày năm 1978, Lê Đình Chinh gửi điện về cho bố mẹ. Anh viết: “Con đang ở Xuân Mai, nhắn bà ngoại (ở Thạch Thất - PV) để con xin phép về chơi một hôm”. Vợ chồng bà Chu liền xin nghỉ việc cùng các con nhỏ tức tốc xuống TP Thanh Hóa rồi bắt tàu hỏa lên đường đi gặp con.
“Buổi tối thứ sáu, chồng tôi lên đơn vị đón thằng Chinh về đoàn tụ gia đình. Thấy con khỏe mạnh, chúng tôi mừng lắm. Nhà bà ngoại nuôi nhiều vịt, nó bảo làm thịt để ăn một bữa cho đã. Nó ăn khỏe lắm. Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay. Và hôm đó là lần cuối tôi được gặp con”, bà Chu ngậm ngùi.
Những ngày tháng 2, lòng mẹ lại quặn thắt. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Bà kể tiếp, vài hôm sau, đơn vị của Lê Đình Chinh được bí mật điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía bắc. Tình hình biên giới Việt - Trung thời điểm này rất phức tạp. Hay tin, bà Chu lo lắng và ngày nào cũng nghe đài theo dõi tình hình. Người mẹ ở hậu phương chỉ mong con trở về bình an. Thế nhưng, điều đó đã mãi mãi không thành hiện thực.
18h chiều 25/8/1978, đài tiếng nói phát bản tin người chiến sĩ tên Chinh hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đồng bào. Tin như sét đánh ngang tai, bà Chu nước mắt lưng tròng.
Ngày 30/8/1978, đơn vị của Chinh về gia đình gửi giấy báo tử và làm lễ truy điệu. “Đó có lẽ là những giây phút đau đớn nhất của cuộc đời tôi”, bà chia sẻ.
35 năm nằm lại nơi biên ải
Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 12, kể về ngày 25/8/1978 định mệnh đó, Lê Đình Chinh đi thăm hỏi đồng bào thì gặp một nhóm quân Trung Quốc vượt biên giới sang Việt Nam hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương.
Lúc này, Chinh đang ở dưới chân đồi. Anh cùng đồng đội xông lên giải vây và cứu được một nữ cán bộ tên Thuận đang ngất xỉu. Nghe tiếng kêu thất thanh của một đồng đội, anh tiếp tục quay lại giải cứu.
Giữa vòng vây của địch, Lê Đình Chinh bị đá ném vào gáy, máu chảy ướt áo nhưng anh vẫn xông lên chiến đấu. Trước quân số đông của kẻ thù, cuối cùng người chiến sĩ trẻ ngã xuống.
Lê Đình Chinh hy sinh khi mới 18 tuổi, anh là người lính đầu tiên hy sinh ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống quân xâm lược giai đoạn đó. Ngày 30/8/1978, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Đình Chinh
Hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh được đưa về quê nhà sau 35 nằm lại ở biên giới phía bắc. |
Thi hài anh ban đầu được an táng tại hang Muối, xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng, gần nơi hy sinh. Năm 1979, anh được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Đến ngày 5/1/2013, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa và gia đình cùng đại diện Ban liên lạc Trung đoàn 12 tổ chức đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh về quê nhà sau 35 nằm lại ở biên giới phía Bắc.
Mẹ Chu hôm đó đã khóc rất nhiều vì tâm nguyện cuối đời được đón thi hài con về quê hương trở thành hiện thực. “Tôi cố dặn lòng sự hy sinh của con có ý nghĩa lớn lao, là hy sinh vinh quang để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cứ đến dịp này, lòng tôi lại quặn thắt”, mẹ Chu nghẹn giọng, ánh mắt hướng về di ảnh con trai.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: zing.vn