Mất cả ngày trời vượt qua hàng chục ngọn núi đồi của dảy Trường Sơn ngoằn nghoèo, hiểm trở mới đặt chân tới đỉnh Huồi Sơn (thuộc xã Tam Hợp). Anh Vương Trung uý, một người có thâm niên đi xây dựng các làng thanh niên trên địa bàn miền tây Nghệ An cho biết, chỉ cần vượt qua dảy núi và thung lủng trước mặt là địa phận nước bạn Lào. Còn dưới chân đỉnh Huồi Sơn khuôn viên đã được quy hoạch và đang xây dựng làng thanh niên lập nghiệp.
Trung tâm tổng đội TNXP Huồi Sơn
Được biết, trước khi làng thanh niên ra đời tình hình an ninh ở khu vực này hết sức phức tạp. Chính nơi đây, Trung uý Và Bá Giải (Đồn biên phòng 551 đóng ở xã Tam Hợp) đã từng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ truy quét toán “phỉ” xâm nhập biên giới trái phép. Tuy đóng trên địa bàn phức tạp này và mới thành lập mới hơn 2 năm nhưng khuôn viên trung tâm của tổng đội đã được xây dựng khang trang. Khắp lưng chừng đồi cho đến dọc các khe suối nhiều nương ngô, rẫy lúa, rặng bầu, bí...của bà con dân tộc Mông đã được các anh chị em tổng đội hướng dẫn canh tác rất hiệu quả.
Được biết, ngày 18/10/2013, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 350-QĐ/TƯ ĐTN phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Làng thanh niên biên giới Tam Hợp, Nghệ An. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn thách thức, nhưng với tinh thần xung kích tình nguyện và được sự động viên giúp đỡ của T.Ư Đoàn, UBND tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương huyện miền núi Tương Dương, bộ đội Biên phòng cùng với xã Tam Hợp... đến nay giữa đại ngàn trùng điệp này làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp đã được hình thành và đang tràn đầy sức sống.
Các đội viên đang chuẩn bị cho bữa ăn
Những ngày đầu ra quân, hàng trăm thanh niên khắp nơi của tỉnh Nghệ An đã xung phong về đây dựng lều, lợp lán để ở và cùng nhau lao động sản xuất. Người lên rừng phát nương làm rẫy, người bạt đèo, xẻ núi để làm đường đi lại. Sau giờ lao động lại đua nhau tìm đến khe suối để tắm rửa và cùng nhau dùng bữa cơm bên lán trại rất vui vẻ. Để tạo điều kiện cho thanh niên lên đây lập nghiệp, tổng đội đã xây dựng hệ thống nhà ở tập thể, nước sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ.
Anh Vừ Bá Tềnh, một đội viên người dân tộc Mông tâm sự, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần thanh niên ai cũng nhiệt huyết nên quên đi mệt nhọc. Thanh niên Vừ Tồng Lồng phát biểu: “Trước đây chưa có làng thanh niên, suốt ngày ta chỉ biết tụ tập uống rượu, nay có làng thanh niên, lên đây lao động với mọi người không những thấy vui mà cuộc sống còn có rất nhiều ý nghĩa.”
Đổi thay miền biên ải
Được biết, Tam Hợp đang thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều phức tạp. Riêng bản Huồi Sơn tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Mông. Chính bà con nơi đây một thời từng nghe theo kẻ xấu xúi dục để chống đối chính quyền, di cư trái phép sang nước bạn Lào. Tuy nhiên, vùng đất này lại có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp. Gần đây anh em đội viên đã cùng bà con bản làng trồng mới hàng trăm ha chè tuyết shan, hoa ly, rau sạch, lúa nước. Hiện đang bảo vệ gần 4.100 ha rừng phòng hộ, khoanh nuôi và trồng mới hàng trăm ha rừng sản xuất, hệ thống vườn ươm ươm giống tuy mới hình thành nhưng quanh năm xanh tốt. Anh chị em của tổng đội còn tăng cường chăn nuôi nuôi gia súc, gia cầm không chỉ để phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày mà còn cho thu nhập cao.
Trẻ em vùng tổng đội rất thích thú khi có hệ thống nước sạch từ khe suối về.
Anh Nguyễn Tuấn Vinh -Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Làng thanh niên biên giới Tam Hợp còn đảm bảo cuộc sống cho hơn 100 hộ đội viên, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động trẻ làm nòng cốt xây dựng làng thanh niên lập nghiệp. Đồng thời hỗ trợ, tạo việc cho hơn 250 lao động địa phương trong vùng dự án và thu hút trên 300 lao động thời vụ hàng năm. Ngoài ra, việc ra đời Làng Thanh niên lập nghiệp này còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, chống xâm nhập biên giới trái phép, bảo vệ khu vực biên giới, chủ quyền an ninh quốc gia.
Tác giả bài viết: Phan Sáng