Thế giới

Lãnh đạo thế giới tề tựu ở Vatican dự lễ tang Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis, người đã qua đời vào ngày 21/4 vì suy tim sau cơn đột quỵ ở tuổi 88, được yêu mến rộng rãi vì sự khiêm nhường và lòng trắc ẩn của ông đối với những người bị thiệt thòi.

Các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu đến thành Vatican ở Rome, Italy hôm 25/4, một ngày trước lễ an táng Giáo hoàng Francis, một buổi lễ mặc dù giản dị hơn thường lệ nhưng vẫn được coi là một sự kiện lịch sử.

Giáo hoàng Francis, người đã qua đời vào ngày 21/4 vì suy tim sau cơn đột quỵ ở tuổi 88, được yêu mến rộng rãi vì những gì mà nhiều người coi là sự khiêm nhường và lòng trắc ẩn của ông đối với những người bị thiệt thòi.

Các nguồn tin cảnh sát nói với Sky News rằng dự kiến có khoảng 200.000 người sẽ tham dự tang lễ của Giáo hoàng Francis, bao gồm khoảng 130 phái đoàn, với khoảng 1 triệu người sẽ xem đám rước ở Rome.

Ít nhất 250.000 người đã đến viếng Giáo hoàng Francis khi linh cữu ông được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter trong 3 ngày qua.

Vatican nói với Euronews rằng 130 phái đoàn đã xác nhận tham dự, bao gồm 50 nguyên thủ quốc gia và 10 quốc vương đang trị vì.

Linh cữu Giáo hoàng Francis được đưa vào Vương cung thánh đường Thánh Peter, ngày 23/4/2025. Ảnh: NBC News

Một buổi phát trực tiếp bên trong Vương cung thánh đường, được phát sóng từ ngày 23/4, đã bị dừng vào tối hôm 25/4 để lễ đóng nắp quan tài được thực hiện vì đây được mô tả là một buổi lễ không công khai.

Một đám tang ngoài trời sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter vào ngày 26/4, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ, cũng như Thân vương xứ Wales, người tham dự thay mặt cho Vua Charles.

Vẫn chưa biết liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có tham dự lễ tang hay không. Ông đã được mong đợi sẽ tham dự, nhưng các nguồn tin từ Đại sứ quán Ukraine ở Anh đã nói với các phóng viên rằng ông có thể không có mặt, Sky News đưa tin.

Các nhà lãnh đạo khác được xác nhận sẽ tham dự lễ tang bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Tang lễ thường kéo dài khoảng hai tiếng rưỡi, và chủ yếu được cử hành bằng tiếng Latin.

Người phát ngôn của Vatican cho biết phái đoàn Argentina, quê hương của Giáo hoàng Francis, sẽ được xếp chỗ ngồi đầu tiên, trước phái đoàn Italy, và sau đó các quốc vương đang trị vì sẽ được xếp chỗ ngồi theo thứ tự bảng chữ cái, nhưng bằng tiếng Pháp, tiếp theo là các nguyên thủ quốc gia.

Sau tang lễ, linh cữu của Giáo hoàng Francis sẽ được rước qua các đường phố của Rome trên đường tới nhà thờ yêu thích của ông – Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore, nơi thi hài sẽ được chôn cất trong một ngôi mộ ngầm đơn giản.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Giáo hoàng Francis đang được chuẩn bị bên trong Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore, còn được gọi là Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, và là một trong 4 vương cung thánh đường lớn ở Rome

Giáo hoàng Francis đã chọn được chôn cất gần một biểu tượng của Đức Mẹ Maria mà ông thường cầu nguyện khi còn tại thế.

Các hồng y sẽ không bắt đầu mật nghị để bầu ra nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Công giáo cho đến ít nhất là ngày 5/5.

Các hồng y cũng đã đến Rome. Tổng cộng có 113 người đã họp vào sáng hôm 24/4 để thảo luận về công việc của nhà thờ. Họ đã có một cuộc họp nữa hôm 25/4 trước kỳ nghỉ cuối tuần.

"Chúng tôi đang chuẩn bị, nhưng chúng tôi vẫn chưa bước vào giai đoạn căng thẳng hơn. Chúng tôi đang trong giai đoạn tổ chức", Đức Hồng y người Italy Fernando Filoni cho biết hôm 24/4.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP