Tuy nhiên, cô giáo Thuận Phương chia sẻ những câu chuyện "chạy chọt" để có được những vị trí tốt vẫn đang hằng ngày xảy ra trong ngành giáo dục.
Điều đó cho thấy, chuyện quà cáp, phong bì vẫn là thực tế đáng buồn vẫn còn tồn tại, gây bất công trong xã hội.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thời gian vừa qua, hưởng ứng lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ về việc không nhận quà, nhiều địa phương đã yêu cầu các trường học làm tờ trình báo cáo việc đơn vị mình có dùng tiền ngân sách đi quà cấp trên không?
Câu trả lời 100% là không. Mà nếu có (tiền ngân sách hoặc tiền túi) cũng chẳng ai dại gì khai ra “lạy ông tôi ở bụi này”. Chỉ nhìn những chuyện được liệt kê dưới đây để biết được chuyện quà cáp, phong bì vẫn còn tồn tại.
Chạy chọt bằng nhiều cách để xin chuyển trường
Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên như chế độ thu hút, chế độ bãi ngang… giúp nhà giáo những vùng khó khăn ổn định cuộc sống, yên tâm bám lớp bám trường.
Đây cũng là cơ hội vàng cho một số giáo viên lợi dụng để làm lợi riêng cho bản thân mình.
Chế độ thu hút dành cho những giáo viên đang giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn.
Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được hưởng những chính sách ưu đãi. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Ngoài một số địa bàn đặc biệt khó khăn như các xã dân tộc ở nhiều bản làng heo hút, nơi hải đảo xa xôi…, vẫn còn rất nhiều địa bàn “hưởng ké” chính sách này mặc dù nơi đây điều kiện kinh tế chẳng khác gì với những địa bàn khác trong vùng.
Có không ít nơi hai trường học nằm cách nhau chỉ hơn cây số nhưng có trường giáo viên được hưởng chế độ thu hút, trường lại không.
Nắm được điều này, không ít thầy cô đã “đi trước đón đầu” lấy lòng cấp trên bằng quà cáp, phong bì để xin chuyển trường về vùng đang được hưởng thu hút.
Chẳng phải do lòng nhiệt tâm, lòng yêu nghề mến trẻ như đơn thư trình bày trá hình mà vì một khoản tiền ưu đãi ban đầu được hưởng.
Ngoài một số ưu đãi ban đầu, hằng tháng mức phụ cấp cộng vào lương lên tới 70% mức lương được hưởng. Có giáo viên một tháng đã nhận thêm được tới dăm triệu đồng.
Điều đáng nói là khi xã phường nơi đây hết thời gian nhận tiền phụ cấp thu hút, cũng là lúc những giáo viên này khăn gói trở về lại nơi mình từng giảng dạy trước đây.
Một số thầy cô giáo giảng dạy lâu năm nơi này bức xúc:
“Chúng tôi được điều động đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không phải là giáo viên luân chuyển có thời hạn nên không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thu hút kéo dài áp dụng tại Nghị định 19/2013/NĐ-CP.
So với những thầy cô cơ hội kia thì thiệt thòi nhiều lắm”.
Với chế độ bãi ngang dành cho giáo viên công tác tại vùng bãi ngang ven biển cũng vậy. Nhiều giáo viên đã bằng mọi cách được chuyển về dạy tại vùng này để hưởng chế độ.
Trong một xã, phường, điều kiện kinh tế cũng chẳng vênh nhau nhiều nhưng mức ưu đãi giữa giáo viên ở vùng được gọi là bãi ngang so với giáo viên khác lại chênh nhau quá lớn. Đây chính là món mồi béo bở để giáo viên cơ hội thao túng.
Ngoài việc chuyển trường chạy chế độ, một số giáo viên xin chuyển trường để được nhàn hạ và thu nhập cao cũng không phải là ít.
Chẳng có giáo viên nào lại muốn dạy ở ngôi trường học dạy hai buổi/ngày, những trường học mang danh chuẩn quốc gia.
Bởi, giáo viên phải đi dạy khoảng 9 buổi/ tuần nhưng một tháng thu nhập thêm từ tiền phụ trội khoảng dăm trăm ngàn đồng.
Ngược lại, một số trường học hiện học một buổi/ngày, giáo viên chỉ đi khoảng 5 – 6 buổi/tuần một tháng thu nhập từ tiền phụ trội hơn triệu đồng, có trường hơn 2 triệu đồng/giáo viên.
Bởi thế, dạy trường một buổi hoặc không phải trường chuẩn là nơi nhiều người nhắm đến nhưng phần thắng luôn dành cho những ai “mạnh về gạo, bạo về tiền”.
Có giáo viên cứ vài năm lại chuyển một trường mà những trường giáo viên này chuyển về luôn là trường một buổi vừa phải đi dạy ít mà thu nhập lại cao.
Chỉ nhìn những thầy cô giáo này ai cũng đoán được vì sao họ lại được ưu ái đến thế.
Chạy chế độ, chạy trường rồi chạy cả chức đang diễn ra không ít ở môi trường giáo dục. Chẳng phải ai lên hiệu trưởng, hiệu phó cũng là “Căn cứ theo năng lực phẩm chất…” để bổ nhiệm.
Không ít người năng lực có hạn (là giáo viên chưa từng đạt danh hiệu gì vì thi lúc nào thi cũng trượt), phẩm chất có vấn đề (từng bị đánh ghen, tống tiền, kiện cáo về tội hủ hóa, có máu đỏ đen…) vẫn một bước lên làm lãnh đạo…
Câu trả lời “không là ê kíp cũng phải chi nặng đô lắm mới được thế”.
Khi người lãnh đạo không nghiêm
Hằng năm, các trường học, thường có chuyện luân chuyển giáo viên giữa trường này với trường khác trong cùng một địa bàn.
Việc luân chuyển thường được thực hiện trên nhiều lý do, giáo viên làm đơn xin chuyển, hoặc luân chuyển ngẫu nhiên từ cấp trên.
Lợi dụng điều này, nhiều thầy cô giáo đã biết vận dụng các mối quan hệ và tận dụng tối đa năng lực của mình.
Nếu người lãnh đạo nghiêm, việc luân chuyển giáo viên sẽ rất “tâm phục khẩu phục” bởi đã được xem xét trên cả hai lĩnh vực lý và tình.
Nhưng gặp lãnh đạo thích quà cáp, ưa vật chất người chuyển sẽ được như ý, ngược lại nếu không biết “chạy chọt” đang ở nơi gần bỗng chốc chuyển đến nơi xa mà chẳng thể làm gì được.
Việc bổ nhiệm dù là lấy phiếu tín nhiệm nhưng vẫn thực hiện theo “chế độ thủ trưởng”, khi sếp đã thích thì có đủ ngàn vạn lý do mà chẳng ai dám phản đối.
Ngược lại, giáo viên ấy đã vào “tầm ngắm” có giỏi giang tài ba cỡ nào cũng mãi chỉ là một giáo viên quèn mà thôi.
Tác giả bài viết: Thuận Phương
Nguồn tin: