Trường nghề “chục tỷ” hoạt động cầm chừng
Được thành lập từ năm 2008, nhưng đến năm học 2010 - 2011, trường mới bắt đầu tuyển sinh. Trường đặt tại xã Bồng Khê (Con Cuông), được kỳ vọng sẽ là cái nôi đào tạo nghề cho con em các huyện tây nam của tỉnh. Tuy nhiên, “những năm học đầu, tuyển được 100 em, nhưng đến khi tốt nghiệp thì “rơi rụng” hết, chỉ còn hơn 40 em ra trường” - ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trường vắng như chùa Bà Đanh |
Thời điểm ấy, đội ngũ giáo viên và cán bộ của trường gần 40 người, có nghĩa là gần như 1 học sinh được 1 giáo viên dạy học. Năm học 2015 - 2016, tuyển được 405 học sinh nhưng sau 9 tháng học, chỉ còn 260 em. Việc học sinh bỏ học diễn ra hàng tuần. Năm nhiều nhất, trường nghề này cũng chỉ cho “ra lò” được hơn 100 học viên.
Cũng theo ông Bình, hiện nay trường có 38 cán bộ và giáo viên, mỗi năm được cấp 4 tỷ đồng phục vụ việc dạy và học. Ngoài hệ trung cấp, trường còn đào tạo trình độ sơ cấp ngắn hạn. Quá trình dạy sơ cấp, nhà trường phải vận chuyển máy móc, thiết bị đến tận xã để dạy, và những học viên này chủ yếu “học cho biết”.
Đào tạo cầm chừng, nhưng cơ sở hạ tầng lại được đầu tư rất khang trang. Thời điểm mới thành lập trường được đầu tư gần 60 tỷ đồng chưa kể tiền giải phóng mặt bằng. Trong đó, hơn 33 tỷ đồng mua sắm thiết bị. Đến năm 2016, Sở LĐ- TB và XH Nghệ An tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới tòa nhà đa năng, 2 nhà thực hành, nhà nội trú, thư viện… Một số công trình hiện vẫn trong quá trình xây dựng.
Không học viên, nhiều nhà bỏ hoang, vẫn xây tiếp
Chúng tôi tìm hiểu tại sao số học viên tham gia học tập ngày càng ít, thì một số phụ huynh cho biết: "Các cháu học xong nhưng ra trường không phát huy được nghề đã học, chúng tôi lại phải gửi các cháu tới các cở đào tạo tư nhân. Mà học ở ngoài chỉ cần học 6 tháng đến 1 năm là về mở cơ sở hành nghề được. Còn học ở đây tuy có hỗ trợ tiền học phí nhưng học xong bằng không, thì học làm gì?".
Tòa nhà 4 tầng đang được xây dựng tiếp |
Nhiều năm nay, trường đào tạo và sát hạch bằng lái xe máy vì không có học viên học các nghề khác. Về nhiệm vụ chuyên môn, mỗi năm trường đào tạo được vài lớp sơ cấp ngắn hạn. Nhưng vì học viên chủ yếu là con em nông dân nên đội ngũ giảng dạy phải xuống tận thôn bản. Nghĩa là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư hàng chục tỷ đồng của trường dường như không dùng đến.
Để có việc làm cho cán bộ giáo viên, ngoài phối hợp với các trường đào tạo lái xe mở các lớp học thi giấy phép lái xe A1, trường thường phối hợp với các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... về các xã mở các lớp thổ cẩm, trồng nấm, nhưng học viên chỉ học cho biết, nhận hỗ trợ mấy chục ngàn/ngày, chứ không phải học để hành, gây lãng phí kép.
Điều đáng nói là trong khi trường gần như không có học viên nhưng vẫn cơ sở vật chất vẫn cứ xây dựng. Hàng năm tỉnh vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng cho trường. Có người đặt câu hỏi: Xây dựng cho ai, để làm gì? Và ai là người được hưởng lợi khi tiếp tục xây dựng?
Khi tôi viết những dòng này thì có 2 giáo viên của trường, trong đó có 1 giáo viên là phó khoa đã gửi đơn xin chuyển trường.
Toàn cảnh Trường trung cấp Nghề - DTMN Nghệ An |
Cha ông ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên", trong 38 cán bộ giáo viên của trường hầu như không có ai trình độ tay nghề khá. Bởi họ từ giáo viên các trường dạy văn hóa chuyển sang, một số tốt nghiệp các trường đại học cao đẳng xin về đây “dạy nghề” càng làm cho chất lượng đầu ra không đảm bảo.
Tác giả: Chính Trực
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam